Đổi mới và phát triển để ứng phó với Covid-19
Bên cạnh kế thừa kinh nghiệm phòng, chống dịch thì việc cần phải đổi mới và có giải pháp phù hợp để ứng phó dịch trong tình hình mới và phục hồi hậu quả do đại dịch để lại cũng rất quan trọng. Đổi mới ở đây là trong cách thức ứng phó đối với đại dịch tập trung vào các cải tiến để tối ưu hóa phương pháp, trang bị hiện có, mặt khác phát triển y sinh và dược phẩm mới. Hầu hết những nỗ lực này đều bắt nguồn và các nước phát triển đi tiên phong, tuy nhiên, với những quốc gia như Việt Nam, mặc dù nguồn lực hạn chế nhưng vẫn là tấm gương cho thế giới.
Đại dịch Covid-19 đến thời điểm hiện tại cho thấy đây là một trong những thách thức lớn nhất mà các tổ chức nhân đạo và phát triển quốc tế từng phải đối mặt. Đã có những hậu quả lớn đối với người nghèo và dễ bị tổn thương trên thế giới, về tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng y tế công cộng đối với sức khỏe và tỷ lệ tử vong, cũng như tác động gián tiếp đến hệ thống xã hội, kinh tế và chính trị. Những giải pháp mới được phát triển ở tốc độ cao nhằm tìm ra cách phát hiện và khống chế dịch hiệu quả nhất, trong đó không thể không nói đến: phát triển và triển khai các xét nghiệm, nhất là xét nghiệm nhanh với độ nhạy cao, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), quy trình lâm sàng, điều trị bằng dược phẩm và vắc-xin đáng tin cậy, an toàn để chống Covid-19. Phát triển các kỹ thuật và công nghệ giám sát để theo dõi và truy tìm các trường hợp tiếp xúc. Giải pháp giảm lây truyền, bao gồm các biện pháp thích hợp để giảm tiếp xúc xã hội, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và cách ly các trường hợp nghi ngờ và đã xác định. Xây dựng các chính sách và can thiệp thích hợp để đối phó với các tác động kinh tế – xã hội, cũng như bảo đảm sự phục hồi lâu dài và bền vững một cách an toàn.
Việc vi-rút SARS-CoV-2 biến đổi không ngừng, trở nên dễ lây lan hơn và tăng độc lực đã đẩy các nhà khoa học cũng như nhân loại trước áp lực rất lớn. Dịch bệnh lan rộng có tác động to lớn đến sức khỏe và sinh kế trên toàn thế giới, thế nhưng Covid-19 đã tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho các giải pháp và phương pháp tiếp cận mới. Cuộc khảo sát toàn diện nhất về các cam kết tài trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) toàn cầu cho vắc-xin phòng Covid-19 cho thấy rằng đầu tư vào đổi mới liên quan đến sức khỏe là chưa từng có. Vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên được đưa vào thử nghiệm trên người trong vòng 69 ngày, phá kỷ lục kể từ khi xác định được tác nhân gây ra đợt bùng phát là một thành tựu đáng kể, trong khi trước đó phải mất 25 tháng để vắc-xin đầu tiên đạt được giai đoạn thử nghiệm trên người.
Những đổi mới tập trung vào sức khỏe chỉ là những hình thức đổi mới dễ thấy nhất đã diễn ra và thường dễ xác định và định lượng hơn về mặt tài chính. Đã có nhiều đổi mới để đối phó với các tác động gián tiếp hoặc thứ cấp của đại dịch. Chúng bao gồm một loạt các biện pháp chính sách công được thực hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng và các hộ gia đình dễ bị tổn thương; những đổi mới ở cơ sở do người dân và cộng đồng dẫn dắt nhằm viện trợ lẫn nhau và tăng cường đoàn kết xã hội; các đổi mới về tổ chức được thực hiện trên các khu vực công, tư và phi lợi nhuận nhằm duy trì các hoạt động quan trọng khi đối mặt với các đợt bế tắc quốc gia và toàn cầu, chẳng hạn như việc sử dụng ngày càng nhiều các phương thức làm việc trực tuyến, sự ra đời của “quy trình kinh doanh an toàn và các biện pháp phục hồi kinh doanh”, quy trình sản xuất an toàn, quy trình khám, chữa bệnh an toàn và hàng loạt các quy trình an toàn khác.
Rõ ràng là tính cấp bách của cuộc khủng hoảng đã là chất xúc tác cho các phương pháp tiếp cận sáng tạo và mới lạ, thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách ra quyết định hành động nhanh chóng và quyết đoán. Đồng thời, tính cấp thiết có thể có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách chọn đưa ra quyết định mà không có sự tham vấn đầy đủ với các bên liên quan. Ngoài ra, còn có sự không chắc chắn đáng kể chung quanh vi-rút và các tác động của nó, cách nó lây lan, cách tốt nhất để ngăn chặn và điều trị nó, và làm thế nào để giảm thiểu các tác động rộng hơn.
Áp dụng điều này để phân tích các nỗ lực đổi mới cung cấp hiểu biết sâu hơn về các loại đầu tư khác nhau có thể được quan sát. Nó cũng cho phép tư duy chiến lược sắc nét hơn về nỗ lực đổi mới tổng thể. Những nỗ lực này có thể phân loại theo các nhóm như: Đổi mới theo định hướng sứ mệnh, thí dụ rõ ràng nhất ở đây là việc phát triển vắc-xin phòng Covid-19 và các thỏa thuận liên quan để phân phối công bằng và rộng rãi. Sáng kiến về Tiếp cận toàn cầu vắc-xin Covid-19 (COVAX) cho thỏa thuận này cũng là một trong những cơ hội để Việt Nam tiếp cận được hàng chục triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cũng như có thể mua được vắc-xin với giá hợp lý. Cũng trong hạng mục này là những nỗ lực được công bố rộng rãi để phát triển máy thở giá rẻ để điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19 cấp tính. Mặc dù phần lớn các nỗ lực đổi mới này xuất phát điểm từ các nước phát triển nhưng vẫn có những ngoại lệ đáng chú ý.
Cải tiến theo định hướng nâng cao: Các nước đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát và quản lý lây nhiễm Covid-19 phù hợp. Thí dụ, cách tiếp cận đang được thực hiện trên khắp thế giới để theo dõi, truy tìm, cách ly và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương được xây dựng dựa trên các bài học kinh nghiệm từ các ứng phó dịch trước đó, với các điều chỉnh được thực hiện cho dịch tễ học cụ thể của Covid-19.
Đổi mới thích ứng: Điều này đề cập đến những ý tưởng ban đầu, đơn giản, được tạo ra tại địa phương cho phép tạo ra những kết quả không thể đạt được nếu không áp dụng. Những đổi mới cấp cơ sở này đã xuất hiện trong môi trường khan hiếm nguồn lực đòi hỏi sự khéo léo của con người. Một số nỗ lực mang tính bản địa hóa cao này dựa trên các khía cạnh cụ thể của các phản ứng Covid-19, chẳng hạn như sản xuất trang bị bảo hộ hiệu quả với chi phí thấp và tiết kiệm.
Nỗ lực dự đoán: Trong bối cảnh Covid-19, các chính phủ trên khắp thế giới đang cố gắng suy nghĩ lại về thế giới sau đại dịch sẽ như thế nào. Những nỗ lực này bao gồm những nỗ lực tập trung vào việc “thiết lập lại toàn cầu” hệ thống kinh tế quốc tế đã tạo ra những tổn thương nghiêm trọng như vậy đối với đại dịch và vào việc bảo đảm “phục hồi xanh”. Phần lớn công việc này tập trung vào những đổi mới ở cấp độ chính sách để nền kinh tế toàn cầu được thiết lập lại trên nền tảng bền vững hơn, cũng như những đổi mới về tổ chức và công nghệ liên quan có thể hỗ trợ những thay đổi rộng lớn hơn trong đời sống kinh tế và xã hội. Ở Việt Nam, chính phủ đã thực hiện một cách tiếp cận đa hướng đối với đại dịch nhằm giải quyết các tác động trực tiếp đến sức khỏe, các tác động kinh tế thứ cấp, nhưng cũng nhấn mạnh đến đoàn kết xã hội và sự tham gia của người dân.
Các khoản đầu tư đổi mới vào vắc-xin và phương pháp điều trị, mặc dù đáng kể, đã được thực hiện đơn giản hơn nhiều nhờ sự tồn tại của các công ty lớn, các tổ chức được thành lập và đáng tin cậy trong các lĩnh vực này (Liên minh toàn cầu về vắc-xin, Liên minh Đổi mới chuẩn bị phòng dịch và những tổ chức khác). Chính vào lúc này, việc chia sẻ để phát triển thuốc, vắc-xin và chẩn đoán sẽ đặc biệt mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển, kèm theo đó là khả năng tiếp cận các công trình khoa học, dữ liệu lớn liên quan đến Covid-19 đã được công bố rộng rãi cho cộng đồng quốc tế. Nhưng sẽ cần phải làm việc nhiều hơn trong tương lai để những phát kiến này thật sự đem lại hiệu quả trong khống chế dịch để thế giới sớm quay lại cuộc sống bình thường mới với Covid-19.
(Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư)