Chợ quê đong đầy kỷ niệm

Chúng bạn năm xưa mỗi đứa một phương trời, chẳng đứa nào còn ngồi lại bên tôi dưới gốc cây cổ thụ trước chợ làng chơi bắn bi, ngắm tò he mà thèm thuồng, ao ước. Cuộc sống đổi thay, lòng người vẫn thế! Tôi vẫn tin rằng đâu đó trong ngôi làng bình dị này vẫn còn những người tấm lòng thủy chung son sắt, thiết tha với làng mình, với chợ quê, với từng hạt cát cành cây quê mình. Như tôi. Như ba mẹ tôi đã từng yêu đến nồng nàn cái làng, cái chợ, cái nghĩa tình chốn này.

Hồi còn bé nội hay hỏi tôi một câu, rằng: mai này đi xa, con sẽ nhớ điều gì nhất? Tôi hồn nhiên nói với nội tôi: mai này đi xa, con nhớ nhất là cái chợ làng mình.

Chợ làng có gì đâu để nhớ? Đó là lời của những kẻ xa quê mấy năm trở lại làng mình, lối sống thị thành lẫn vào rồi che mờ sự chân chất, bình dị, khiến họ buông ra một câu nghe thôi đã thấy giận lòng. Tôi tự nhủ rằng đời có đổi thay thế nào thì cái chợ làng và những kí ức gắn liền với chợ làng mình vẫn không bao giờ thay đổi.

Ảnh minh họa

Tôi yêu da diết cái chợ làng mình. Cái chợ nằm ở đầu làng, phía trước có mấy cây cổ thụ bóng mát ôm trùm khắp sân cát. Bên dưới cái mái ngói cổ kính và rộng rãi kia là những gian hàng được phân bố gọn gàng, thứ tự. Dãy ngoài bán những mặt hàng thủ công, đồ chơi trẻ con, tò he, búp bê nhựa. Vào trong một chút là gian hàng bánh kẹo xanh đỏ hấp dẫn trẻ con. Tuốt trong cùng là hàng rau cải, thịt cá, cũng sạch sẽ chứ không bề bộn như những cái chợ mà tôi đã từng đi qua. Chợ là nơi xôn xao nhất làng, cũng là nơi mà hồi nhỏ mỗi lần ra chơi là tôi lại thấy thích thú, mặc dù lúc đó trong túi tôi chẳng có lấy một ngàn mua quà bánh cho thỏa lòng khao khát.

Vui nhất là những ngày hội làng, chợ như xôn xao, náo nhiệt hơn mọi khi. Trước sân chợ, người ta dựng sân khấu lớn, diễn xiết, múa lửa, ca hát inh ỏi đến tận khuya. Cùng với những trò chơi dân gian, ném phi tiêu, ném bóng… đầy vui nhộn. Những ngày đó khắp chợ được treo đèn lồng đủ màu, tiếng nói cười xôn xao, tiếng mời hàng cởi mở. Tôi thường xin mẹ cho ra chợ làng chơi vào những ngày như thế. Ngày thường tôi vẫn tự do ra chợ, mỗi khi đi học về ghé chợ mua li nước mát, cóc, ổi hay mía ghim vừa ăn vừa đi về, hoặc chiều chiều mon men ra chợ chơi một lúc cho đến khi chợ vãn thì chạy ù về nhà. Nhưng ngày hội thì không. Mẹ dọa tôi hội chợ đông đúc, con nít ra đó xui rủi bị bắt cóc thì mẹ biết tìm đâu bây giờ? Tôi thoáng lo âu. Nhưng khi tôi đi cùng đám con nít trong làng thì mẹ cho, tối tối mẹ xách đèn ra chợ tìm đám con nít dẫn đường về, sợ trời tối mịt.

Được ra chợ làng ngay đêm hội, tôi hân hoan hẳn lên. Tôi chen qua đám đông để được đứng gần người biểu diễn xiếc. Đôi khi người đó diễn trò mạnh bạo, nguy hiểm như nuốt kiếm, xuyên que qua cổ,… tôi đưa tay bịt mắt lại khít rịt, đến chừng nghe tiếng reo hò lớn quá, cái tính hiếu kì buộc tôi phải mở mắt ra mà nhìn. Đi chợ làng tôi chẳng mua gì ngoài mấy que kẹo ăn cho ngọt miệng. Hồi đó tôi cực thích bọn tò he của ông lão ngồi ngoài đầu chợ. Tò he hình Tôn Ngộ Không, Tam Tạng, con chuột, con gà… nhìn mê li. Tôi vân vê một lúc rồi cũng đặt lại chỗ cũ, tự nhủ chừng nào có tiền thì mua hết số tò he này. Nhưng sở thích của mỗi người sẽ vơi dần theo thời gian, phải vậy không? Lớn lên, tôi chẳng còn mê bọn tò he xanh đỏ tím vàng kia nữa. Tôi không dửng dưng với chúng, bởi chúng đã từng chứng kiến những hồi ức đẹp của tuổi thơ tôi.

Tôi ra phố, mấy tháng mới về thăm làng một lần. Bao giờ về tôi cũng tranh thủ ra chợ chơi một lúc, đi quanh quất các gian hàng, hỏi thăm một vài người bán hàng quen thuộc, nhớ vẩn vơ đôi ba kí ức vặt vãnh năm nào rồi đi về. Chúng bạn năm xưa mỗi đứa một phương trời, chẳng đứa nào còn ngồi lại bên tôi dưới gốc cây cổ thụ trước chợ làng chơi bắn bi, ngắm tò he mà thèm thuồng, ao ước. Cuộc sống đổi thay, lòng người vẫn thế! Tôi vẫn tin rằng đâu đó trong ngôi làng bình dị này vẫn còn những người tấm lòng thủy chung son sắt, thiết tha với làng mình, với chợ quê, với từng hạt cát cành cây quê mình. Như tôi. Như ba mẹ tôi đã từng yêu đến nồng nàn cái làng, cái chợ, cái nghĩa tình chốn này.

Vì làng là máu thịt!

NguồnHoàng Khánh Duy/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục