TP.HCM: Đẩy mạnh hậu kiểm đảm bảo an toàn thực phẩm
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (BQL ATTP) cho biết sẽ triển khai đẩy mạnh công tác hậu kiểm các nhóm sản phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ người dân.
Mục đích của việc đẩy mạnh công tác hậu kiểm theo lãnh đạo BQL ATTP là nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thông qua hoạt động hậu kiểm, đơn vị sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban BQL ATTP TP.HCM cho biết, là nơi tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn nhất nước nên nhiệm vụ của TP.HCM đặt ra rất nặng nề. Theo quy định, việc kiểm tra doanh nghiệp được thực hiện một năm một lần, đảm bảo không gây phiền hà nên cũng đã tạo ra tâm lý chủ quan ở một số doanh nghiệp, cứ nghĩ đã được kiểm tra xong là được. Do đó, hiện BQL ATTP còn có chế độ thứ hai là kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, không giới hạn số lần, đặc biệt là hậu kiểm với sản phẩm doanh nghiệp tự công bố.
Theo lãnh đạo BQL ATTP TP.HCM, thông qua hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, các đơn vị sẽ đánh giá việc cấp các loại giấv phép về an toàn thực phẩm (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, Bản tự công bố sản phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm)… Công tác hậu kiểm sẽ ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, quảng cáo thực phẩm vi phạm; phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của BQL ATTP TP.HCM.
Trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch giám sát đối với các sản phẩm thịt tươi sống và gan heo; rau, củ, quả tươi, trái cây, sản phẩm từ rau củ quả; ớt khô và ớt bột; thủy sản tươi sống và sản phẩm thủy sản; sản phẩm chế biến từ thịt; nước đá; nước uống đóng bình; suất ăn sẵn, món ăn; rượu trắng, rượu ngâm, rượu thuốc. Các mẫu sẽ được lấy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố và các cơ sở kinh doanh thuộc kênh phân phối truyền thống (các chợ), các cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc kênh phân phối hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn 24 quận, huyện của thành phố. Thời điểm cuối năm, BQL ATTP sẽ hậu kiểm việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm trên địa bàn thành phố, chú trọng các sản phẩm được tiêu thụ mạnh vào dịp Lễ Tết như rượu, đồ uống có cồn, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo,…
Lãnh đạo BQL ATTP TP.HCM cũng cho biết, đợt hậu kiểm năm nay, đơn vị đặc biệt chú ý đến nhóm sản phẩm, sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc giảm kiểm tra và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tăng cường xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài, trên internet, môi trường mạng và lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn trái phép chất tân dược thuộc các nhóm sản phẩm hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu … BQL ATTP TP.HCM sẽ tiến hành lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các sản phẩm được bán online.
“Ngoài việc hậu kiểm theo kế hoạch, BQL ATTP TP.HCM sẽ tăng cường hậu kiểm đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi theo phân cấp quản lý, đặc biệt khi có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng”, bà Lan cho biết.