Gian nan “cuộc chiến” chống hàng kém chất lượng
Nhiều đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương tại chợ truyền thống, trung tâm thương mại và kể cả các hệ thống siêu thị. Không ít tiểu thương phải đóng cửa các ki ốt, tạm nghỉ bán hàng do buôn bán ế ẩm, mặc dù các ngành hàng này vẫn được phép hoạt động…
Trước tình hình trên, để có thể kinh doanh buôn bán thuận lợi trong điều kiện phòng chống dịch ngày càng siết chặt, nhiều tiểu thương đẩy mạnh bán hàng online và thanh toán thông qua ví điện tử. Việc làm này giúp phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng giúp tiểu thương có nguồn thu, và kết nối, tìm kiếm thêm nhiều khách hàng, duy trì kinh doanh…
Tuy nhiên, cũng từ đây, gian lận thương mại trên môi trường mạng cũng bùng phát mạnh mẽ, do lượng giao dịch lớn. Nhiều đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng. Và “cuộc chiến” với hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vì thế trở nên gian nan hơn với lực lượng chức năng.
Chị Mỹ Dung, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) chia sẻ, việc chọn mua qua các mạng hay các ứng dụng đôi lúc cũng dở khóc dở cười, vì người mua có thể nhận hàng không đúng với mẫu mã và chất lượng đã chọn.
Cũng là một tín đồ mua hàng qua mạng nhưng có lần, anh Lê Đình Nhi ở đường Mạc Đăng Doanh, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) được bên bán chủ động gọi điện thoại tặng quà. Phía bán hàng nói, anh Nhi là khách hàng VIP được tặng món quà có trị giá lên đến gần cả triệu đồng nhưng anh phải hỗ trợ trả tiền phí ship cho phía dịch vụ là 200 ngàn đồng. Tưởng được tặng hàng có chất lượng nên anh Nhi đồng ý nhận và trả tiền ship cho shipper. Thế nhưng khi nhận và mở gói quà tặng thì là đúng chiếc thắt lưng hàng nhái giá trị không quá 50 ngàn đồng!
Thực chất, đây là một chiêu thức bán hàng lừa đảo để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Các đối tượng xấu đánh vào tâm lý người tiêu dùng.
Trước thực tế ngày càng xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo như trên, hay lợi dụng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các đơn vị chức năng đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng.
Đơn cử, mới đây Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất và tạm giữ 4.466 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, nước hoa, mặt nạ, ví cầm tay, đồng hồ đeo tay, giày dép các loại đều do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas, Chanel…
Theo ông Trần Phước Trí, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Đà Nẵng, triển khai Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT của Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT về việc phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025; thực hiện Kế hoạch số 169/KH-CQLTT của Cục QLTT TP. Đà Nẵng về việc triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025, Cục QLTT TP. Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 3 địa điểm kinh doanh trên địa bàn.
Cụ thể, tại địa điểm kinh doanh số 89 Lý Thái Tổ, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tạm giữ 633 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm; dụng cụ, sản phẩm làm đẹp các loại; Địa điểm kinh doanh 175 Hùng Vương, quận Hải Châu (Đà Nẵng) tạm giữ 833 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm; dụng cụ, sản phẩm làm đẹp các loại – địa điểm này vừa kinh doanh tại quầy, vừa bán hàng qua facebook; Tại địa điểm kinh doanh có địa chỉ 158 Đống Đa, quận Hải Châu, lực lượng chức năng tạm giữ 80 kiện hàng hóa với gần 3.000 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm (nước hoa, mặt nạ), ví cầm tay, đồng hồ đeo tay, giày dép các loại…
Đó là 3 trong số nhiều vụ việc Cục QLTT TP. Đà Nẵng phát hiện và xử lý trong 6 tháng đầu năm 2021. Theo cơ quan này, thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều thông tin khiếu kiện của người dân về chất lượng hàng hóa khi mua hàng trực tuyến. Hầu hết các vụ khiếu nại đều liên quan đến chất lượng hàng hóa như: hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ, cung cấp sản phẩm không bảo đảm chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa khách hàng… Song việc xử lý không dễ dàng vì phải chứng minh được hành vi vi phạm với sự việc, con người và món hàng cụ thể. Trong khi, người dân thường không có văn bản khiếu kiện với đầy đủ thủ tục mà chỉ gọi điện thoại. Hầu hết các giao dịch qua mạng đều không có hóa đơn, chứng từ khiến việc xử lý rất khó khăn; việc xác định đối tượng vi phạm cũng không dễ vì thường giao nhận hàng hóa thông qua dịch vụ chuyển phát.
Theo ông Trần Phước Trí, thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng, thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố tăng cường công tác trao đổi thông tin, cảnh báo, nắm tình hình, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, phương thức, thủ đoạn chủ yếu và mới của các đối tượng để có phương án, kế hoạch đấu tranh xử lý hiệu quả.