Lối đi cho start-up giữa đại dịch

Thực tế cho thấy vẫn có nhiều “cửa sáng” cho các start-up ngay trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là đối với các doanh nghiệp nhanh chóng có giải pháp ứng phó, chuyển đổi mô hình kinh doanh kịp thời.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) vốn có sức đề kháng yếu. Ngay cả khi không có dịch bệnh, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đã đối mặt với muôn vàn rủi ro. Thống kê cho thấy 9/10 start-up thất bại ở năm đầu tiên vì nhiều lý do khác nhau. Chính vì vậy, đại dịch Covid-19 xảy đến đã khiến lực lượng vốn “mong manh” này càng xoay vần trong nhiều khó khăn.

Số liệu thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm, có hơn 70.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường mà theo các chuyên gia, trong đó có cả một lực lượng đông đảo các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, trong bất cứ khủng hoảng nào cũng đều có cơ hội. Thực tế cho thấy vẫn có nhiều “cửa sáng” cho các start-up ngay trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là đối với các doanh nghiệp nhanh chóng có giải pháp ứng phó, chuyển đổi mô hình kinh doanh kịp thời.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng – người sáng lập Công ty TNHH công nghệ VVN AI chia sẻ, trong giai đoạn đầu của đại dịch, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi chi phí ban đầu lớn mà doanh thu chưa có gì. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng đã nhanh chóng chiến lược tiếp cận thị trường, thay vì nhóm khách hàng nhỏ lẻ, đã hướng tới khách hàng lớn và bền vững hơn. Chẳng những vậy, doanh nghiệp còn tận dụng tốt lợi thế về phát triển công nghệ AI, tiếp tục nghiên cứu nhiều công nghệ mới. Hiện doanh nghiệp này đã ổn định và tăng trưởng hơn con số trước rất nhiều.

Hay như Loship – một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử giao hàng trong một giờ, vốn có thế mạnh về giao hàng thực phẩm nhưng khi đại dịch xảy ra, Loship nhanh chóng tập trung nguồn lực vào các dịch vụ thiết yếu khác như giao hàng tạp hóa, bưu kiện và dược phẩm, đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng. Đợt cao điểm của dịch bệnh, đơn đặt hàng tạp hóa trực tuyến trên Loship tăng gấp 5 lần, trong khi đơn đặt hàng dược phẩm cũng tăng vọt.

Một doanh nghiệp khởi nghiệp vào đầu năm 2020 là Docosan cũng ghi nhận thành công khi phát triển ứng dụng công nghệ nhằm kết nối bệnh nhân với bác sĩ 24/7 tại Việt Nam. Đây là một xu hướng được dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài kể cả sau đại dịch. Mới đây start-up này đã công bố huy động thành công số tiền 1 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống từ Công ty đầu tư mạo hiểm AppWorks có trụ sở Đài Loan cùng một số nhà đầu tư khác.

Có thể thấy, dù trong đại dịch nhưng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường ưu tiên của các quỹ đầu tư mạo hiểm bởi tiềm năng khởi nghiệp, nhất là đổi mới sáng tạo rất lớn. Riêng tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam diễn ra cuối năm 2020, đã có 33 quỹ đầu tư cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cũng được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới theo đánh giá của Start-up Blink năm 2020, tăng 13 bậc so với trước dịch.

Chia sẻ về cơ hội của doanh nghiệp khởi nghiệp thời dịch, ông Trần Việt Hùng – Đồng sáng lập kiêm CEO của Got It cho biết, trước đại dịch các start-up đã nghiên cứu hành vi người tiêu dùng và làm ra các sản phẩm theo hành vi đó. Tuy nhiên, lúc này thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, nếu thấy hướng đi cũ không còn phù hợp, đây chính là cơ hội để các start-up “xóa bài làm lại”.

Rõ ràng đại dịch mang đến nhiều khó khăn nhưng cũng mở ra cơ hội mới, đơn cử như việc học online đem đến cơ hội về công nghệ giáo dục, hay việc làm từ xa của các công ty đòi hỏi phải có nền tảng mới để phục vụ. Ngoài ra, một số lĩnh vực như y tế, tự động hóa, công nghệ sinh học… cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các start-up.

Hiến kế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Lê Bá Tân – Phó Tổng giám đốc Viettel Network cho rằng, với các start-up đã có từ trước và đang vật lộn để tồn tại, việc thích nghi kinh doanh trong thời Covid-19 là phù hợp, doanh nghiệp phải chắt chiu từng cơ hội để vượt qua đại dịch, sau đó sẽ tiếp tục con đường dài hơi đã vạch sẵn.

Tuy nhiên với những doanh nghiệp mới bắt đầu, ông Tân cho rằng không nên dựa vào thói quen và hành vi của người tiêu dùng trong đại dịch, bởi lẽ, thói quen và môi trường sẽ nhanh chóng thay đổi. Minh chứng là nhiều người đã đổ tiền để khởi nghiệp bằng cách sản xuất khẩu trang, nước rửa tay nhưng chỉ có số ít thành công ở thời điểm khan hàng, ngay sau giai đoạn đó đã có nhiều doanh nghiệp thua lỗ.

Đồng tình với ý kiến trên, CEO của Got It cho rằng, doanh nghiệp bước chân vào con đường khởi nghiệp trong thời dịch cần có tầm nhìn xa hơn, hướng tới cung cấp dịch vụ, công nghệ đón đầu những nhu cầu mới, mô hình kinh doanh mới thời hậu Covid, vì mọi thứ hiện tại chỉ mang tính thời điểm.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thay vì muốn nhanh chóng mang sản phẩm ra thị trường để thu dòng tiền về, doanh nghiệp khởi nghiệp hãy thử nghiệm sản phẩm với một nhóm nhỏ. Có như vậy, nếu thất bại doanh nghiệp cũng nhanh chóng vực dậy. Giữa thời điểm dịch bệnh, start-up không nên “tăng trưởng nóng” mà phải theo đuổi con đường phát triển bền vững.

NguồnHạ Chi/Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục