Bộ Y tế: Thay đổi phác đồ điều trị, thí điểm điều trị F0 tại nhà, sử dụng thuốc mới
Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện dành tối thiểu 40% giường để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch lan rộng và trong tình huống địa phương trở thành khu vực "Nguy cơ rất cao"
Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19 vào ngày 13/8, trước bối cảnh một số tỉnh, thành phía Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ thí điểm triển khai điều trị F0 tại nhà.
“Tới đây chúng tôi sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà ở TP HCM và một số tỉnh, thành phố khác khi có ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã sửa đổi tất cả phác đồ điều trị trên cách thức tiếp cận rộng rãi hơn, đảm bảo tiếp cận tốt nhất với tất cả loại thuốc. Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá giúp giảm nồng độ virus tốt nhất.
Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp tăng cường tiếp cận nhập thuốc molnupiravir, khi có điều kiện sẽ sử dụng. Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp dược có thể sản xuất thuốc molnupiravir, trao đổi với các đơn vị có bản quyền để chuyển giao công nghệ và sản xuất.
Molnupiravir là một loại thuốc kháng virus, tương tự thuốc Remdesivir. Bộ trưởng Long nói: “Chúng tôi coi thuốc kháng virus là một trong các vũ khí chống lại virus để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn và có thể áp dụng đại trà”.
Dành tối thiểu 40% giường để thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 trong tình huống địa phương trở thành khu vực “Nguy cơ rất cao”
Cùng ngày, Bộ Y tế đã có Công văn số 6589/BYT-KCB về việc bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương lên phương án, thiết lập cơ sở điều trị, bảo đảm điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư y tế và tăng cường năng lực chuyên môn sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại địa phương.
Huy động toàn bộ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch. Phân công các bệnh viện là cơ sở chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19, đồng thời giao nhiệm vụ cho tất cả các cơ sở còn lại phải chuẩn bị sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch lan rộng và trong tình huống địa phương (tỉnh, thành phố) trở thành khu vực “Nguy cơ rất cao”.
Tuyệt đối không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch
Ngoài việc tăng cường và tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng phải bảo đảm duy trì hoạt động khám, chữa bệnh thường quy của tối thiểu 50% số bệnh viện tuyến tỉnh và 50% số bệnh viện tuyến quận, huyện.
Mục đích để thu dung điều trị các ca bệnh cấp tính theo chuyên khoa và quản lý điều trị ca bệnh mạn tính đang được quản lý tại các bệnh viện bị phong tỏa hoặc bệnh viện được huy động thành bệnh viện điều trị COVID-19.
Đặc biệt, Bộ lưu ý các cơ sở khám bệnh nhà nước và tư nhân tuyệt đối không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị; sẽ nghiêm khắc xử lý các cơ sở khám, chữa bệnh nếu vi phạm.
Các cơ sở y tế cần duy trì việc theo dõi, điều trị cho người bệnh có lịch hẹn tái khám ngay cả khi đã bị phong tỏa, cách ly y tế hoặc nằm trong vùng thực hiện giãn cách xã hội, hoặc người bệnh trong khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội, hoặc cách ly y tế không tới được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lịch tái khám…
Theo đó, đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đề nghị thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 6373/BYT-BH ngày 06/8/2021 về việc hướng dẫn thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến dịch Covid-19.
Đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế đề nghị Sở Y tế tham khảo hướng dẫn tại công văn 6373/BYT-BH để hướng dẫn và giao trách nhiệm cho các bệnh viện trên địa bàn hỗ trợ điều trị cho bệnh viện thuộc khu vực phong tỏa, cách ly y tế hoặc nằm trong vùng thực hiện giãn cách xã hội hoặc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch và không tiếp nhận người bệnh được.
Với việc kê đơn thuốc điều trị ngoại trú đối với người mắc bệnh mạn tính đã được điều trị ổn định, Bộ hướng dẫn các cơ sở y tế cần thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng. Đồng thời phải đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.