Món ẩm thực dân giã chỉ với 5.000 đồng đã hút hồn khách du lịch bởi hương vị làng quê

Các làng quê Việt Nam nổi tiếng với nhiều món ăn dân giã, tinh tế và đậm chất vùng miền. Có thể nói bánh đa là đặc sản bình dân nhất trong các món đặc sản trứ danh của Việt Nam

Bánh đa vừng Lạng Côn còn gắn liền với tích chyện thú vị

Làng Lạng Côn, xã Đông Phương, huyện Kiến Thuỵ từ trước tới nay vẫn nổi tiếng với nghề làm bánh đa. Không chỉ hấp dẫn thực khách bởi hương vị thơm ngon, giòn ngọt, bánh đa Lạng Côn còn gắn liền với tích chyện thú vị, gắn với tiến trình lịch sử và quá trình phát triển của một vùng quê. Theo các cụ cao niên trong làng truyền lại, vào thế kỷ 10, ông Chu Xích Công là người Hoa đến làng Lạng Côn mở trường, dạy học. Sau này, ông được tiến cử vào triều Lê và được Lê Hoàn tin dùng làm tướng. Khi giặc Xiêm đến xâm chiếm, ông được theo nhà vua đi đánh trận.

Bánh đa vừng Lạng Côn. (Ảnh: Thanh Tùng)

Ông chế tạo một loại lương khô đặc biệt là bánh đa với nguyên liệu chủ yếu từ gạo. Bánh đa nhúng vào nước sôi, thêm chút muối cho vừa miệng, trở thành món ăn cho quân lính chinh chiến nơi xa. Còn loại bánh đa tráng mỏng, phơi khô, nướng trên than hoa, ăn giòn tan, vị ngọt bùi vừa dễ ăn lại có thể để được rất lâu. Sau khi lập công lớn, thắng trận, trở về làng Lạng Côn, ông đem theo bí quyết làm bánh đa dạy cho dân làng. Khi ông mất, dân làng tôn làm thành hoàng làng, lập miếu thờ.

Đến thế kỷ 13, vị quan nhà Trần là Trần Quốc Thi về Lạng Côn giúp dân mở mang nông nghiệp, dựng trường học chữ. Ông kế thừa và phát triển bánh đa trở thành loại lương thực dễ làm, dễ chế biến và bảo quản mà vẫn ngon miệng. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, Trần Quốc Thi đóng góp quân lương cho quân đội nhà Trần, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy. Sau khi ông mất, dân làng đưa ông vào miếu thờ như một vị thành hoàng.

Qua nhiều thế kỉ, danh tiếng của bánh đa vừng Lạng Côn ngày càng vang xa. Sự khác biệt của bánh đa Lạng Côn nằm ở độ dày và nhiều vừng hơn hẳn tạo nên hương vị riêng của bánh. Những làng nghề khác khi làm bánh đa thường pha chế nhiều loại nguyên liệu như khoai, sắn, bột nghệ,… để làm cho bánh đẹp và ấn tượng thì bánh đa làng Lạng Côn tạo nên sự đặc trưng từ chính những thứ giản dị nhất đó là lạc và vừng.

Người thợ Lạng Côn khéo léo khi quạt bánh. (Ảnh: Thanh Tùng)

Theo chị Nguyễn Thị Xuân-một người thợ làm bánh đa lâu năm tại Lạng Côn: “Bánh đa truyền thống đặc sản của làng được làm từ bột gạo nguyên chất. Lúa chín đầu mùa sau khi gặt về sẽ được phơi kĩ, xay sát và lựa chọn kĩ lưỡng trước khi nghiền bột làm bánh. Đặc biệt, loại lúa được trồng trên cánh đồng Đông Phương thì bánh sẽ có độ giòn và thơm lâu hơn. Khâu quan trọng nhất với người thợ đó là quạt bánh. Bánh quạt vừa lửa sẽ đều tay, thơm ngọt và không bị cháy”.

Với đôi tay khéo léo giữ đều gió, đều lửa, những “nghệ nhân” Lạng Côn đã tạo ra những tấm bánh đa chín đều, màu vàng rộm tự nhiên. Để có được những tấm bánh thơm ngon, người Lạng Côn còn truyền tai nhau bí quyết đó là khi quạt bánh phải dùng than hoa gốc để giữ cho lửa vừa cháy lâu, lại đượm và đều.

Phơi bánh đa vùng Lạng Côn

Bánh đa vừng – Thức quà bình dị của làng quê

Trước khi thành phẩm, bánh đa Lạng Côn sẽ trải qua công đoạn cuối cùng đó là phơi bánh. Khi mặt trời ló rạng, hàng loạt phên bánh được bày ra phơi khắp làng. Những chiếc bánh đa Lạng Côn thơm và giòn hơn khi được trải mình qua nắng sớm đầu hôm. Phơi chỉ đủ độ nắng trong khoảng 2 giờ, các phên bánh được thu lại, xếp chồng lên nhau.

Không phơi kiệt, cũng không cất bánh đi ngay để tránh giòn gẫy, khó bảo quản trong quá trình vận chuyển mà vẫn giữ được bánh không ẩm mốc, ấy là cái khéo của người Lạng Côn. Nghề làm bánh đa nướng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Tháng nào trời nắng nhiều, làm được 20 ngày; mưa, rét, chỉ làm được 15- 17 ngày. Để tránh phụ thuộc vào thời tiết, một số hộ xây lò sấy nhưng bánh đa chỉ để được 1 tuần rồi tự vỡ vụn. Người Lạng Côn tin rằng không gì thay thế được ánh nắng mặt trời, bởi bánh đa được làm từ lúa gạo sinh ra từ đất và lấy mặt trời làm hình mẫu.

Hiện tại, Lạng Côn có khoảng hơn 20 hộ sản xuất bánh đa, có nhiều hộ đã duy trì nghề ít nhất từ hai cho đến ba thế hệ. Phần lớn các hộ trong làng đều sản xuất theo phương thức thủ công, việc sản xuất cũng phụ thuộc phần nhiều vào yếu tố thời tiết nên số lượng bánh sản xuất ra có lúc không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng và các đại lí. Với giá bán dao động từ 3.000 đồng tới 5.000 đồng một chiếc.

Bánh đa Lạng Côn đã có mặt hầu khắp các tỉnh lân cận như: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội… Bánh đa Lạng Côn đáp ứng được thị hiếu khách hàng bởi sự tiện dụng, thơm ngon và giá cả phù hợp. Vốn được coi là nghề phụ trong lúc nông nhàn nhưng giờ đây nghề làm bánh đa đã phổ biến như một công việc chính của nhiều hộ trong làng, tạo ra nguồn thu nhập cao, giải quyết công ăn việc làm và đem lại nguồn thu kinh tế cho quê hương Lạng Côn.

Bánh đa vừng ít giá trị kinh tế nhưng lại mang giá trị tinh thần, mang hương vị làng quê, đặc biệt bánh đa vừng đã nuôi sống thể chất và tâm hồn biết bao thế hệ người con Lạng Côn. Thức quà bình dị ấy sẽ là nỗi nhớ da diết với du khách và những người con đi xa mỗi khi có dịp nhớ về.

NguồnThanh Tùng/ Dân Việt
Bài cùng chuyên mục