Việt Nam đã nhận được 23 triệu liều vaccine Covid-19

Trong tháng 8 và tháng 9 tới, mặc dù thế giới rất khan hiếm vaccine, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được các nguồn hỗ trợ vaccine nhiều hơn dự kiến từ nhiều đối tác.

Sẽ có nhiều vaccine hơn dự kiến

Cuộc họp của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine chiều 24/8 đã tập trung đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ ngoại giao vaccine thời gian qua và thống nhất các nhiệm vụ cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện nhằm tiếp cận, đưa vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị về nước nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, với những biện pháp vận động hiệu quả, quyết liệt, đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng 23 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX, hỗ trợ của các nước và các hợp đồng đã ký kết. Trong tháng 8 và tháng 9 tới, mặc dù thế giới rất khan hiếm vaccine, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được các nguồn hỗ trợ vaccine nhiều hơn dự kiến từ nhiều đối tác.

Việt Nam đã nhận được 23 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn. Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh vaccine, nhiều nước, tổ chức quốc tế cũng như kiều bào ta tại nước ngoài đã hỗ trợ trang thiết bị y tế phục vụ kịp thời và thiết thực công tác phòng chống dịch trong nước.

Đến nay, chúng ta đã nhận được hơn 6.368.000 bộ xét nghiệm, gần 600.000 khẩu trang các loại, khoảng 600 máy tạo oxy, 300 máy nén oxy, 100 tấn oxy hóa lỏng, 30 máy thở và 77 tủ lạnh bảo quản vaccine cùng nhiều thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng thay mặt Tổ công tác kiến nghị các biện pháp thúc đẩy vận động vaccine, trang thiết bị phòng chống dịch và thuốc điều trị trong thời gian tới.

Rút gọn quy trình thủ tục tiếp nhận vaccine, trang thiết bị y tế

Tại cuộc họp, các thành viên Tổ công tác đã trao đổi nhiều biện pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh vận động vaccine, chú trọng đẩy mạnh vận động cấp cao và các cấp, đôn đốc các hãng sản xuất cung cấp vaccine nhanh nhất và sớm nhất, thúc đẩy khả năng các nước nhượng lại vaccine.

Cuộc họp cũng nhất trí cần có quy trình, thủ tục rút gọn cho phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch, tăng cường phối hợp liên ngành để tiếp nhận và phân bổ nhanh nhất các trang thiết bị và thuốc phòng chống dịch trong giai đoạn cấp bách hiện nay.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, ngoại giao vaccine vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, dài hạn và là “mặt trận” quyết định thành công của chiến lược vaccine của Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai hiệu quả, đồng bộ các biện pháp vận động nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác ngoại giao vaccine; nghiên cứu, kịp thời kiến nghị các biện pháp để phát huy vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong cơ chế COVAX; hỗ trợ các tập đoàn trong nước tiếp cận công nghệ để có thể sản xuất vaccine và thuốc điều trị.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine chiều 24/8. (Ảnh: BNG)

Phó Thủ tướng chỉ đạo Tổ công tác tăng cường phối hợp tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thủ tục để tiếp nhận nhanh nhất, kịp thời nhất các trang thiết bị y tế do các đối tác và kiều bào ta ở nước ngoài hỗ trợ trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp hiện nay. Cần đẩy nhanh việc tiếp cận, vận động và đàm phán mua các loại thuốc điều trị để phục vụ việc chữa trị bệnh nhân và giảm tối đa tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Tổ công tác phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước nhân dân, tăng cường phối hợp thông suốt giữa các bộ, ngành, phấn đấu bảo đảm triển khai hiệu quả và đạt các kết quả cụ thể về ngoại giao vaccine trong thời gian tới.

 

Nguồn V.N/ Dân Việt
Bài cùng chuyên mục