Có nên tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3?

Trong bối cảnh mức độ bảo vệ của vắc-xin phòng Covid-19 cần được duy trì trước những làn sóng của biến thể mới, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của mũi tiêm thứ 3.

Lợi ích của mũi bổ sung thứ 3 chưa được làm rõ. Ảnh minh họa

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng – giảng viên Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh – cho biết, hiện chưa có khuyến cáo chính thức nào từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) về việc tiêm thêm một mũi nhắc sau khi hoàn tất đủ lịch tiêm chuẩn với 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19.

“Việc theo dõi hiệu lực bảo vệ kéo dài của vắc-xin cho thấy lên đến 6 – 12 tháng. Tại cuộc họp vào ngày 22/7, Ủy ban cố vấn về Thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ (ACIP) đang xem xét việc tiêm mũi 3 cho những người có hệ miễn dịch suy yếu như người ghép tạng, người đang điều trị ung thư, người nhiễm HIV, bệnh bạch cầu…”, bác sĩ Tưởng dẫn chứng.

Ngoài ra, kết quả từ những nghiên cứu cũng như thực tế lâm sàng cho thấy, những trường hợp bệnh nặng nhập viện và tử vong do Covid-19 ở nhóm đã hoàn thành 2 mũi tiêm chuẩn là rất thấp và hầu như không có.

“Với nguồn lực vắc-xin còn hạn chế trên thế giới, chúng ta đừng quá nóng vội tiêm mũi 3 khi còn rất nhiều người chưa được tiêm đủ 2 mũi”, chuyên gia nhấn mạnh.

ThS.BS Nguyễn Hiền Minh – Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh – cho biết, thực tế những trường hợp bệnh nặng nhập viện và tử vong do Covid-19 đều là người chưa được tiêm vắc xin.

“Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 và nguồn lực vắc-xin còn nhiều hạn chế trên thế giới, vắc-xin hiện nay vẫn khuyến nghị theo đúng lịch tiêm tiêu chuẩn. Ngày 12/8 vừa qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã sửa đổi giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho cả vắc-xin Pfizer-BioNTech Covid-19 và vắc-xin Moderna Covid-19 để cho phép tiêm liều thứ 3 ở người bị suy giảm miễn dịch. Cụ thể là người được ghép tạng hoặc những người được chẩn đoán có suy giảm miễn dịch”, chuyên gia cho biết.

Trong khi đó, TS Nguyễn Hồng Vũ – Viện City of Hope (Mỹ) – cho biết, hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 hiện nay có thể giảm đối với chủng Delta. Tuy nhiên, vắc-xin vẫn còn khả năng bảo vệ tốt cho người đã được tiêm đủ liều.

Một nghiên cứu trên bệnh nhân ở bang New York, được công bố vào ngày 18/8 trên báo cáo hàng tuần về bệnh và tử vong cho thấy, hiệu quả của vắc-xin chống lại tất cả các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 giảm từ 91,7% xuống 79,8% trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 khi chủng Delta xuất hiện. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ khỏi nhập viện đối với Covid-19 vẫn đạt gần 95%.

Vì vậy, TS Vũ dẫn chứng, nhóm các nhà khoa học nhận định, việc bổ sung mũi thứ 3 cho những người đã tiêm vắc-xin có thể giúp đẩy mạnh hệ miễn dịch. Song, việc dùng những liều vắc-xin này cho nhóm chưa được tiêm sẽ giúp cứu được nhiều người hơn.

“Mặc dù, một số triệu chứng phụ nguy hiểm của vắc-xin hiện nay đã được làm rõ, nhưng việc chích ngừa cho thấy lợi ích cao hơn rất nhiều so với bị mắc bệnh Covid-19. Tuy nhiên, lợi ích của mũi bổ sung thứ 3 chưa được làm rõ và liệu có cần thiết hay không cần được xem xét kỹ lưỡng. Bởi, nếu nó không có lợi ích (hoặc lợi ích quá thấp), không đáng để đánh đổi với những nguy cơ phản ứng phụ nguy hiểm dù là nhỏ”, TS Nguyễn Hồng Vũ nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, việc tiêm mũi bổ sung sẽ có ý nghĩa, hiệu quả hơn khi sử dụng các “vắc-xin cải tiến” với những đặc điểm phù hợp với chủng hiện hành. Bởi, chủng hiện nay đã có các đặc điểm thay đổi so với chủng cũ.

TS Vũ dẫn chứng, những bằng chứng hiện tại cho thấy, việc tiêm mũi thứ 3 bổ sung trên toàn cộng đồng là chưa cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng vắc-xin cho những nơi còn đang thiếu là cần thiết hơn để ngăn virus tạo ra những biến chủng nguy hiểm.

Nguồn Vân Huyền/ Giáo dục & Thời đại
Bài cùng chuyên mục