Khởi tố “thiếu gia điện gió” Bạc Liêu
Sáng 18/8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tô Công Lý (35 tuổi) - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý; đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) - để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, tối 17/8, lực lượng công an khám xét nhà của ông Lý và văn phòng làm việc của Công ty Công Lý. Quá trình khám xét đến 3 giờ ngày 18/8 mới kết thúc.
Công ty Công Lý do ông Tô Hoài Dân (cha ruột ông Tô Công Lý) làm tổng giám đốc, là chủ đầu tư nhiều dự án, trong đó có dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, Nhà máy Điện gió Khai Long (Cà Mau), Nhà máy Xử lý rác thải Cà Mau…
Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tô Công Lý liên quan đến nhiều hạng mục của dự án xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau. Theo TTXVN, nhà máy này được xây dựng theo chính sách ưu đãi: Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư. Trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 40% (khoảng 120 tỉ đồng), ngân sách tỉnh hỗ trợ 10%, 50% vốn còn lại là của nhà đầu tư.
Thông tin ban đầu cho biết ông Lý lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư nhà máy của nhà nước để chiếm đoạt tiền đối với một số hạng mục xây dựng của nhà máy dù không thực hiện đúng.
Với việc triển khai nhiều dự án lớn, Công ty Công Lý là một doanh nghiệp có tiếng ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Ông Lý cũng được nhiều người biết đến như một “thiếu gia điện gió”, thường đi xe Lexus và siêu xe Bentley. Nhưng doanh nghiệp này cũng như bản thân ông Lý từng để xảy ra nhiều tai tiếng.
Trước khi bị khởi tố, Công ty Công Lý từng đề xuất UBND tỉnh Cà Mau cấp kinh phí và đất để chôn thi thể thai nhi do nhà máy rác của công ty phát hiện. Cụ thể trong 7 năm, Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau đã phát hiện và tự chôn cất hơn 300 thi thể thai nhi. Trước thông tin gây xôn xao dư luận này, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan điều tra, xác minh. Văn bản cũng nêu rõ việc Công ty Công Lý khai báo từ khi hoạt động đến nay đã phát hiện hơn 300 thi thể thai nhi bị bỏ rơi nằm lẫn trong rác, sau đó chôn cất trong khuôn viên của nhà máy là chưa có cơ sở. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Công ty Công Lý nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc cung cấp thông tin không chính xác.
Trước đó, tháng 8/2014, cũng tại Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau xảy ra vụ việc sa thải trái pháp luật nữ công nhân Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, quê xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) vì chị này nhặt được gần 5 lượng vàng (24k và 18k) trong quá trình phân loại rác.
Theo nội dung quyết định do ông Tô Công Lý ký, chị Mai bị sa thải do vi phạm nội quy của đơn vị vào ngày 4/8/2014. Thật ra, ngày 4/8/2014, chị Mai không vi phạm gì ngoài “lỗi” không chịu giao cho nhà máy nơi chị làm việc số vàng do chị phát hiện được. Giám đốc điều hành nhà máy lúc đó cho rằng số vàng chị Mai nhặt được nằm trong khuôn viên nhà máy nên phải thuộc sở hữu của nhà máy.
Trong quá trình TAND TP Cà Mau xem xét giải quyết lại vụ tranh chấp hợp đồng lao động này thì chị Mai bất ngờ rút đơn khởi kiện do phía Công ty Công Lý và chị Mai đã đạt được thỏa thuận với nhau.
Theo Duy Nhân – Vân Du/ NLĐO