Nữ nhân viên ở Tân Sơn Nhất nhặt được 1 tỉ đồng: Tiền đó có phải của mình đâu

Sự việc chị Phùng Thị Ngọc, nhân viên dọn vệ sinh máy bay nhặt được tài sản trị giá 1 tỉ đồng, được báo về tổng công ty, đội của chị Ngọc được tuyên dương, ai cũng vui mừng nhưng trông chị Ngọc vẫn "tỉnh bơ".

Ngày 24/8 vừa qua, chị Phùng Thị Ngọc, nhân viên dọn vệ sinh máy bay của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS, công ty thành viên của Vietnam Airlines), chi nhánh Tân Sơn Nhất, đã phát hiện và kịp thời trả lại tài sản gần 1 tỉ đồng cho hành khách bỏ quên trên máy bay của Singapore Airlines.

Chị Phùng Thị Ngọc hiện là nhân viên thuộc Đội dịch vụ trên tàu, VIAGS chi nhánh Tân Sơn Nhất. Công việc của chị là dọn vệ sinh máy bay

Tối 24/8, khi dọn dẹp máy bay của Singapore Airlines vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chị Ngọc nhìn thấy trên ghế ngồi số 31K và 31H hai chiếc túi đeo nhỏ của hành khách. Như một thói quen, chị lập tức kêu to, gọi tổ trưởng của mình: “Tùng ơi! Khách để quên hành lý”.

Anh Trần Thanh Tùng liền có mặt, gọi báo cáo cấp trên, lập biên bản, trả lại hai chiếc túi cho hành khách. Còn chị Ngọc tiếp tục lau dọn. Hóa ra, bên trong túi có hơn 50.000 đôla Singapore cùng gần 2 triệu đồng, 2 điện thoại di động đắt tiền và một số giấy tờ tùy thân. Tổng giá trị tài sản để quên tương đương gần 1 tỉ đồng.

Sự việc được báo về tổng công ty. Đội của chị Ngọc được tuyên dương, ai cũng vui mừng nhưng trông chị Ngọc vẫn tỉnh bơ. Ông Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Dịch vụ trên tàu của VIAGS, kể: Khi tổ trưởng báo tin về số tiền mà khách để quên, chị Ngọc chỉ cười hỏi: “Thế à, sao họ lại mang nhiều tiền thế?”. Chị nói: “Một tỉ đó có phải của mình đâu”, rồi cười xòa: “Cứ đặt mình vô hoàn cảnh của người mất tiền sẽ hiểu. Mình mất cái gì nho nhỏ cũng sẽ rất buồn, huống chi người ta mất số tiền lớn vậy”.

Ông Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Dịch vụ trên tàu của VIAGS, thay mặt lãnh đạo tuyên dương chị Phùng Thị Ngọc

Anh Bùi Hữu Chuyển, chồng chị Phùng Thị Ngọc, bật cười: “Ngọc ấy à? Không chỉ là 1 tỉ đâu, nhặt được bất cứ thứ gì cổ cũng trả lại người ta cái ấy thôi”. Anh chia sẻ thêm: “Tôi thương, đi đến hôn nhân cùng Ngọc cũng vì bản tính thật thà của cổ. Cái gì của mình, do mình làm ra, cổ mới nhận. Hơn 10 năm chung sống, tôi chưa thấy Ngọc so bì với bất kỳ ai về công việc hay quyền lợi của mình. Choàng gánh được cho ai, cô ấy luôn sẵn sàng. Bởi vậy, đi làm ở đâu, Ngọc cũng được mọi người quý mến”.

Từ đầu năm đến nay, chị Phùng Thị Ngọc đã có tới 12 lần phát hiện và trả lại tài sản để quên trên máy bay cho hành khách gồm tiền, giấy tờ tùy thân, nhiều đồ đạc có giá trị cao như CMND, hộ chiếu, mỹ phẩm, đồ trang sức, điện thoại…

Được biết, chị Phùng Thị Ngọc sinh năm 1984 trong gia đình có 7 anh chị em ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, chị ước mơ làm cô giáo. Thế nhưng, năm 2002, khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học đến, chị phải đối diện với nhiều khó khăn của gia đình nên theo anh trai vào TP.HCM làm công nhân kiếm sống.

Từ một công nhân bình thường ở đội kỹ thuật Công ty Biti’s, chỉ trong vòng 5 năm vừa làm, vừa học thêm, đến năm 2006 chị được đề bạt phụ trách quản trị nhân viên và hành chính văn thư của công ty. Tuy nhiên, nhà ở quận Gò Vấp, còn công ty ở quận 6 nên vì chồng con, chị nghỉ việc và xin về làm công nhân vệ sinh ở Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS, công ty thành viên của Vietnam Airlines). Với chị, mọi việc rất đơn giản: “Công việc gì có duyên với mình thì mình mới theo được nó. Lao động chân tay cũng quý như làm văn thư hành chính nếu mình cảm thấy vui. Chỉ mong cả nhà khỏe mạnh, vui vầy bên nhau là đủ.”

Làm việc tại VIAGS, công việc của chị Ngọc là cùng đồng nghiệp dọn vệ sinh máy bay. Hễ máy bay đáp xuống, 8 người trong đội của chị ùa lên, mỗi người một việc, thuần thục, chuyên nghiệp. Để không làm ảnh hưởng chuyến bay kế tiếp, công việc của mỗi người trong tổ của chị Ngọc được tính theo từng phút.

Gia đình nhỏ của chị Ngọc

Chị tận tâm với công việc và gia đình đến mức, gần 5 năm trước, khi chồng chị – anh Bùi Hữu Chuyển – đột ngột bệnh nặng, phải nghỉ việc dài ngày để điều trị, mọi gánh nặng kinh tế đều dồn lên vai chị Ngọc. Mỗi ngày, chị đều phải đi làm theo ca. Ca sáng chị phải có mặt tại sân bay lúc 4 giờ 30, ca chiều có mặt lúc 17 giờ, có hôm đến 2 giờ sáng hôm sau mới được rời vị trí. Khi về tới nhà, chị vẫn vui vẻ lo bếp núc, chăm sóc chồng con. Vậy mà cả đội vệ sinh của chị không ai biết về bệnh tình của anh Chuyển, chỉ đến khi anh khỏe lại, chị Ngọc mới báo tin: “Nay anh Chuyển mạnh rồi, đang làm shipper cho Emart Gò Vấp đấy nhé!”.

Hiện nay, vợ chồng anh Chuyển – chị Ngọc đã có một người con 13 tuổi. Anh Chuyển quê ở tỉnh Hải Dương, cũng là công nhân một công ty vận chuyển hàng của sân bay. Vợ chồng cùng làm theo ca kíp. Nhờ gia đình hỗ trợ, anh chị mua lại được căn nhà nhỏ của gia tộc, có nơi trú ngụ tại quận 6, TP.HCM.

Theo D.Ngọc – T.Trang/ NLĐO

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục