Những mối tình vượt qua sóng gió của lính nhà giàn DK1
Tháng 10/2011, Thanh Hóa vừa se lạnh vừa có nắng, Quế sang nhà chồng mà không có chú rể, Tùng không về kịp đám cưới khi bão vào nhà giàn.
Ngồi lục lại hàng trăm lá thư gửi cho nhau thời anh Vũ Hữu Tùng (36 tuổi, quê Thanh Hóa) còn đi lính nhà giàn, chị Nguyễn Thị Hương Quế (35 tuổi, vợ anh Tùng) cười thẹn thùng: “Giờ đọc lại chỉ thấy buồn cười, không hiểu hồi đó sao mình sến thế”.
Nhiều năm nay vợ chồng chỉ gọi điện hoặc nhắn tin, những bức thư như cỗ máy thời gian đưa họ về lúc mới yêu. Giữa những trang giấy với nét chữ chăm chút, ngay ngắn bằng bút mực là những bông cỏ may khô thanh mảnh.
Thời ấy, cánh đồng xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia bạt ngàn cỏ may. “Em yêu cỏ may vì thoạt nhìn mỏng manh nhưng vô cùng mạnh mẽ trước nghịch cảnh, có giẫm nát cả chân đê cũng không thể nào làm hoa tàn lụi”, chị Quế viết trong thư, kẹp bông cỏ may để nói hộ lòng mình.
Nhà Tùng cách nhà Quế ba km, ở xã kế bên. Hai người học chung trường cấp ba, cách nhau một khóa nhưng cùng một hội bạn có tên là “Những ngôi sao băng”, ký hiệu là chữ S (Star). Khi đó, trong mắt Quế, S8 (biệt danh của Tùng) chỉ như một người bạn.
20 năm trước, Tùng tốt nghiệp phổ thông rồi học trung cấp chuyên nghiệp Quân sự. Quế tốt nghiệp sau rồi cũng học ngành Kế toán. Mối liên hệ chung của hai người vẫn là nhóm S. Những dịp về quê, Tùng lại cùng những người bạn trong nhóm đến nhà Quế. Trong đám trai ấy, nhiều anh cũng ngấp nghé cưa cô. Nhưng bằng trực giác, cha Quế đã chấm và “chỉ định” sẵn: “Sau này con lấy chồng thì hãy lấy thằng Tùng”.
Quế lúc ấy chỉ mới đôi mươi, lời cha nói cũng chỉ để tham khảo khi xung quanh cô còn nhiều “vệ tinh”. Cuộc sống tưởng chừng đưa họ về hai ngả khi Tùng rời quê nhà vào Lữ đoàn 171 ở Vũng Tàu năm 2007.
Khoảng thời gian ấy, Tùng thường viết thư về cho gia đình và cho cả Quế. Qua những dòng thư, anh ý tứ thổ lộ dần tình cảm với cô. Khi Quế nhận lời yêu cũng là lúc anh đã nhận quân lệnh ra canh giữ nhà giàn, hai năm sau đó.
Tùng nhớ lại, khi ấy, thông tin liên lạc ở nhà giàn còn hạn chế, bộ đội liên lạc với chỉ huy ở đất liền bằng sóng radio. Chưa có điện mặt trời, các chiến sĩ dùng máy nổ để phát điện sử dụng khi cần thiết vào ban đêm. Nhưng anh bảo thiếu nhất vẫn là “hơi người”.
Cứ hai đến bốn tháng một lần, tiểu đoàn DK1 lại cho tàu ra tiếp tế lương thực và thay trực. Mỗi khi tàu tiếp cận, các chiến sĩ nhà giàn không chỉ tiếp nhận hàng hóa, lương thực mà còn háo hức chờ thư từ đất liền.
Ở quê nhà, mỗi khi nhớ Tùng, Quế lại viết thư rồi gom lại gửi về Vùng 2 Hải quân ở Vũng Tàu. Hai người còn giao ước viết nhật ký “đối ẩm”, người này viết rồi chừa một trang trống để gửi lại cho người kia viết tiếp. Cứ thế, mỗi lần tàu ra hay tàu về, họ lại đọc được tâm tư của nhau trong thời gian xa cách.
Những lá thư được Tùng nâng niu, gom ở đầu giường và đọc trong những lúc rảnh rỗi. Có những lúc thư bị ướt trong lúc vận chuyển từ tàu lên nhà giàn, anh phơi khô để thư không bị hỏng. Ban đêm, khi anh em cùng nhà đi ngủ, Tùng lại lọ mọ bật đèn pin để viết thư gửi người yêu.
Có những lúc lo lắng về khoảng cách xa, anh chân thành bộc bạch câu muôn thuở, rằng “yêu anh em sẽ khổ”. Nhưng rồi Quế đáp lại: “Anh ở nơi xa cứ yên tâm vững chắc tay súng, em ở nhà nơi hậu phương, em sẽ luôn cố gắng và gìn giữ tình yêu trọn vẹn để đợi anh về”.
Nhận được những bông cỏ may ép vào trang thư, Tùng nhắn nhủ Quế rằng anh cũng yêu loài hoa ấy, bởi nó ẩn chứa vẻ đẹp của cô, không hương sắc cầu kỳ nhưng có tâm hồn đẹp đẽ.
Hai năm sau, họ cưới. Ngày thành hôn đã định sẵn, 23/10/2011. Thiệp mời đã được phát sớm cho họ hàng và chòm xóm. Trước ngày Tùng “thoát kiếp độc thân”, chuyến tàu tiếp tế lương thực của đơn vị đã ra, anh háo hức đợi chuyển hàng hóa xong để về đất liền. Nhưng rồi sóng gió ập đến, vận chuyển hàng chưa xong thì tàu buộc phải neo lại gần nhà giàn, không thể về đất liền. Hụt hẫng, Tùng gọi qua sóng radio để báo tin về quê. Nhưng ở đầu bên kia, Quế không nghe được gì vì sóng nhiễu.
Đã quen với những đợt lỡ tàu về từ trước đó, xem dự báo thời tiết, Quế biết rằng chàng không thể về kịp hôn lễ. Cô đinh ninh hoãn đám cưới lại để đợi anh. Nhưng theo tập tục ở quê, khi hai nhà đã đi coi ngày thì không thể hoãn, vì thế hôn lễ vẫn được cử hành dù chỉ có mỗi cô dâu.
Hôm đó, trời xứ Thanh vừa se lạnh vừa nắng, rời nhà cha mẹ đẻ, cô dâu mặc áo dài trắng, đầu đội khăn che mặt, được mẹ chồng giục giã dắt đi trong tâm trạng bối rối. Quế thổ lộ: “Cưới chồng mà không có chồng ở nhà, phía chồng lại rất đông anh em họ hàng nên trong lòng lo sợ đủ điều”.
Tùng ở nhà giàn chờ bão biển tan rồi về lại đơn vị. Lúc này là tháng 11, miền Nam có mưa phùn, nhưng anh biết ở quê mùa lạnh đã vào cao điểm. Anh vội vàng mua một bộ quần áo ấm cho vợ rồi bắt xe khách về. Khi Tùng ở trước ngõ, người mẹ đã chuẩn bị sẵn áo ấm khoác cho con bà trước khi về nhà.
Một tháng sau ngày đám cưới đầu chỉ có cô dâu, họ làm lại lễ cưới mới có cả đôi. Tùng thổ lộ, ở quê gọi đám cưới như vậy là “hai lần đò”. Nếu lần đầu chỉ làm lễ nhẹ, để cô dâu về nhà cha mẹ, lần sau cưới lại to hơn thì xem như họ đã xa nhau một lần, sau này sẽ không xa nhau nữa. Trong mắt Quế, S8 giờ đây đã là Tùng – chồng cô.
Một tháng sau, Tùng đưa vợ vào Vũng Tàu, vì không muốn vợ chồng quá xa nhau. “Lúc đó trong túi tôi chỉ còn hai chỉ vàng, vô thuê phòng trọ và mua thêm đồ dùng sinh hoạt là hết”, anh nói. Không lâu sau, anh lại tiếp tục ra nhà giàn, để vợ một mình nơi đất liền.
“Từ ngoài đó vô đây một mình, có những lúc tôi muốn bỏ về quê lại”, chị Quế kể. Nhưng rồi Quế dần thích nghi với cuộc sống mới, tự mình bôn ba với nhiều công việc khi chồng đi xa.
Ba năm sau khi cưới vợ, Tùng được chuyển công tác vào đất liền, còn Quế công tác ở hội phụ nữ phường. Vợ chồng có một con trai, một con gái, xây được một căn nhà nhỏ ở gần Khu công nghiệp Đông Xuyên, Vũng Tàu.
Kỷ niệm thời yêu nhau là chất keo gắn kết tình cảm vợ chồng. Quế nói rằng điều cô cảm động nhất về Tùng là thói quen mỗi năm tặng hoa một lần, thời còn đi nhà giàn.
Bó hoa ấy luôn có bốn màu tượng trưng cho bốn ngày: ngày sinh nhật, ngày lễ tình yêu, ngày 8/3 và ngày 20/10. “Anh không thể bên em cả bốn ngày để tặng hoa nên anh tặng gộp một lần”, nghe lời Tùng nói, Quế thấy buồn cười rồi ngẫm một lúc lại vừa cười vừa khóc.
Không riêng anh Tùng và chị Quế, những lá thư là sứ giả tình yêu cho rất nhiều chiến sĩ nhà giàn. Công tác ở DK1 gần 30 năm, trung tá Nguyễn Văn Hiền (50 tuổi) là một trong những người có kho tàng thư nhiều nhất.
Mang thùng thư đã đóng bụi trên gác xuống, bà Thu Hiền (vợ ông Hiền) giở ra những chồng thư được phân loại theo ngày tháng năm. Những bức thư đầu tiên được gửi từ năm 1993, khi ông Hiền còn là chàng trai trẻ, mới ra nhà giàn công tác.
Trước đó, ông Hiền công tác ở tỉnh đội Thanh Hóa rồi được cử đi học ba năm rưỡi trước khi chuyển vào miền Nam, còn bà Hiền ở quê làm thợ may. Bà nói rằng yêu ông vì “chẳng hiểu sao luôn thích những mối tình của người lính”.
Nhưng yêu lính đồng nghĩa với việc chấp nhận xa nhau bất cứ lúc nào vì “quân lệnh như sơn”. Ngày còn yêu, khi nghe ông đi công tác ở Vũng Tàu bà chỉ hình dung là đi biển đơn thuần, không hề có khái niệm về nhà giàn DK1, vì người yêu vốn kiệm lời, ít nói về khó khăn.
Năm 1994, họ cưới nhau ở quê nhà Thanh Hóa. Sau thời gian bên vợ mới cưới, ông Hiền lại vào đơn vị trước rồi hứa chờ bà vào để cùng làm thủ tục nhập học Cao đẳng Sư phạm Vũng Tàu. Nhưng khi vợ vào đến nơi thì chồng đã đi, không để lại tin tức gì.
“Biết vào mà chồng đi rồi thì ai mà vào, tôi vô ở nhà người quen, bao nhiêu lần muốn về rồi”, bà Hiền tự đấu tranh với bản thân. Mãi đến mấy tháng sau khi có chuyến tàu từ nhà giàn vào, bà mới nhận được thư chồng.
Bà Hiền nhớ lại, sau khi nhập học Sư phạm, bà ở ký túc xá của trường như bao nữ sinh khác. Nhưng mỗi lần ông về thì phải đi thuê một phòng trọ mới để vợ chồng chung sống. “Từ hồi lấy chồng tôi chuyển trọ cũng chục lần rồi”, bà nhẩm tính.
Thời gian về nhà của người chồng hải quân thường không cố định, có khi hai tháng, ba tháng, hoặc nửa năm tùy theo phân công của đơn vị. Nếu anh em vì lý do cá nhân, đau ốm, hoặc chuyển đơn vị thì ông Hiền đợi chuyến tàu sau.
Những năm sống trong nhà mái tôn, khi mùa bão đến, bà Hiền vừa lo cho chồng, vừa sống trong cảnh nhà dột, mưa ướt không có người sửa chữa. Ngồi trong căn nhà khang trang ở TP Vũng Tàu, bà Hiền hồi tưởng thuở cơ hàn, bão lớn cuốn phăng mái tôn. Không có mặt chồng, bà phải nhờ các đồng đội của ông ở DK1 giúp lợp lại.
Để chồng yên tâm công tác, khi viết thư bà chỉ kể những chuyện vui vẻ đời thường, còn khó khăn trở ngại thì đợi đến khi êm xuôi mới cho ông biết. Sau này, khi các con biết chữ, ông Hiền ở nhà giàn không chỉ nhận được thư của vợ mà còn có thư của hai con nhỏ.
Bây giờ, nhà giàn đã có sóng điện thoại, có thể liên lạc với đất liền qua mạng xã hội, mẹ con bà Hiền không phải viết thư cho ông Hiền nữa. Những đợt chồng hoãn về vì làm nhiệm vụ, người vợ lính cũng yên tâm hơn khi có thể gọi ra khơi. “Con gái học lớp bốn vẫn trách mỗi khi ba thất hứa, nhưng khi ba về lại quấn quýt”, bà Hiền nói.
Theo Đăng Khoa – Phạm Linh – Phước Tuấn/ VnExpress