Thương nội
Ngày còn thơ bé, nội thường kể cho tôi nghe câu chuyện của cuộc đời tôi từ lúc mới sinh ra cho đến khi nên vóc nên hình, mặn mòi khỏe khoắn...
Sống giữa đô thành lâu rồi không về thăm quê
Thăm nội thân yêu tuổi thơ lo lắng cho mình
Thành phố hoa đèn món gì cũng có nội ơi
Mà sao con vẫn nhớ tô canh bầu, nồi cá dứa nội kho”…
Tôi nhớ mình đã từng xúc động đến bật khóc trên giảng đường khi nghe bài hát đó. Nội tôi, người một đời gồng gánh gian lao chắt chiu yêu thương, một đời cưu mang con cháu.
Tôi lớn lên trong vòng tay ấm nồng của nội. Ngày còn thơ bé, nội thường kể cho tôi nghe câu chuyện của cuộc đời tôi từ lúc mới sinh ra cho đến khi nên vóc nên hình, mặn mòi khỏe khoắn. Những đêm nằm bên nội, vách lá lưa thưa gió thổi xạc xào, ánh trăng ghé vào cửa sổ rọi sáng đầu giường chỗ nội nằm, tóc nội ánh lên màu sương gió.
Nhà tôi nằm trong con rạch nhỏ – nhánh lẻ của dòng sông Cái Tàu chảy ngang qua đất rừng U Minh muỗi mòng đỉa vắt. Thuở ấy xóm còn nghèo, nhà này cách nhà kia một con mương nhỏ làm ranh giới. Điện chưa về nên xóm đành thắp đèn dầu, xài nước hong tênh, muốn xem “vô tuyến” phải thức dậy thiệt sớm đón đò gửi bình ắc quy đi sạc tận trên thị trấn. Và dĩ nhiên hồi ấy chúng tôi không có smartphone, không sử dụng Internet như trẻ con bây giờ. Buồn thì chúng tôi kéo nhau ra bờ sông ngồi chơi, hoặc ra vườn hái trái cây mọc dại “sống nhăn sống nhít” chấm muối ớt ăn ngon lành. Và đêm đêm, những câu chuyện cổ tích nội kể trở thành thú vui bất tận đối với tôi.
Tôi thường đem những câu chuyện của nội kể cho đám bạn tôi nghe mỗi lúc ngồi ngoài vườn, bên bờ sông hay chòng chành trên chiếc xuồng trong mỗi buổi chiều nắng vàng giăng mấy sợi. Năm tháng tuổi thơ, chúng tôi cứ mãi mơ về một trái thị thơm có cô Tấm thảo hiền dẫu tôi đâu biết trái thị có hình thù ra sao, mùi vị thế nào, miền Tây quê tôi làm gì có thị? Về bụi tre gai đầu bờ mà chúng tôi cứ đinh ninh tin lời người lớn rằng chỗ đó ngày xưa Thánh Gióng đi ngang qua nhổ tre đánh giặc Ân, bởi vậy cạnh bên bụi tre gai mới có cái ao nhỏ xíu, mùa nắng cạn nước mùa mưa dềnh dàng. Mãi sau này tôi mới biết đó là cái hố bom thời chiến tranh để lại.
Cả cây khế ngọt mọc sau vườn nữa, tôi tiếc rẻ để dành mấy trái khế vàng rực rỡ trên cây, nội nói khế chín thì hái ăn đi, để đó làm gì chim chóc ăn hết uổng lắm. Nhưng tôi không muốn ăn, tôi chờ con quạ trong câu chuyện nội kể đêm hôm trước bay đến ăn khế rồi trả cho tôi túi vàng để nội đỡ cơ cực hơn. Nội xoa đầu tôi bảo “ngốc”, truyện cổ tích thì chỉ có trong “cổ tích”, trong mơ, làm sao có thật ngoài đời. Vậy mà tôi vẫn cứ chờ một ngày nào được những nhân vật hiền từ, bà Tiên, ông Bụt trong truyện. Trẻ con mà! Nội đã ươm cái mầm xanh non mơn mởn của tuổi ấu thơ vào lòng tôi, khiến tôi thêm yêu mảnh đất quê mình, yêu làng xóm, yêu mái nhà, cánh đồng và dòng sông mênh mông nước…
Tôi cứ nhớ hoài cái bận má đi xa, ở nhà chỉ còn tôi với nội. Sáng tôi đi học, nội đi làm vườn. Chiều tôi ở nhà với nội, rồi đi nhổ cỏ ngoài bờ ruộng nắng chang chang. Xế xế, nội nhóm lửa, nấu cơm, kho cá, tôi hái rau… mấy món nội nấu bình dị vô cùng. Đĩa rau muống luộc chấm tương, cá kho cà, cơm trắng nóng hôi hổi. Tôi gọi nội vào ăn cơm. Ngồi trên bộ vạc vừa ăn vừa ngó ra cánh đồng, gió phần phật mát lành tâm can.
Lại nhớ những kỳ mưa dầm thấm đất, nội tất tả ôm mớ củi khô vào chất trong cái “cựa” cạnh bếp kẻo nước làm ướt củi. Nhìn mà thương! Tôi lom khom chất đống khoai dưới gầm bếp lên trên cao kẻo ướt mưa nảy mầm sớm, đến mùa không có khoai mà gieo. Khi tôi với nội làm xong cũng là lúc nội tôi vác cuốc về nhà, đội sấm đội chớp, mưa giăng ngập lối nội về…
Ký ức về những ngày tháng sống êm đềm bên nội cứ như thế mà an nhiên trôi đi. Tôi lớn khôn, xa nhà đi học, nhưng tôi vẫn luôn là “thằng Lúa” năm nào của nội, được nội vỗ về, cưng chiều.
Nội ơi!
(Tản văn có sử dụng ca từ bài hát: “Ngoại tôi” của nhạc sĩ Đình Văn. Xin mạn phép sửa “ngoại” thành “nội” cho phù hợp với ngữ cảnh. Trân trọng!)