Nơi chuyên chở những câu chuyện đời

“Cái thằng dân miền Tây, nó hông khoái cà pháo mắm tôm đâu”. “Vậy thôi, còn tộ canh chua để dành cho nó”.

1. “Cái thằng dân miền Tây, nó hông khoái cà pháo mắm tôm đâu”. “Vậy thôi, còn tộ canh chua để dành cho nó”. Xe chở hàng tới không báo trước, anh Trần Thành Hải, 29 tuổi (công nhân xưởng đàn organ, ngụ phường 4, quận Tân Bình), lật đật chạy về xưởng chất hàng. Quán cơm đầu hẻm rộn ràng khách, nhưng cô Phượng vẫn dành phần anh công nhân quê miệt vườn. Con hẻm nhỏ 108 đường Cộng Hòa (phường 4, quận Tân Bình) “nhỏ mà có võ”, bởi nó thông ra đường lớn, hẻm này nối qua hẻm kia, chứ không phải kiểu hẻm cụt. Giờ cao điểm kẹt xe, chịu khó luồn lách trong hẻm thì cũng về nhà sớm được chút. Chỗ đi lại thuận tiện vậy, nên mấy dãy nhà trọ trong hẻm lúc nào cũng đắt khách dù giá có cao hơn.

Phía đường Cộng Hòa xe cộ ồn ào, nhưng hẻm lại có chút yên tĩnh riêng của nó, thi thoảng vài tiếng rao hàng. Chộn rộn nhất là giờ cơm trưa, công nhân, nhân viên văn phòng, sinh viên đông kín cả quán cơm cô Phượng ở đầu hẻm. “Nay ra trễ bây, hết trơn đồ ăn rồi, còn ba rọi chiên thôi, ăn đỡ nghen con”, dứt lời, cô Lê Hoài Phượng, ngụ phường 4, quận Tân Bình lật đật làm dĩa cơm bưng ra, sợ thằng nhỏ đói bụng, cữ chiều học hông nổi.

Hẻm nhỏ trong lòng thành phố

Có bữa vừa tới quán, chưa kịp lựa đồ ăn thì xe chở hàng tới, anh Hải phải lật đật chạy về chất hàng, cả tiếng đồng hồ sau quay lại, phần cơm, canh chua cô Phượng để dành sẵn cho anh còn nóng, nằm trên bàn. “Thấy thương thằng nhỏ, tới giờ cơm cũng phải chạy về làm sợ sếp la. Nó ăn mối quen, 3 năm rồi, hồi mới lên làm ở đây, nó còn ăn chịu, ghi sổ tới cuối tháng mới tính”, cô Phượng kể. “Bán chịu có khi nào sợ bị giật luôn không cô?”. Cô Phượng cười ngất, đáp: “Cái hẻm nhỏ này tao quen mặt hết trơn bây ơi, chạy đi đâu được mà giật. Nói chớ cũng dân lao động với nhau không hà, giúp qua giúp lại vậy mà”.

Có bữa vừa ăn cơm xong, trời mưa tầm tã, khách ngồi lại tán dóc với cô Phượng, chờ mưa tạnh. Nghe anh Hải than thêm rầu: “Mưa vầy buồn đứt ruột, nhớ quê quá chừng cô ơi”. Bác Nguyễn Văn Tài, 53 tuổi, bán chuối chiên cuối hẻm, vỗ vai anh Hải: “Thôi, ráng mày ơi. Tao cũng cả tháng nay chưa có về dưới thăm tụi nhỏ nữa”. Tạnh mưa, ai nấy tất bật với công việc, anh Hải về xưởng đàn, bác Tài đẩy xe chuối, khoai lang chiên ra bán cữ chiều, miếng nào cũng vàng ươm, giòn rụm. Mấy chị làm văn phòng gần đó cầm lòng không đặng, vậy là xong cơm trưa, ai nấy xách về công ty mớ chuối, khoai lang chiên để dành lót dạ cữ xế. Cô Phượng cũng lui cui dọn dẹp quán, con hẻm nhỏ tiếp tục với guồng quay của cuộc sống thường ngày.

2. Không riêng gì con hẻm nhỏ 108 đường Cộng Hòa, đó cũng là câu chuyện cuộc sống thường nhật ở hàng trăm, hàng ngàn con hẻm lớn nhỏ khác trong thành phố.

Dân văn phòng thường rỉ tai nhau những con “hẻm lười”, tức là trong hẻm có đủ các dịch vụ từ ăn uống, mua sắm quần áo, mỹ phẩm, giày dép và quán cà phê vừa đẹp, vừa yên tĩnh để thỏa sức “check-in”, mà không cần phải đi xa. Giới trẻ tuổi teen thì thích những con hẻm graffiti, như hẻm 15B đường Lê Thánh Tôn (quận 1), hẻm 144 Pasteur (quận 1), hay hẻm 41 Phạm Ngọc Thạch (quận 3)… để chụp những tấm hình thật chất, thật ngầu.

Tên hẻm đôi khi được nhiều người gọi theo đặc trưng của nó, chợ nằm trong hẻm thì gọi là hẻm chợ. Hẻm 498 đường Lê Quang Định thường được gọi là “hẻm chùa” hay “hẻm thiền” bởi trong hẻm có đến 4 ngôi chùa. Còn “hẻm ông tiên” hay “hẻm từ thiện” là tên gọi trìu mến mà nhiều người dành cho con hẻm 96 (đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận). Từ ly trà đá, viên thuốc cảm khi trái gió trở trời, bơm vá xe và cả chuyện mai táng ở con hẻm này đều miễn phí, mỗi phần việc do một người đàn ông đảm nhận, nên có tên “hẻm ông Tiên”. Chú Đỗ Văn Út (59 tuổi, ngụ phường 2, quận Phú Nhuận) đảm nhận phần trà đá, bơm vá xe miễn phí cho sinh viên, người khuyết tật và lao động nghèo trong hẻm, chia sẻ: “Tui hông giàu có gì, nên giúp bà con ly trà đá cho đỡ khát, vá cái bánh xe để đi làm. Vậy là đủ vui mỗi ngày rồi. Cũng dân tứ xứ tựu về đây làm ăn, lao động nghèo với nhau không hà, giúp qua giúp lại, vậy mà”.

Và cũng từ những con hẻm, mà cái tình láng giềng nơi phố thị cũng không kém gì thôn quê. Người ta ít khi hỏi chuyện nhau ngoài đường, ngoài xá nhưng trong hẻm, các bà nội trợ thường dừng lại hỏi thăm vài câu, chuyện nhà cửa, con cái, học hành… Rồi những người xa lạ sống trong một hẻm, cũng từ đó mà thành tình láng giềng thân thiết.

Dù là hẻm nhỏ, hẻm cụt, hay hẻm dài, hẻm liên thông… thì lối đi nhỏ nhất trong hệ thống đường sá ở thành phố vẫn đêm ngày khắc họa và phản chiếu đậm nét cuộc sống của người dân nơi thị thành. Và hẻm, từ lâu đã trở thành một phần đặc trưng, hồn cốt của đô thị nơi đây. Hẻm chuyên chở những câu chuyện đời, chuyện người và cả ước mơ của người thành phố, dân tứ xứ tìm đến lập nghiệp, học hành…

Theo Kim Loan/ SGGPO

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục