Chuyển nợ thành vốn góp có cơ hội mới
Kỳ vọng hoạt động chuyển đổi nợ thành vốn góp trong doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới khi mà Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) có quy chế tài chính mới.
Kế thừa những tích cực trong xử lý nợ
Thông tư 62/2021 vừa được Bộ Tài chính ban hành về quy chế tài chính của DATC được đánh giá đã kế thừa và cụ thể những quy định liên quan đến hoạt động chuyển đổi nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các doanh nghiệp khác.
Theo các nhà chuyên môn, so với quy định cũ các nội dung mới liên quan đến hồ sơ thủ tục pháp lý, cách thức chuyển đổi, quy trình giám sát, báo cáo về khoản nợ được chuyển đổi thành vốn góp đều được cụ thể hóa. Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ 100% vốn, DATC được phép thỏa thuận với các chủ doanh nghiệp về phương án chuyển đổi nợ thành vốn góp song phải gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp được thực hiện theo phương án đã thỏa thuận (bằng văn bản) với cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, phù hợp quy định của pháp luật về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.
Tuy nhiên DATC phải thực hiện thoái vốn trong thời hạn 5 năm kể từ ngày DATC chính thức trở thành cổ đông tại các doanh nghiệp có vốn góp chi phối thông qua tái cơ cấu. Trường hợp quá thời hạn 5 năm mà DATC chưa thực hiện thoái vốn, DATC báo cáo nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý để Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến bằng văn bản.
Thực tế, những năm qua với việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu, DATC đã tái cấu trúc thành công khá nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và gặp khó khăn lớn về tài chính. Chẳng hạn, công ty mua bán nợ này đã từng chuyển nợ thành 50% vốn góp tại Sadico Cần Thơ và hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc thành công sau 4 năm. Tiếp đó, công ty này cũng đã tham gia tái cấu trúc công ty Mía đường Kon Tum, giúp doanh nghiệp hoạt động có lãi trở lại chỉ sau 6 tháng các khoản nợ được hoán đổi thành vốn cổ phần.
Phương án chuyển đổi nợ thành vốn góp được DATC tích cực thực hiện thông qua việc mua bán các khoản nợ xấu ngân hàng và thỏa thuận với các nhà băng để tham gia tái cấu trúc những doanh nghiệp thua lỗ. Điển hình, Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) và Thủy sản Phương Nam đã được DATC và các NHTM phối hợp tái cấu trúc thành công.
Theo đó, tại Bianfishco, DATC đã phối hợp với SHB chuyển khoản nợ của doanh nghiệp này thành 50% vốn góp, từ đó phục hồi thành công và có lãi sau gần một năm. Tương tự trường hợp của Thủy sản Phương Nam, thời điểm cuối 2012, doanh nghiệp này nợ các NHTM gần 1.600 tỷ đồng và đứng trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên DATC và 2 ngân hàng chủ nợ lớn nhất của Phương Nam là LienVietPostBank và ABBank đã thống nhất chuyển các khoản nợ tương ứng thành 62,4% và 34,2% vốn góp. Kết quả, sau 4 tháng tái cơ cấu Thủy sản Phương Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu, nhiều khách hàng truyền thống từ Mỹ, Nhật Bản, EU đã ký hợp đồng trở lại.
Cần ưu đãi khuyến khích mua bán nợ
Theo luật sư Huỳnh Thị Phương Nga – Đoàn Luật sư TP.HCM, việc hoàn thiện pháp lý về mua bán nợ nói chung và chuyển nợ thành vốn góp nói riêng sẽ tạo điều kiện cho khá nhiều doanh nghiệp lớn đang khó khăn về tài chính có cơ hội vực dậy. Tuy nhiên, hiện tại “sân chơi” chuyển nợ thành vốn góp tại Việt Nam mới chỉ có DATC là đơn vị được kỳ vọng tạo ra các thương vụ chuyển nhượng. Trong khi doanh nghiệp này có nguồn lực tài chính không lớn, chủ yếu vẫn chỉ đặt mục tiêu hỗ trợ tái cơ cấu các DNNN không thể cổ phần hóa do thua lỗ, nên không thu hút được các chủ nợ (NHTM và các doanh nghiệp tư nhân khác) cùng tham gia.
Để thúc đẩy hoạt động chuyển nợ thành vốn góp, theo bà Nga, bên cạnh pháp lý về thủ tục, quy trình; các chính sách ưu tiên, ưu đãi cũng cần phải được thực hiện. Chẳng hạn, hiện nay khi doanh nghiệp chuyển nợ thành vốn góp cần được ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo điều kiện đưa thêm vốn cho doanh nghiệp cần tái cơ cấu. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần khuyến khích, ưu đãi để họ tham gia thị trường mua bán nợ. Ngoài ra, các NHTM bên cạnh tập trung cho các nghiệp vụ kinh doanh chính cũng cần tăng cường nguồn lực cho các công ty xử lý nợ và quản lý tài sản để các doanh nghiệp này có thể thực hiện được các thương vụ sử dụng tài sản để cấn trừ nợ.
Bên cạnh đó, ở góc độ xử lý nợ xấu trong ngành Ngân hàng, cuối năm 2020 vừa qua, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cũng đã đặt mục tiêu thành lập và đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ trong giai đoạn 2020-2025, đồng thời hoàn thành vượt chỉ tiêu mua nợ theo giá thị trường khoảng 5-10%. VAMC cũng đã xúc tiến thành lập “Câu lạc bộ AMC” nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư thực hiện mua bán nợ công khai, minh bạch. Các nhà đầu tư có thể thỏa thuận chuyển nợ thành vốn góp và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp, giúp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với những diễn biến trên, trong những năm tới có thể kỳ vọng thị trường mua bán nợ sẽ sôi động hơn. Ngoài các DNNN thua lỗ, yếu kém về tài chính thì các doanh nghiệp tư nhân trong các ngành nghề như nông – thủy sản, bất động sản, sản xuất xuất khẩu cũng có thể được tái cấu trúc thông qua các thương vụ mua bán, chuyển nợ thành vốn góp khi có sự tham gia của nhiều công ty quản lý tài sản và quỹ đầu tư cũng như các tập đoàn đa quốc gia.