Thêm lối ra cho nông sản Việt

Việc bán hàng nông sản thông qua phương thức livestream đã không còn xa lạ với nhiều nông dân trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều nông sản rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”.

Mới đây, thông qua việc livestream bán hàng, một doanh nghiệp tại Nghệ An đã tiêu thụ được 72 tấn cam chỉ trong một buổi sáng. Được biết, đây là chương trình bán cam bóc Phủ Quỳ do UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) phối hợp với doanh nghiệp tổ chức bán hàng qua hình thức truyền hình trực tiếp với giá 5.000-6.000 đồng/kg và bán ra cam loại 1 giá 150.000 – 170.000 đồng/thùng 10 kg, cao hơn nhiều lần so với chương trình giải cứu cam không đúng cách trước đó đã khiến giá cam xuống còn 1.500 – 2.000 đồng/kg.

Ảnh minh họa

Bán hàng nông sản thông qua phương thức livestream đã được bà con nông dân tại nhiều vùng miền sử dụng để đưa nông sản của mình tới tay người tiêu dùng thông qua bán hàng trực tuyến. Đây cũng là một trong những biện pháp được đưa ra trong quá trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp. Anh Nguyễn Đức Trung – chủ một vườn bưởi tại làng Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, nhờ biết tới việc livestream để bàn hàng, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hơn một nửa số bưởi trong vườn của gia đình anh được bán thông qua mạng xã hội. Việc quảng bá trực tuyến bưởi tại vườn giúp cho khách hàng vừa có thể tham quan vườn bưởi đang kỳ thu hoạch, lại có thể tin tưởng vào chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm.

Bên cạnh việc người nông dân tự bán hàng thông qua livestream, các bộ, ngành cùng nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang thực hiện việc tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử để giúp mặt hàng này có thêm nhiều lối ra.

Đơn cử như sàn thương mại điện tử Voso.vn (thuộc Tổng CTCP Bưu chính Viettel) đã tiên phong mở gian hàng dành riêng giới thiệu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Số liệu thống kê cho thấy, ngay trong tháng 3/2021, chiến dịch “Cùng nông dân Hải Dương chuyển đổi số thoát cảnh giải cứu” được Voso.vn thực hiện đã giúp tiêu thụ được hơn 31 tấn rau củ, gần 6.200 con gà và hơn 290.000 quả trứng qua 3 tuần triển khai.

Cũng trong tháng 3 vừa qua, sàn thương mại điện tử Sendo.vn (thuộc CTCP Công nghệ Sen Đỏ) triển khai chương trình “Chỉ 1.000 đồng cho 1kg nông sản, không giới hạn số lượng mua”, đã có 35 tấn rau củ của nông dân tỉnh Hải Dương được tiêu thụ qua sàn này.

Theo thông tin từ 2 doanh nghiệp bưu chính là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), chỉ trong 10 ngày đầu tháng 4/2021, số lượng đơn hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò là hơn 2.600 đơn, có thêm 33 nhà cung cấp sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền mở mới gian hàng.

Trong kế hoạch được sàn Vỏ Sò xây dựng, đơn vị này dự kiến từ khoảng giữa tháng 4 đến tháng 11 sẽ tập trung đưa toàn bộ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP, VietGap lên sàn.

Đặc biệt, mới đây, kênh phân phối trực tuyến cho nông sản Việt Nam có tên “Gian hàng Việt trực tuyến” cũng đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp với các sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn và Tiki.vn triển khai. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân sẽ được đào tạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi số; miễn toàn bộ chi phí mở gian hàng, chi phí vận hành gian hàng trên sàn thương mại điện tử từ 3 đến 6 tháng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Nafoods Group cho rằng, thông qua việc triển khai bán hàng online, niềm tin về xuất xứ, chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng tăng cao hơn. Việc ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến người nông dân phải thức thời, trở thành những người nông dân bán hàng thông minh qua các công nghệ hiện đại. Đây là một trong những xu hướng của ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, giảm thiểu tác động của bên ngoài.

Tuy nhiên, việc đưa nông sản lên bán hàng trực tuyến cũng đối mặt không ít thách thức. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phân tích, do có đặc điểm là thời gian bảo quản ngắn, chính vì vậy phải rút ngắn tối đa thời gian từ khi thu hoạch nông sản đến bàn ăn của người tiêu dùng. Bởi vậy việc bán nông sản online cũng cần đáp ứng các yếu tố trong khâu vận chuyển, yêu cầu về logistics để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, giữ được chất lượng như quảng cáo. Có như vậy, người nông dân mới đi được đường dài trong việc bán hàng nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử.

PGS-TS. Đào Thế Anh – Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, trong chuyển đổi số nông nghiệp, cần phải đảm bảo các yếu tố về an toàn thực phẩm. Trong đó đặc biệt là khâu truy xuất nguồn gốc. Phải làm thế nào để có thông tin đến tay người tiêu dùng từ khâu sản xuất, chăm sóc, chế biến.

Theo ông Đào Thế Anh, hiện việc truy xuất nguồn gốc đã phát triển nhanh, không chỉ doanh nghiệp lớn mà ở cả các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Cùng với đó, để chuyển số trong nông nghiệp thành công, người nông dân là đối tượng cần được đào tạo và hướng dẫn cách thức sử dụng smartphone, các công nghệ hiện đại khác. Để làm được điều này, hộ nông dân có thể tham gia vào hợp tác xã, các doanh nghiệp cũng có thể ký hợp đồng đào tạo.

Nguồn Hạ Chi/Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục