“Thủ lĩnh” phường rối Chàng Sơn

Về xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội không ai là không biết đến câu chuyện của ông Nguyễn Văn Dậu, người gìn giữ nét đẹp làng rối này suốt nhiều năm qua. Nhắc đến ông, dân làng tỏ rõ sự kính trọng và cảm mến vì lòng nhiệt huyết, sức sáng tạo không ngừng của ông đã và đang "giữ lửa" cho nghệ thuật rối nước truyền thống độc đáo của quê hương xứ Đoài.

Gia đình truyền thống

Dáng người nhỏ bé nhanh thoăn thoắt với đôi mắt sáng tinh nhanh, ông Nguyễn Văn Dậu,Trưởng phường rối Chàng Sơn vẫn đau đáu với nghề. Ông Dậu năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn giữ được sự nhanh nhẹn và linh hoạt khéo léo của một người giỏi nghề. Khi nhắc về nguồn cội của phường rối nước Chàng Sơn, ông Dậu cho biết: “Chúng tôi biết rằng, từ xa xưa lắm, có lẽ rối đã gắn kết cùng với dân làng suốt lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Hết đời này đến đời khác, những nghệ nhân vừa gìn giữ vừa phát huy, cải tiến, sáng tạo thêm những tích trò để rối nước càng trở nên hấp dẫn”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Dậu

Ông Dậu khẳng định thêm, từ xa xưa nghệ thuật rối nước phường Chàng Sơn luôn là tiết mục đặc sắc và là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người dân và các vùng lân cận. Ông kể: Năm lên 10 tuổi đã theo cha là Trưởng phường rối – cụ Nguyễn Văn Tân đi khắp tỉnh Hà Tây (cũ) biểu diễn. Ngày ấy, mỗi lần được đi phục vụ phường rối của cha, ông đều lẻn vào buồng quan sát các chú, các anh biểu diễn. Lâu dần, có kỹ năng ông được đảm nhận những điệu múa giản đơn. Cứ như vậy, hình ảnh sống động của những con rối đã thấm vào con người từ khi nào không hay. Sau đó, ông còn lên tận Hà Giang để vừa xây dựng kinh tế vừa lập gánh rối biểu diễn phục vụ khán giả. Nhưng sau vì chiến tranh chống đế quốc Mỹ nổ ra, gánh rối nước bị gián đoạn một thời gian. Năm 1986, sau khi về hưu, ông Dậu phục hồi rối nước. Xã đồng ý và ủng hộ ông lên Hà Giang xin gánh rối về. Gánh rối còn 40 con, trong đó có nhiều rối cổ. Cái “nghiệp” cứ đến với ông như một lẽ tự nhiên, rồi bám riết lấy ông.

“Ảo thuật gia” trong chế tác, biểu diễn

Tận mắt chứng kiến một tích trò biểu diễn, tận tay điều khiển những chú rối ngộ nghĩnh… mới hiểu vì sao rối nước Chàng Sơn lại được coi là sản phẩm văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội. Hơn 200 năm tồn tại với nhiều biến cố thăng trầm, phường rối nước Chàng Sơn đã tạo được tên tuổi khắp các vùng đồng bằng Bắc bộ.

Ông Nguyễn Văn Dậu chia sẻ, để làm được một quân rối phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Tất cả quá trình đều được làm hoàn toàn bằng tay, yêu cầu sự tập trung và khéo léo. Các con rối được làm bằng gỗ sung là loại gỗ nhẹ, nổi trên mặt nước, không bị mọt, không dập, vỡ và dễ đẽo gọt. Sau khâu đẽo gọt, phơi khô là khâu quan trọng nhất của kỹ thuật chế tác con rối – công đoạn lắp ráp tay chân với máy điều khiển, trước khi chúng được “mặc” lên mình những bộ trang phục sặc sỡ, người thợ sẽ vẽ lên những lớp sơn chống nước và vẽ tạo hình theo từng vở diễn. Biểu diễn rối nước rất công phu và phải qua nhiều công đoạn chuẩn bị nên đòi hỏi nghệ nhân sự kiên trì, nhẫn nại cùng niềm say mê nghề. Có hàng chục công đoạn phải chuẩn bị như: làm thủy đình, đóng cọc, dẫn dây, rồi chế tác, tạo hình tượng những con rối phù hợp từng tích, trò. Các công đoạn không quá phức tạp nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và khiếu thẩm mỹ cao. Ông Dậu cứ âm thầm dùng đôi bàn tay tài hoa của mình mà tạo tác ra những con rối, những hình chú Tễu để biểu diễn. Phường rối trong Nam ngoài Bắc nghe tiếng hoặc chỉ nhìn con rối là biết có phải do tay ông Dậu làm ra hay không.

Ngoài biểu diễn trong các dịp lễ hội, phường rối Chàng Sơn còn đi biểu diễn ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Thạch Thất, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tham gia Festival Huế… Không dừng lại ở đó, những nghệ nhân phường rối Chàng Sơn cũng đã nhiều lần được mời ra nước ngoài biểu diễn. Tại Liên hoan nghệ thuật múa rối nước Hà Nội 2019, phường rối nước Chàng Sơn vinh dự giành giải nhất cùng nhiều bằng khen tại các cuộc thi.

Vẻ đẹp kỳ diệu của nghệ thuật rối nước

Nghệ nhân Nguyễn Văn Dậu cũng đang lo thất truyền khi đội ngũ kế cận còn quá ít. Trong nhịp sống hối hả, bao thế hệ thanh niên trong làng đã khăn gói làm ăn xa, những người còn ở lại thì bận bịu với chuyện mưu sinh. Trong khi đó, không ít những nghệ nhân đã phải bỏ nghề vì những khó khăn của cuộc sống. Còn lại số ít những nghệ nhân tâm huyết với nghề như ông, luôn muốn gắn bó với rối nước của Chàng Sơn đã bước sang tuổi xế chiều.

Thêm vào đó, một trong những khó khăn cản trở sự phát triển của làng rối chính là sự xuống cấp, thiếu nguồn kinh phí cải tạo đạo cụ để biểu diễn. Hơn nữa, việc tạo ta một bộ rối mới hoàn chỉnh cũng cần nguồn chi phí rất cao.

Hiện nay, những người trẻ tuổi ngày càng thờ ơ với các giá trị truyền thống của dân tộc. Trong những buổi biểu diễn ngày càng vắng bóng người xem. Chính điều này cũng là ảnh hưởng đến cảm hứng và tâm huyết của những người nghệ nhân vốn đang trăn trở với nghề. Lão nghệ nhân mong muốn bản thân mình và các nghệ nhân có nhiều dịp được đứng trên sân khấu thể hiện tài năng để lan tỏa giá trị đến thế hệ trẻ. Đồng thời, đó cũng chính là lời kêu gọi, động viên về cả vật chất lẫn tinh thần giúp nghệ thuật múa rối “thay da đổi thịt”.

Nói về nghệ thuật rối nước hiện nay, ông Dậu chia sẻ: “Chính quyền thành phố đã quan tâm nhiều hơn đến đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa rối nước làng Chàng Sơn. Việc bảo tồn văn hóa được thực hiện tốt hơn trước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, kinh phí lại quá hạn hẹp. Để có tiền sinh hoạt chủ yếu do các thành viên trong đội đóng góp, chưa thể đáp ứng nhu cầu về mua sắm các bộ rối và trang phục, đạo cụ biểu diễn”.

“Điều khiến phường rối Chàng Sơn lo lắng nhất không chỉ là khó khăn về đội ngũ kế cận, có tâm huyết với nghề, mà điều quan trọng hơn còn là tìm kiếm các tích, tuồng hay để gìn giữ cho đời”, ông Dậu cho hay. Có thể nói là cũng may cho phường rối, bởi anh Nguyễn Văn Viên bây giờ thành thục cả hai nghề truyền thống của quê hương: Nghề mộc và múa rối nước và đảm đương vai trò Phó trưởng phường rối nước. Với anh, múa rối là đam mê cá nhân và trách nhiệm với làng quê, với dòng họ, Viên dành tâm huyết cho cả hai. Anh là thành viên Hội Nghệ nhân thợ giỏi thành phố Hà Nội từ năm 2011.

Những năm tháng này, ông Dậu, anh Viên cùng các nghệ nhân của phường rối vẫn tích cực vận động con cháu tham gia phường rối của làng với hy vọng sẽ gìn giữ nghệ thuật tổ tiên để lại.

NguồnThanh Tùng/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục