Tín hiệu vui đối với xuất khẩu nông sản
Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, hiện địa phương có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó có 11 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Hiện giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 80%.
Năm 2021, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 610 triệu USD, tăng 5,17% so với năm 2020. Tăng kim ngạch xuất khẩu của địa phương này tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê 205 ngàn tấn, tương ứng 305 triệu USD, tăng 2,5% về lượng và 2,3% về giá trị; mủ cao su 7.200 tấn, tương ứng 10,5 triệu USD, tăng gần 11% về lượng và 11,7% về giá trị; gỗ tinh chế 8,5 triệu USD (tăng 13,3%); sắn lát 9 ngàn tấn, tương ứng 2 triệu USD, tăng 12,5% về lượng và 11% về giá trị; các mặt hàng khác 284 triệu USD (tăng 7,9%).
Thực tế cho thấy, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai phục hồi khá mạnh với mức tăng gần 48% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Gia Lai chạm mức 215 triệu USD, đạt 35,29% kế hoạch. Một số mặt hàng chủ lực có mức tăng khá như: cà phê 84 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch 126 triệu USD (tăng 39% về lượng, tăng 51% về giá trị); mủ cao su 800 tấn, tương ứng kim ngạch 1,07 triệu USD (tăng 6,67% về lượng, tăng 18% về giá trị; sản phẩm gỗ đạt 1,35 triệu USD (tăng 3,8%); các mặt hàng khác đạt 86,8 triệu USD (tăng 44% so với cùng kỳ năm trước). Đây có thế nói là tín hiệu vui cho các ngành hàng xuất khẩu của Gia Lai.
Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, hiện địa phương có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó có 11 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Hiện giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 80%.
Để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ngành Công thương làm việc với các doanh nghiệp để khảo sát tình hình xuất khẩu nhằm kịp thời nắm bắt những tồn tại trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất khẩu. Từ đó, đề xuất phương án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Qua khảo sát sơ bộ tại các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, đối với mặt hàng cà phê ở các đơn vị chủ lực gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang đạt trên 60% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, còn lại là các doanh nghiệp khác. Đối với trái cây, bên cạnh Doveco Gia Lai dự kiến kim ngạch đạt 70 triệu USD thì Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai dự kiến khoảng 60 triệu USD với sản lượng khoảng 130 ngàn tấn trái cây gồm chuối, mít…
Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nguồn cung trên thị trường thế giới thiếu hụt. Trong khi, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng tại một số thị trường lớn. Hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, sản xuất không bị gián đoạn nên khả năng khối lượng hàng xuất khẩu gia tăng. Cùng với đó, lợi thế lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu là các hiệp định thương mại tự do, Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đã được thông quan nên việc duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu khá thuận lợi.
Có thể nói, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Gia Lai vẫn duy trì ưu thế tại các thị trường truyền thống, trong khi nguồn cung tại một số quốc gia có tương đồng về sản phẩm với Việt Nam bị hạn chế do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng khả quan nên cũng kỳ vọng xuất khẩu phục hồi mạnh, đạt kế hoạch đề ra.
Song để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác thông tin về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, quốc gia tham gia Hiệp định CPTTP và Hiệp định EVFTA.