Nông sản rớt giá giữa mùa dịch

Cơn bão dịch mang tên Covid-19, đã và đang gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân tại nhiều nơi đang gặp rất nhiều khó khăn. Câu chuyện tại một số tỉnh, thành ở khu vực miền Trung là một điển hình...

Những ngày gần đây, nhiều hộ dân trồng ớt xanh tại TP. Đà Nẵng đang đứng ngồi không yên, bởi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được do những tác động tiêu cực từ Covid-19. Tại huyện Hòa Vang nơi có nhiều hộ dân trồng ớt xanh ở địa phương. Những năm trước đây, nhờ cây ớt xanh mà đời sống của rất nhiều hộ dân ở Hòa Vang có cuộc sống ổn định, thậm chí vươn lên khá giả… Song năm nay, mới bước vào vụ thu hoạch lại rơi đúng ngay vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Bởi vậy, việc tiêu thụ các loại nông sản, trong đó có ớt xanh gần như “đứng bánh”.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Hòa Vang, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các nhà hàng, quán xá đều đóng cửa, người dân đi chợ giãn cách nên việc tiêu thụ các loại nông sản, trong đó có ớt và các loại rau, gặp nhiều khó khăn. Trên thị trường việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, đã khiến giá ớt xanh rớt giá một cách thê thảm, chỉ còn khoảng 1/10 thời điểm đại dịch chưa bùng phát trở lại. Cụ thể, vào thời điểm trước khi có dịch, trên thị trường các thương lái thu mua tại vườn khoảng 50 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm này ớt xanh rớt xuống chỉ còn khoảng 5 nghìn đồng/kg. Điều đáng nói, mặc dù rớt giá thê thảm như vậy, song việc tiêu thụ trên thị trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Dù, giá đã rất rẻ, bà con nông dân chỉ cần bán ở mức giá lấy lại vốn, song các thương lái vẫn không đến thu mua. Bởi vậy, hiện trên địa bàn huyện Hòa Vang đang dồn ứ một số lượng lớn sản phẩm ớt xanh.

Việc tiêu thụ nông sản vốn đã khó khăn nay lại càng khó hơn trong đại dịch Covid-19

Không tiêu thụ được sản phẩm, nhiều hộ nông dân trồng ớt ở Đà Nẵng đã chấp nhận cảnh để ớt chín trên cây, không buồn thu hoạch. Trước mắt, để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân TP. Đà Nẵng đã phát động hội viên nông dân của mình, chung tay cùng đối tác giúp đỡ bà con nông dân Hòa Vang vượt qua khó khăn. Giải cứu hàng tồn đọng bằng cách mua ớt, hoặc bí đao với giá 15 nghìn đồng/kg. Theo ông Nguyễn Đình Khánh Vân – Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng, đơn vị đã kêu gọi các cán bộ hội chủ động kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tìm cách tiêu thụ nông sản cho bà con, vượt qua thời điểm khó khăn này. Khi có số lượng cụ thể, sẽ hỗ trợ nông dân vận chuyển tiêu thụ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Cũng như cây ớt xanh ở Đà Nẵng, tại địa phương lân cận là Quảng Nam việc tiêu thụ nông sản trong đó có bí đao cũng đang lao đao do đại dịch Covid-19. Theo đó, chỉ tính riêng tại một số địa phương như, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn hay Duy Xuyên… năm nay có gần 400 ha bí đao chuyên canh. Năm nay, nhìn chung năng suất cây bí đao tại các địa phương đạt cao. Tuy nhiên, trên thị trường do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, việc tiêu thụ khó khăn nên giá rớt xuống rất thấp.

Cụ thể, do ảnh hưởng của Covid-19, nên việc xuất khẩu bí đao sang thị trường Trung Quốc bị ách tắc, khiến giá của loại nông sản này rơi xuống rất thấp. Trong khi đó, việc tiêu thụ nội địa thường vốn có số lượng rất ít, nay lại càng ít hơn do việc giãn cách xã hội. Nhiều hàng quán, khách sạn, trường học… đóng cửa để phòng dịch. Được biết, ở những thời điểm trước, giá mỗi kg bí đao khoảng 10 nghìn đồng/kg, nay rớt xuống chỉ còn khoảng 2,5 nghìn đồng/kg. Điều đáng nói, mặc dù xuống thấp như vậy nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn rất khó khăn, ì ạch. Năng suất đạt cao, song giá thu mua sản phẩm quá thấp khiến hàng nghìn hộ dân trồng bí đao ở Quảng Nam đang gặp khó khăn vì mất nguồn thu nhập lớn. Tình hình dịch bệnh đã khó khăn, thiếu thốn nay sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, lại càng gian nan vất vả hơn cho bà con.

Câu chuyện nông sản rớt giá giữa mùa dịch rơi vào không chỉ với cây ớt xanh ở Đà Nẵng, bí đao ở Quảng Nam mà còn nhiều sản phẩm của nhiều địa phương khác trong khu vực miền Trung. Trên thực tế, không đợi đến những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân mới gặp khó khăn. Hiện nay tại khu vực miền Trung cũng như nhiều nơi khác trong cả nước, việc sản xuất các sản phẩm nông sản của bà con nông dân vẫn rất nhỏ lẻ, chưa có nhiều diện tích trồng chuyên canh. Trong khi, mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân còn thiếu và yếu. Khâu tiêu thụ trên thị trường vốn tồn tại rất nhiều bất cập… Những điều này lại càng khó khăn hơn, khi đặt trong điều kiện đại dịch Covid-19 đang hoành hành như hiện nay. Việc tiêu thụ nông sản, vốn đã khó lại càng khó khăn hơn.

Trước mắt, nhằm hỗ trợ bà con nông dân thoát khỏi những khó khăn hiện nay, các cơ quan chức năng cũng đã và đang có những nỗ lực để “giải cứu”. Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19. Theo ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian này, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng.

Tập trung chỉ đạo sản xuất theo từng mùa vụ, chú ý việc cân đối cung cầu thị trường nông sản, thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, bà con nông dân; theo dõi sát tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tăng cường đàm phán với các nước để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống và thị trường mới, nhiều tiềm năng… sớm góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

Nguồn Nghi Lộc/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục