Những mầm khoai tuổi thơ…

Một vạt dài đất thổ (cát pha) bên sông ba đem trồng luân phiên các thứ hoa màu. Nhưng nhiều nhất vẫn là khoai lang. Khoai lang canh tác ngắn ngày, ít cần nước, năng suất lại cao, là “phương tiện chống đói” hữu hiệu cho một thời nghèo cực ở quê tôi.

Nhà hầu như quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có khoai lang. Khoai đổ đống góc nhà. Khoai bò lổm ngổm gậm giường. Hết khoai tươi tới những thạp khoai khô (xắt lát đem phơi khô) trong buồng im ỉm kín nắp. Ấy là “hàng dự trữ” mùa đông. Khoai tươi chỉ có nấu ăn ngay hoặc đem làm món “bột khoai khô” – tức khoai lang nấu chín chà nát rải phơi xong đem cất vào túi nilon. Món này là phương tiện “chống đói nhanh”; lúc đói có thể xúc cho vào mồm ăn ngay, không phải nấu nướng rầy rà. Nhà nghèo, con đông, đất làm lúa chỉ có mấy sào nên gạo luôn luôn thiếu. Còn may; khoai lang rất sẵn vậy nên cơm nhà quanh năm ăn độn khoai. Khoai lang khô mùa đông đem ngâm nước cho mềm sau đó ghé (ghế) cơm. Ăn ngán lắc lư; tới bữa ngồi xuống mâm nghe mùi khoai là bắt rùng mình. Hậu quả trong nhà đứa nào cũng chỉ nuôi một ao ước khùng điên: mong cho… bịnh để được mẹ cưng chiều và… nấu cơm trắng cho ăn, không phải ăn cơm ghé!

Vậy nhưng món “khoai lang mầm” lại khác.

Ngày ngày chăn bò dọc mé sông; thả bò xong là tha thủi dạo những đám khoai mới đào tìm “khoai lang mầm”. Mẹ la: khoai ở nhà ăn ớn lên ớn xuống còn đi moi khoai lang mầm chi?? Chuyện ấy thì mẹ còn lâu mới biết nguyên do: những củ khoai lang đào sót nằm im dưới đất, chỉ chờ một cơn mưa giông mùa hè rớt xuống là lập tức lấp ló trồi lên cái mầm đo đỏ, rất… dễ thương. Săn tìm mầm khoai đã thú, đem khoai mầm ra sông rửa sạch cho vào mồm rào rạo nhai (sống) còn thú hơn. Kì lạ; cái món khoai lang mầm ăn sống bao giờ cũng ngọt ngon, hơn đứt những củ khoai nấu chín ở nhà!

Ảnh minh họa

Chẳng phải tưởng tượng đâu; đúng là ngon thiệt – nếu không sao đám bạn chăn bò đứa nào cũng thích, cũng xúm nhau đi tìm khoai lang mầm? Mầm khoai ít, đứa tìm nhiều vậy nên lâu lâu lại xảy ra kèn cựa, “chiến tranh”. Đám con trai đa số máu “trượng phu”, ít khi giành giựt cùng con gái mấy cái mầm khoai chi cho mang tiếng; riêng lũ con gái với nhau thì, ôi thôi, “ăn thua đủ”! Còn nhớ; tôi với con Nhiệm cùng xóm có bữa rủ nhau đi tìm mầm khoai. Bất chợt bốn con mắt đồng phát hiện từ xa có nhúm mầm khoai mới mọc trồi lên, mầm nào mầm nấy mập ú! “Trúng” to rồi! không ai bảo ai, bốn cái chân đồng bươn chạy tới, hai cái đầu va nhau đánh “cộp” đau thấu trời xanh! Vậy nhưng chẳng có thời gian phàn nàn, hai đứa nào cùng nhất tề chổng mông chúi đầu vào một điểm, bốn cái tay hối hả moi lia. “Chiến lợi phẩm” kia rồi. Không phải củ. Chỉ là một lát khoai; to thì có to nhưng… mỏng dính! Hai đứa đồng loạt buông tay nhìn nhau ngơ nghếch; mặt đứa nào cũng sượng sùng…

Ấy vậy; nhưng cái hành trình tìm khoai hên xui cũng có lúc “trời thương”; chỉ một mầm khoai bé xíu xiu lại moi lên được củ khoai to tướng! Rút kinh nghiệm; sau này những cuộc săn khoai lang mầm tôi luôn tách đi riêng để tránh chuyện “huynh đệ tương tàn” (nhiều khi lảng nhách!). Và nữa; cũng không quá háo hức khi vớ được một mầm khoai to! Bài học “tìm khoai lang mầm” thuở ấu thơ quả đã vỡ lòng cho tôi bài học lớn đầu tiên khi bước vào đời: hình thức không phải lúc nào cũng đi đôi, tương xứng với nội dung. Đừng quá cả tin vào những gì ta mới nhác trông qua bởi cuộc sống có nhiều thứ “thấy vậy mà không phải vậy”…

NguồnY Nguyên/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục