Người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động, việc ưu tiên chọn hàng Việt sẽ góp phần ổn định hoạt động sản xuất trong nước
Đa dạng hàng Việt lên kệ siêu thị
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, doanh nghiệp Việt đang đứng trước tình thế hết sức khó khăn khi lượng hàng tồn kho cao, nhà phân phối từ chối nhận hàng vì không bán được, sức mua trên thị trường giảm sút…
Trước thực tế này, mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Theo đó, chỉ thị nêu rõ: Cuộc vận động là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội đất nước giai đoạn hiện nay.
Do đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt. Đồng thời, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt sản xuất hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá phù hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh phân phối hiện đại… nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cuộc vận động này trong thời gian tới.
Để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước duy trì và phát triển, nhiều siêu thị đã tăng cường tỷ lệ hàng hóa trong nước lên các kệ hàng. Theo đại diện các siêu thị cung ứng hàng hóa tại Đà Nẵng, hiện tỷ lệ hàng Việt Nam bày bán chiếm hơn 90% hàng hóa trong các siêu thị. Việc lựa chọn sản phẩm hàng Việt đang trở thành xu hướng của nhiều người tiêu dùng, nhất là trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, tinh thần ủng hộ hàng Việt ngày càng tăng cao.
Theo đại diện Big C Đà Nẵng, thời gian qua, để tạo điều kiện cho hàng hóa trong nước đến tay người tiêu dùng, Big C Đà Nẵng cơ cấu lại các kệ hàng. Trong đó, ưu tiên hàng hóa trong nước. Đặc biệt, ưu tiên hàng chất lượng cao, nông sản sạch… Qua đó, góp phần tiêu thụ hàng hóa trong nước, giúp doanh nghiệp, hộ sản xuất, hộ nông dân vượt qua khó khăn trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Còn đại diện Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng khẳng định, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, siêu thị liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để có kế hoạch cung ứng nguồn hàng bảo đảm đủ, phong phú, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu và cam kết mức giá ổn định. Đồng thời, nỗ lực triển khai nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá để kích thích sức mua trong mùa dịch, góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng địa phương.
Đa dạng các kênh phân phối
Chị Phan Thị Quỳnh Tiên – đường Lê Duẩn, TP. Đà Nẵng cho biết, do đặc thù công việc nên thường đi siêu thị mua sắm vào mỗi dịp cuối tuần. Trước đây chị thường chọn những loại trái cây nhập khẩu, tuy nhiên từ lúc bùng phát dịch Covid-19, hàng nhập khẩu khan hiếm nên chuyển sang mua các loại trái cây trong nước. Qua sử dụng một thời gian, chị thấy trái cây Việt Nam không thua kém gì hàng nhập ngoại. Không riêng hàng nông sản, các loại hàng hóa như may mặc, thời trang, gia đình cũng thường xuyên mua các loại sản xuất trong nước, mẫu mã hiện đại, chất lượng cũng không thua kém.
Theo Sở Công thương TP. Đà Nẵng, đơn vị đang tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt như: vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; thông qua trang thông tin điện tử của Sở Công thương cung cấp thông tin, quảng bá về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thị trường, xúc tiến quảng bá sản phẩm; tích cực vận động người dân ưu tiên dùng hàng Việt… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả người tiêu dùng và người sản xuất, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiêu thụ hàng Việt, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tại Đà Nẵng, Chương trình nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn được Hội Nông dân thành phố quan tâm sâu sắc. Đơn vị thường xuyên tổ chức các phiên chợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, mặt hàng đến từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ, hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn và các địa phương lân cận liên kết như: Quảng Nam, Quảng Ngãi… Các sản phẩm được bày bán tại phiên chợ chủ yếu như: rau, củ, quả, gạo, nấm, dược liệu, cây trồng, hàng thủ công mỹ nghệ…
Ngoài ra, các phiên chợ cũng dành riêng gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của thành phố. Đây là cơ hội để các đơn vị, hội viên nông dân tham gia kết nối, quảng bá những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng trên địa bàn. Từ đó, góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ để an tâm sản xuất, tập trung đầu tư đổi mới quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng hàng nông sản theo hướng phục vụ đô thị và du lịch tại Đà Nẵng.
Cùng với đó, Bưu điện Đà Nẵng đã liên hệ với Hội Nông dân huyện Hòa Vang để hỗ trợ tiêu thụ ớt xanh, bí đao thông qua sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam: PostMart.vn. Sàn PostMart.vn cũng có chính sách ưu đãi miễn các chi phí đăng ký duy trì gian hàng, quảng bá truyền thông, hỗ trợ chính sách về giá cả, ưu đãi vận chuyển… cho nông sản Hòa Vang. Ông Đào Sỹ Toàn, Phó Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng cho hay, đơn vị sẽ tư vấn chính sách giá, bảo đảm được giá tốt cho người bán có lợi nhuận, chuẩn bị các kế hoạch đào tạo, hướng dẫn quy trình cụ thể từ việc đăng ký gian hàng, đăng ký tài khoản bán, đăng sản phẩm thông tin hấp dẫn để thu hút người mua trên sàn.
Trong tình hình Covid-19, việc sử dụng phương thức bán hàng qua kênh thương mại điện tử là giải pháp đắc lực giúp nhà sản xuất tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế công nghệ số…