Đôi bàn chân của cha

Tóc cha bạc màu, thời gian phủ trùm lên người quê yêu dấu, đôi chân cha vẫn bước từng bước chắc nịch như ngày xưa, dẫu có lúc tôi thấy cha ngồi nhíu mày xoa bóp chân mình bằng thứ thuốc rượu dân gian mẹ tôi ngâm, những cơn nhức mỏi cứ hành hạ cha tôi suốt những năm cha già nua, tôi khôn lớn...

Không mấy khi tôi để ý đến đôi bàn chân của cha tôi, để rồi một hôm giữa kỳ mưa dầm cha sai tôi ra bờ ao hái ngọn bòng bòng để cha đập giập xát vô mấy kẽ ngón chân bị nước ăn tôi mới nhìn bàn chân cha tôi. Đó là đôi chân to bản, móng chân bị cùn và nhem nhẻm màu phèn. Đầu ngón chân và lòng bàn chân của cha nứt nẻ từng đường ngang dọc, thấy mà thương. Đôi chân cha tần tảo một đời gồng gánh cả gia đình tôi đi qua bao biến động. Đôi chân chưa một lần xỏ vào đôi dép mới, bao giờ cha tôi cũng đi chân trần, lội vườn, lội mương, đi ruộng. Mùa mưa đất mềm thì cha đỡ đau chân, gặp mùa hạn, đất đồng cằn cỗi, gốc rạ trơ trơ đâm vào chân cha nhói đau. Ngồi nhìn cha nhẹ nhàng lấy bòng bòng giã nhuyễn chườm lên chân, tôi thấy mắt mình cay cay.

Ảnh minh họa

Tôi vẫn ra sức bảo vệ đôi bàn chân của mình qua những gai góc, chân dính bùn thì tôi ra bờ sông ngồi rửa, kỳ cọ, móng chân dài thì tôi tỉ mẩn cắt gọn rồi ngắm nghía. Chưa bao giờ tôi đi chân trần, mẹ nói xứ mình hồi xưa là đồn giặc, những trận đánh mịt mù khói lửa trong quá khứ để lại dưới lòng đất nào miễn, nào đầu đạn, toàn những vật sắc nhọn. Bởi vậy, tôi đi đâu cũng xỏ dép vào chân. Chỉ có cha tôi không biết bảo vệ đôi chân của mình. Tôi cứ trách, đất cứng vậy mà chân cha nện ền ệt xuống đất. Cha càn vào đám cỏ tranh ngoài bờ sông nhổ ít tranh đem về bện lại lợp nhà, cũng chân trần. Ngày xưa cha cõng tôi trên vai, chân cha chạy rong ruổi trên đồng thả diều, chân cha lội xuống triền sông đầy nước đưa tôi ra ngồi lưng trâu đen bóng. Chân cha bết bùn, đen nhẻm, mùa mưa nước ăn lở loét, mùa nắng chân cha đen bóng, trời trở lạnh những vết thương ở đôi bàn chân cha tôi cứ nứt toác ra, đau buốt không chịu được. Đêm đêm mẹ tôi phải lấy dây cột chân cha treo lên vách nhà cho đỡ đau. Tôi biết cha nhức dữ lắm, ngày đó rong chơi lỡ đạp gai thôi cũng thấy đau ê cả bàn chân rồi, huống chi bao nhiêu năm tháng cha tôi đã đi qua không biết bao nhiêu nơi, giẫm lên không biết bao nhiêu đau khổ của cuộc đời mà cha không một lời vãn than…

Mẹ đi chợ mua cho cha đôi dép. Vậy mà chẳng mấy lần tôi thấy cha xỏ dép vào chân. Cha nói ở nhà, đi vườn, lội ruộng mang dép làm gì, nó dơ, nó đứt quai thì tiếc lắm! Cha cọ rửa sạch sẽ rồi cất nó vào dưới gầm giường. Thoảng có đám tiệc gần nhà cha tôi mới mang dép, quần áo tươm tất mà đi, không thì đôi dép vẫn nằm buồn rười rượi trong xó tăm tối, còn chân cha vẫn bước đi, hiên ngang và kiêu hãnh trên mảnh đất quê mình. Đôi chân cha trở thành nỗi ám ảnh trong tâm khảm của tôi, nó giúp tôi hiểu ra mỗi vết nứt, mỗi thương tổn trên đôi chân là một nỗi đau cha gánh chịu trong suốt ngần ấy năm. Tóc cha bạc màu, thời gian phủ trùm lên người quê yêu dấu, đôi chân cha vẫn bước từng bước chắc nịch như ngày xưa, dẫu có lúc tôi thấy cha ngồi nhíu mày xoa bóp chân mình bằng thứ thuốc rượu dân gian mẹ tôi ngâm, những cơn nhức mỏi cứ hành hạ cha tôi suốt những năm cha già nua, tôi khôn lớn.

Tôi đi học, đi làm, lần về nhà tôi có mua cho cha đôi dép. Tôi đã đủ lớn để nhận ra đôi chân ấy đã dìu dắt, nâng đỡ tôi qua bao giông tố cuộc đời. Mẹ nói chân tôi giống chân cha như đúc. Đôi dép tôi mua cha mang vừa vặn, nhưng cha lại cẩn thận gói nó vào cái túi nilon để dưới gầm giường. Vẫn cái thói quen cũ. Cha chỉ biết lo lắng cho đôi chân của tôi có rắn rỏi, mạnh mẽ giữa thị thành xa xôi hay không, còn chân cha, cha nào đoái hoài?

Ôi cha của tôi, đôi chân mang trọn những niềm thương nỗi nhớ. Chiều ngồi nhìn cha xoa bóp bàn chân đã tê dại đi vì năm tháng ngược xuôi, nước mắt tôi cứ lũ lượt tuôn trào… Cha ơi!…

NguồnHoàng Khánh Duy/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục