Những nẻo đường quen
Lâu lắm rồi kể từ ngày rời quê lên phố làm ăn, tôi mới có dịp trở về thăm lại xóm cũ. Xóm nằm thèo hẻo ngay mép sông Tiền, đánh ánh nhìn thẳng tắp ra phía cù lao mùa này hoa súng đua nhau nở, điểm xuyến chút vàng thê thiết của vàm sông điên điển đang vươn mình đón những cơn nắng gắt gỏng, oi nồng.
Xa xa là bãi đất trống được bồi đắp bằng những dòng phù sa ngầu đục, giờ chỉ toàn cỏ may đua nhau mọc lên chi chít. Nơi mà ngày xưa, mỗi khi nước sông thượng nguồn lênh láng đổ về là đám thanh niên trong xóm hò nhau ra sông quăng chài, giăng lưới.
Con đường dẫn vào xóm nhỏ vẫn uốn khúc quanh co, cỏ dại vẫn gian díu vào nhau tạo thành những vệt dài nhung nhớ. Kéo theo đó là bao mùi hương của những vườn trái cây lặng lẽ, bám mình xuống mảnh đất màu mỡ mà đơm hoa, kết trái đúng mùa. Nào là những ổi, những mít… Hệt như lúc này đây, đó là một làn hương vô cùng thân thuộc, của những trái sầu riêng đương độ chín muỗm, thoang thoảng mùi hương đong đưa như dẫn lối tôi trở về một thuở thiếu thời xa xăm. Có chăng chỉ là những nẻo đường quen, giờ chỉ còn lại trong dòng hồi ức mông lung của những kẻ còn lưu luyến chút tình bé nhỏ với quê hương, với làng xóm mà đau đáu tìm về ẩn náu.
Bao năm rồi, ấy vậy mà xóm nhỏ vẫn như những đứa trẻ con ăn hoài chẳng chịu lớn, bản tính có chăng thì thay đổi một chút, trở nên ương ngạnh, khó bảo, nhưng vẫn giữ những nét mộc mạc, quê mùa chẳng thể lẫn vào đâu.
Khúc cua đó, dù mấy bụi sầu đâu đã mọc xum xuê, song vẫn còn váng vất những dư âm đủ để tôi nhận ra hình hài của bến đò cũ, nơi mà mỗi buổi sáng đều nghe tiếng ông Năm í ới, vang vọng cả một không gian. Cái giọng nghe đớt lên đớt xuống do cái dị tật ngắn lưỡi bẩm sinh, hồi đầu nghe có vẻ chối tai, lâu dần thành quen rồi chẳng còn xa lạ nữa. Thi thoảng không được nghe lại thành ra nhớ. Nghe đâu quê ông tận miền Tây Bắc, do phải lòng người con gái xóm nhỏ này từ hồi miền Nam còn rồi theo về ở rể. Đó là do miệng của mấy dì, mấy chế nói thế thôi. Chứ bao năm đi học trên chiếc ghe của người đàn ông có vóc dáng oai vệ cùng làn da bánh mật, nhưng chưa bao giờ nghe ông nhắc một lần về chuyện tình dang dở ấy.
Men theo con đường giờ đã đổ những lớp bê tông thẳng thớm, uốn lượn theo những dòng kênh rạch ngoằn ngoèo, được người xóm nhỏ ví như những mạch máu nuôi sống xóm nhỏ bao đời bằng xương bằng thịt, bằng những mùa dừa ngả bóng, mùa của những bưởi, những nhãn, sầu riêng rợp bóng râm mát, những giống cây trồng vốn chỉ ưa với mảnh đất chằng chịt bởi những dòng kênh rạch theo thủy triều lên xuống. Lúc ấy cả khoảng trời trước mắt ta như chìm vào cả một miệt đồng choáng ngợp trong những ký ức xưa cũ, bằng những gương mặt quen, bằng những giọng nói thân thuộc, như khỏa lấp những mông lung thuở ngày thơ dại mà ai lớn lên cũng đã từng nếm trải một thời.
Xa xa phía cuối con đường, là cả một khoảng trống đồng ruộng mênh mông. Những đụm sứa, đước thi nhau mọc lên tạo thành nơi trú ngụ cho những đàn chim từ xứ lạnh đổ về tránh rét. Tiếng chim ríu ran cả một khoảng không yên bình, rồi đột ngột chìm vào khoảng không câm lặng, như cách người xóm nhỏ ngậm ngùi tiễn ai đó về với đất quê sau những cần lao khổ cực, sau những dùng dằng được mất của những phận đời nổi trôi.
Những nẻo đường quê bao đời nay vẫn thế, vẫn sẽ là hành trình thân thương, dung dị, chào đón những kẻ xa quê tìm về sau bao chán chường, mỏi mệt. Dẫu hành trình ấy có đượm chút buồn, có gợi cho lòng mình những hoang hoải ưu tư khó nói, nhưng chắc chắn đó luôn là những trải nghiệm quý báu mà mỗi người trong chúng ta đi xa sẽ nhớ, để đau đáu những ước muốn trở về, dẫu chỉ là trong những giấc mơ mỗi đêm, chập chờn theo tiếng mớ.