Mẹ – người giữ lửa

Tôi hằng mong được mãi về bên mẹ, nghe bếp kể chuyện, nghe hơi thở của mùa xuân ấm quyện cùng ngọn lửa của tin yêu, để trở về đúng con người thật của mình, sống chậm lại. Và xin nói lời cảm ơn mẹ, người giữa lửa xuân ấm mãi.

Không ai đong đếm được rằng, làm sao để có mùa xuân trọn vẹn nơi các gia đình thôn dã. Chắc lẽ phần nhiều đều cho rằng nhờ sự no đủ và niềm vui của mỗi thành viên. Vậy ai là người giữ ấm ngôi nhà? Chắc chắn là người mẹ, cùng với căn bếp của mình. Bởi căn bếp là sức sống của mỗi tổ ấm làng quê, mỗi ngôi nhà, thể hiện sự no đủ. Căn bếp đỏ lửa mỗi ngày thể hiện niềm hạnh phúc mến yêu, bởi nó được thắp lên sau mỗi giờ làm đồng, làm vườn, là nơi người này chăm sóc cho người kia.

Mẹ và bếp lửa

Căn bếp thường gắn với hình ảnh của mẹ, lui cui nhỏ bé mà đượm nồng yêu thương. Từ thuở xa xưa, căn bếp đã dành cho người phụ nữ, phục tùng chồng, chăm con, thể hiện đức hạnh và tâm hồn phụ nữ truyền thống. Dù bếp to hay bé, được dựng riêng biệt hay được ngăn ra từ một chái nhà, thì bếp vẫn là một góc sinh hoạt sinh động và thể hiện sâu sắc nhất sự tảo tần của mẹ. Người mẹ luôn là người gìn giữ, thắp ngọn lửa, làm nên sức sống của đồng, của làng và vẻ đẹp bình dị.

Tôi nhớ rất rõ, vào mùa đông các thành viên thường quần tụ bên bếp, vừa nấu cơm vừa sưởi ấm. Có khi mâm cơm được dọn ra ngay trong căn bếp đó. Bọn trẻ chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu của mẹ dành cho cha, của cha mẹ dành cho chúng tôi, và cảm thấy hương của mùa quyện trong tình yêu của mỗi thành viên dành cho nhau. Cũng trong căn bếp ấy, mẹ dạy anh em chúng tôi những bài học làm người, sống phải thật thà, lễ nghĩa.

Khi tôi và em gái lớn hơn một chút, có thể đỡ đần mẹ nhặt rau, bắc bếp, nhưng chẳng bao giờ thay thế được mẹ, như thể mẹ sinh ra là để làm ấm căn bếp và nâng niu những bữa ăn bé thơ. Bởi mẹ là người căn cơ, vun vén, chịu ăn đói để các con được no bụng. Tôi hạnh phúc vì điều đó và luôn hoài niệm về những ngày đông rét mướt, cả gia đình quây quần bên bếp lửa đun củi nồng đượm.

Tuổi mẹ mỗi nay đã nhiều, cuộc đời gắn với quê, vườn tược còn con cái đi xa. Mẹ vẫn nấu cơm cho cha ăn mỗi bữa và chờ các con. Dù sống ở phố xá, mỗi tháng tôi đều cố gắng về với mẹ một lần, để lại được nhặt nhạnh những cành củi ở Vườn Hồng cuối làng về đun để “học” lại tuổi thơ.

Mẹ vui lắm, cứ luýnh quýnh cười, chỉ ra ngoài ngõ, bảo: “Em gái con mà cùng được về nấu bếp nữa thì tuyệt quá!”. Em gái tôi lấy chồng bên kia sông. Cũng làng quê gần thị trấn. Em và gia đình chồng bên ấy đã dùng bếp ga, bếp điện, chỉ một dịp xuân nổi lửa bếp củi nấu bánh chưng…

Cuối năm, khi quê mình gieo xong luống mạ chờ xuân về là trải màu xanh ra những cánh đồng, cánh đồng lúa cười trong nắng xuân ngào ngạt hương. Nhưng để có được mùa xanh ấy cây mạ phải trải qua mấy mươi ngày cựa mầm đau đớn trong phôi thai và rét mướt.

Lại nhớ năm nào mẹ sinh mấy con trong mùa đông lạnh giá không có cha ở bên. Cha lên đường đánh giặc khi con én sắp trở về, có nghĩa là vào cuối năm sắp Tết. Mẹ tiễn cha, nước mắt lưng tròng nhưng mừng lòng vì nghĩa cử cha đi vì Tổ quốc, mỗi chiều sưởi ấm cho các con bằng ngọn lửa trong bếp hồng người mẹ yêu con và chờ chồng.

Xuân ấm, tôi bỗng thấy ngọn lửa trong căn bếp bập bùng trăn trở. Nó nói rằng chúng tôi đã lớn lên bằng bao mùa nhọc nhằn của mẹ. Nó nói với tôi rằng, chính mẹ và cha chắp cánh ước mơ cho các con, truyền lan ngọn lửa yêu và khát vọng và tôi cần phải giữ mãi ngọn lửa ấy. Tôi đã đi rất nhiều, nếm biết bao của ngon vật lạ, được nấu ở nhiều căn bếp khác nhau. Nhưng bếp mẹ luôn rộng lượng và ấm áp.

Tôi hằng mong được mãi về bên mẹ, nghe bếp kể chuyện, nghe hơi thở của mùa xuân ấm quyện cùng ngọn lửa của tin yêu, để trở về đúng con người thật của mình, sống chậm lại. Và xin nói lời cảm ơn mẹ, người giữa lửa xuân ấm mãi.

NguồnNguyễn Văn Học/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục