Phong cách tiêu dùng mới thời Covid

Ngược dòng tàn phá của dịch Covid-19, mua sắm trực tuyến đã ghi nhận những con số tăng trưởng bùng nổ trong năm 2020 và cả những tháng đầu năm 2021. Cùng với đó là xu hướng mới trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng khi thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở nên phổ biến.

Bùng nổ mua sắm online

Nếu như trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, khái niệm “đi chợ online” hay các ứng dụng “đi chợ hộ” vẫn còn xa lạ với đại đa số người tiêu dùng thì những phương thức mua sắm hiện đại này lại trở thành cứu cánh trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Giờ đây, không chỉ những mặt hàng đồ khô hay đồ gia dụng có mặt trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua sắm mà ngay cả những mặt hàng tươi sống cũng đã phủ sóng rộng khắp trên “chợ mạng”. Người tiêu dùng chỉ cần ngồi nhà vẫn có thể dễ dàng mua đủ mọi sản phẩm phục vụ cho cuộc sống.

Theo thống kê từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), năm 2020, thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD. Các chuyên gia cũng dự báo, giai đoạn 2021-2025 là thời gian phát triển nhanh của thương mại điện tử với mức tăng trưởng bình quân 29% và đến năm 2025, quy mô kinh tế số của Việt Nam có thể đạt tới 52 tỷ USD.

Thanh toán trực tuyến đang ngày càng được ưa chuộng trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định, thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam từ nhiều năm nay nhưng nó đã thực sự bùng nổ nhờ cú hích từ đại dịch Covid-19. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến người tiêu dùng nhận ra những ưu điểm của hình thức mua sắm trực tuyến, vừa tiện lợi lại đảm bảo an toàn, tránh việc phải đến nơi tập trung đông người. Hơn hết, hoạt động bán hàng trực tiếp bị ảnh hưởng hay gián đoạn vì dịch cũng đã thúc đẩy các đơn vị kinh doanh triển khai mạnh mẽ bán hàng đa kênh, trong đó kênh bán hàng online được ưa chuộng hơn cả.

Báo cáo của Deloitte công bố đầu năm 2021 cũng cho thấy, đại dịch đã khiến người tiêu dùng Việt Nam tiếp nhận các sàn thương mại điện tử, kênh mua hàng trực tuyến nhanh hơn, đặc biệt khi mua một số danh mục sản phẩm nhất định. Đơn cử như trong bối cảnh giãn cách hoặc cách ly xã hội đã khiến người tiêu dùng tìm đến các ứng dụng giao đồ ăn nhanh thay vì đi ăn ở ngoài. 60% số người trả lời khảo sát có kế hoạch tăng chi tiêu hàng tháng cho dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến.

Số liệu thống kê từ khảo sát của Visa cũng thể hiện xu hướng này, với 85% người tiêu dùng đang sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa và dịch vụ ít nhất một lần một tuần và 44% người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội kể từ khi đại dịch lan rộng.

Thanh toán trực tuyến lên ngôi

Không chỉ là cú hích làm bùng nổ mua sắm online, đại dịch Covid-19 cũng đang trở thành chất xúc tác mạnh mẽ khiến người tiêu dùng thay đổi phương thức thanh toán khi mua hàng. Nếu như trước kia, việc “mua hàng online, thanh toán offline” được ưa chuộng hơn cả thì giờ đây thanh toán trực tuyến khi mua hàng đã dần trở nên phổ biến.

Minh chứng là kết quả khảo sát thái độ thanh toán của người tiêu dùng ở Việt Nam trong đại dịch Covid-19 được Visa công bố mới đây cho thấy, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam trên thẻ tín dụng và ghi nợ Visa tăng 34% trong quý I/2021 so với quý I/2020. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử trong giai đoạn quý I/2021 tăng 5,5 lần so với quý IV/2020.

Bà Đặng Tuyết Dung – Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào chia sẻ: Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể khi người dân mong muốn những trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi hơn. Đó là lý do vì sao nhiều người lần đầu tiên sử dụng thanh toán không tiếp xúc và ngày càng nhiều công ty chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số, các xu hướng này sẽ còn được duy trì.

Thông tin từ Vụ Thanh toán (NHNN) cũng cho thấy, tính tới hết quý I/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; giao dịch qua kênh Internet đã tăng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 78% về số lượng và 103% về giá trị.

Theo ông Vũ Vinh Phú, việc thanh toán trực tuyến không chỉ đem đến sự tiện lợi mà còn đảm bảo an toàn cho cả người mua và shipper trong bối cảnh dịch bệnh, hạn chế lây lan qua việc tiếp xúc gần hay qua tiền mặt. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn được trải nghiệm quá trình mua sắm liền mạch, an toàn và tiết kiệm hơn, bởi lẽ các sàn thương mại điện tử và ứng dụng đặt đồ đang tích cực liên kết cùng nhiều nhà băng để đem đến những ưu đãi hấp dẫn cho người dùng.

Là một tài xế công nghệ, anh Vũ Văn Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc giao hàng cũng gặp nhiều rủi ro khi một ngày tài xế phải tiếp xúc với rất nhiều người, từ nơi lấy đồ đến khi giao tới tay người nhận. Việc khách hàng thanh toán tiền qua các ví điện tử hay tài khoản ngân hàng trước không chỉ bảo đảm an toàn, phòng chống dịch mà còn khiến tài xế yên tâm hơn vì sẽ tránh được tình trạng “bom hàng”.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận một điều rằng, yếu tố an toàn, bảo mật khi mua sắm và thanh toán trực tuyến vẫn là một mối quan tâm lớn nhất của người dùng và cũng là lý do nhiều người còn ngần ngại khi sử dụng. Để giải quyết vấn đề này, theo chuyên gia, về phía sàn thương mại điện tử cần tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn của mình, để tránh tình trạng người mua đã trả tiền nhưng lại nhận được sản phẩm không như ý muốn. Cùng với đó, các nhà băng cũng cần tích cực gia cố thêm về công nghệ, bảo mật, hệ thống an ninh để đem đến sự an tâm cao nhất cho người dùng.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ).

NguồnHạ Chi/Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục