Cho vơi nỗi nhớ quê hương

Giữa cơn mưa chiều đầu tháng 6, trong gian bếp nhỏ chất đầy những niêu đất thơm lừng mùi riềng, mùi cá kho đang sôi trên bếp than hồng. Ở đó, còn ngập tràn cả nụ cười hồn hậu và hạnh phúc của hai vợ chồng già người Hà Nam - khi được sống giữa hương vị quê nhà ngay trên mảnh đất Nam Tây Nguyên.

Vợ chồng ông Khiết đóng thùng từng niêu cá để gởi cho khách ở xa
Có một huyện Lý Nhân (Hà Nam) thu nhỏ ở tổ dân phố Từ Liêm 2, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Ở đó, những người con xa quê không chỉ giữ nguyên bản tính hiền lành, chịu khó, mà vượt hơn 1.000 cây số, những nồi cá kho mang thương hiệu làng Vũ Đại nổi tiếng gần xa đã được chăm chút kỹ lưỡng, cốt chỉ để vơi nỗi nhớ quê trong lòng.
Vợ chồng ông Trần Minh Khiết (sinh năm 1953) và bà Trần Thị Luyến (sinh năm 1955) đều là những cựu thanh niên xung phong. Sau những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi tham gia chiến trường ở nước bạn Lào, họ nên duyên rồi tìm vào mảnh đất Lâm Hà để xây dựng cuộc sống mới từ năm 1986. Quê ông Khiết ở thôn Đông Trụ, xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân – nơi chỉ cách làng Vũ Đại nổi tiếng trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao mỗi đồng lúa chín. Dù đã hơn 35 năm gắn bó với mảnh đất Nam Tây Nguyên, với những vườn cà phê và rừng núi, nhưng trong trái tim của vợ chồng ông, tình cảm với quê hương chưa bao giờ phai nhạt, nhất là ở nơi đó vẫn có bà mẹ già của ông Khiết năm nay đã bước qua tuổi 100.
“Những người con ly hương, có bao giờ thôi nặng lòng với những hương vị quê nhà” – ông Khiết bảo vậy, khi kể về lý do mà từ 2 năm nay, gia đình ông bắt đầu mở cơ sở cá kho Quang Đức. Mỗi chuyến về quê, được ăn món đặc sản của quê hương, con trai ông bà rất ấn tượng với hương vị thơm ngon từ món cá kho làng Vũ Đại nổi tiếng. Quyết tâm mang công thức vào cho bố mẹ, con trai ông bà như mang cả một phần quê hương vào mảnh đất Lâm Đồng.
Cá trắm đen được ướp với hàng chục loại gia vị trước khi bắc lên bếp
“Món cá kho làng Vũ Đại (Cá kho Đại Hoàng) là đặc sản nổi tiếng tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Món ăn này có từ rất lâu, do là vùng trũng nên trong làng ngày trước nhiều ao hồ. Cứ đến tết tát ao, người làng chọn những con cá trắm đen to và ngon nhất để kho theo công thức gia truyền cùng với thịt heo, gia vị gừng, tỏi, ớt, nước cốt chanh… Đặc biệt là cá được kho trong niêu đất, trên bếp lửa trong thời gian từ 16 đến 20 tiếng nên có vị thơm của lửa, vừa phảng phất những hương vị đồng quê, ăn với cơm trắng, người già, trẻ nhỏ không lo hóc xương, ai ai cũng thích”, anh Trần Xuân Khởi – con trai ông Khiết giới thiệu.
Tháng 3/2020, những nồi cá kho đầu tiên của cơ sở Quang Đức được mang đi mời họ hàng, làng xóm để điều chỉnh dần cho phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương. Mất hơn một tháng để tìm ra công thức chuẩn nhất, bây giờ, bà Luyến đã có thể thoăn thoắt nêm nếm gần chục loại gia vị mà chẳng cần cân đo đong đếm.
Trung bình mỗi tháng, ông bà sản xuất và bán được khoảng 70 niêu cá kho. Mùa tết vừa rồi, số lượng đơn tăng gần như gấp đôi, gian bếp đã phải đỏ lửa toàn bộ 10 bếp từ ngày 20 Tết để đủ công suất phục vụ khách đặt hàng.
Trong quá trình kho từ 16 đến 20 tiếng, ông Khiết phải luôn canh chừng bếp lửa
Theo ông Khiết, cá được dùng để kho phải là cá trắm đen, cá đực, có cân nặng từ 6 – 7 kg thì cá mới chắc thịt. Nồi kho cá được đặt tận làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận để giữ nhiệt tốt. Không có củi nhãn như ở quê vẫn dùng, ông bà thay thế bằng than cây cà phê. Ngoài ra, hàng chục loại gia vị kho cá đều được ông bà tự làm lấy để đảm bảo hương vị và chất lượng cho mỗi niêu cá kho. Ngay cả trái ớt, củ riềng cũng đều do ông bà tự trồng trong mảnh vườn xanh tươi cây trái bao quanh gian bếp nhỏ.
Mỗi ngày, ông bà thức dậy từ 3 giờ sáng, cặm cụi phụ nhau làm tất tần tật các công đoạn. Cá sau khi làm được rửa bằng rượu trắng để khử mùi tanh. Sau đó, lót một lớp riềng xuống đáy niêu để cá không bị cháy, lần lượt xếp cá, thịt ba chỉ, gia vị và rải bên trên một lớp riềng xay nhỏ rồi bắc lên bếp kho. Trong quá trình kho, ông Khiết bảo rằng phải luôn có người túc trực để canh lửa, chêm nước kịp thời để cá không bị cháy. Tất cả những tỉ mẩn ấy làm ra từng miếng cá kho chắc thịt, mềm xương, thơm ngon đặc biệt.
Vì tốn công như vậy, nên ông Khiết bảo rằng chẳng có giá tiền nào so sánh được với công sức bỏ ra để làm nên một niêu cá thơm ngon. Điều khiến ông bà vui nhất mỗi lần nhận được đặt hàng là đã góp phần quảng bá ẩm thực của quê nhà đến mảnh đất Nam Tây Nguyên này, để con cháu thêm tự hào về quê hương xứ sở. Bây giờ, sản phẩm cá kho của gia đình ông đã được đưa đi các tỉnh, thậm chí là nước ngoài.
35 năm gắn bó với mảnh đất Nam Tây Nguyên, ông Khiết bảo ngày mới vào đây còn là anh thanh niên 30 tuổi, vậy mà bây giờ đã là cụ già sắp tuổi 70. Một đời cần mẫn nuôi dạy 4 người con được học hành đến nơi đến chốn và thành đạt, trở thành người tử tế, đó là niềm tự hào lớn nhất của ông bà. Bây giờ, ông bà phụ nhau kho cá, còn con cái chịu trách nhiệm quảng bá lên mạng xã hội như Facebook, Zalo, phụ bố mẹ giao hàng đi các tỉnh với mong muốn có thể phát triển đặc sản của quê hương đến với nhiều khách hàng hơn trên mảnh đất này.
NguồnVIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM/ BÁO LÂM ĐỒNG
Bài cùng chuyên mục