Giá dầu dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh
Khi những thị trường như sắt thép, gỗ xẻ… nguội dần thì mặt hàng dầu lại nóng lên. Giá dầu đã tăng liên tiếp trong 5 tuần qua, hiện đạt mức cao nhất trong vòng gần 3 năm do kỳ vọng mức tăng nhu cầu sẽ vượt nguồn cung tron khi OPEC+ có thể sẽ vẫn thận trọng trong việc cung cấp thêm dầu thô cho thị trường kể từ tháng 8 tới.
Phiên cuối tuần này, giá dầu Brent đóng cửa ở mức tăng 62 US cent (0,8%) so với phiên liền trước, lên 76,18 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 75 US cent (1%) lên 74,05 USD/thùng. Cả 2 mức này đều là giá đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10 năm 2018. Với số phiên tăng giá áp đảo, tuần này giá dầu đã tăng hơn 3%, là tuần tăng thứ 5 liên tiếp.
Trên cơ sở giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, ngày 26/6, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tăng lần thứ 2 liên tiếp trong tháng 6 này, lên mức cao nhất 1,5 năm. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng thêm 752 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng thêm 712 đồng/lít; mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 19.760 đồng/lít và xăng RON 95 là 20.916 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng lên lần lượt là: Dầu diesel 16.119 đồng/lít; dầu hỏa 15.051 đồng/lít và dầu mazut 15.449 đồng/kg.
Mọi con mắt đang đổ dồn vào kỳ họp sắp tới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và các đồng minh – cùng được gọi là OPEC +, sẽ diễn ra vào ngày 1/7, để thảo luận về việc nới lỏng hơn nữa việc cắt giảm sản lượng từ tháng 8.
Giá dầu thô liên tiếp tăng gần đây do triển vọng nhu cầu được cải thiện và dự báo nguồn cung trên thị trường sẽ vẫn thắt chặt vì OPEC + có khả năng chỉ quyết định nâng một lượng nhỏ sản lượng tại cuộc họp bộ trưởng sắp tới, sẽ diễn ra vào ngày 1/7.
Mặc dù OPEC+ có nhiều cơ sở để thúc đẩy nguồn cung trong bối cảnh triển vọng nhu cầu tăng lên, song nhóm này sẽ phải xem xét là sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, được hỗ trợ bởi việc triển khai vắc-xin và các nền kinh tế mở cửa trở lại, có đủ lấn án yếu tố tiêu cực – số ca nhiễm COVID-19 gia tăng và bùng phát ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Sản lượng dầu của Mỹ cũng chưa tăng mạnh mặc dù nhu cầu và giá xăng dầu đang tăng nhanh. Các công ty năng lượng Mỹ giữ nguyên số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần này, song bổ sung thêm số giàn khoan trong tháng thứ 11 liên tiếp khi một số công ty khoan trở lại giếng khoan với giá dầu thô ở mức cao nhất kể từ năm 2018. Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ số ban đầu về sản lượng trong tương lai, ổn định ở mức 470 trong tuần tính đến ngày 25/6. Trong tháng 6 này, tổng số giàn khoan đã đạt được 13 giàn khoan, tăng tháng thứ 11 liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm 2017. Tuy nhiên, đây là mức tăng hàng tháng nhỏ nhất kể từ tháng 9 năm 2020. Tương tự, trong quý 2/2021, số lượng giàn khoan đã tăng 53, đưa nó lên quý thứ ba liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm 2018, song tăng trưởng hàng quý đã chậm lại sau khi số lượng giàn khoan tăng 66 và 90 trong quý đầu tiên năm 2021 và quý thứ tư năm 2020, tương ứng.
Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu ở Mỹ đang tăng mạnh sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Mọi người đang quay trở lại tham gia hoạt động giao thông và điều khiến dự trữ xăng dầu của nước này giảm.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần vừa qua đã giảm 7,6 triệu thùng xuống 459,1 triệu thùng, nhiều gấp đôi mức giảm 3,9 triệu thùng theo dự đoán của các nhà phân tích. Các kho dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma, điểm giao nhận dầu thô kỳ hạn của Mỹ, giảm 1,8 triệu thùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Bên cạnh đó, vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran hiện không gây lo lắng nhiều cho nhà đầu tư dầu mỏ, bởi viễn cảnh các lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ và nước này sẽ sớm bổ sung dầu mỏ ra thị trường đã mờ nhạt dần. Một quan chức Mỹ cho biết vẫn còn những bất đồng nghiêm trọng trong một loạt vấn đề về việc Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết việc thiếu một thỏa thuận tạm thời giữa cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc và Iran về việc giám sát các hoạt động nguyên tử là một mối quan ngại nghiêm trọng, và thông tin này đã được thông báo tới Tehran. Tuy nhiên, Iran đã tỏ thái độ không mặn mà với cuộc đàm phán này nữa. Được biết, truyền thông nhà nước Iran đưa tin rằng một thỏa thuận đã đạt được để loại bỏ tất cả các lệnh trừng phạt về bảo hiểm, dầu mỏ và vận tải biển do chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt, song phía Mỹ đã bác bỏ tuyên bố này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: “Trong các cuộc đàm phán phức tạp này, các nhà đàm phán đã cố gắng nắm bắt các vấn đề chính, nhưng một lần nữa, chưa có gì được thống nhất”.
Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tiêu thụ dầu toàn cầu phải đến quý 1/2022 mới về lại mức trước khi xảy ra đại dịch. Từ nay đến lúc đó, sự gia tăng tiêu thụ từ các công ty khai thác, các nhà sản xuất, các công ty vận tải biển và vận tải đường bộ cũng như ô tô tư nhân sẽ bù đắp cho vận tải hàng không tiếp tục bị kiềm chế.
EIA dự báo tiêu thụ nhiên liệu lỏng (bao gồm cả nhiên liệu sinh học) trên toàn cầu tháng 3/2022 sẽ đạt 100,6 triệu thùng/ngày, nhờ việc triển khai nhanh chóng các chiến dịch tiêm chủng vaccine ở Châu Âu và Bắc Mỹ, cũng như việc kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt ở Trung Quốc và nhiều nước Châu Á khác.
Theo EIA, ngay cả sau khi phục hồi mạnh mẽ như dự kiến, tiêu thụ toàn cầu đến cuối năm 2022 vẫn được dự báo sẽ thấp hơn 2% hoặc 2 triệu thùng/ngày so với xu hướng trước dịch bệnh. Nguyên nhân vì Covid-19 với những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh sẽ để lại một “vết sẹo” lâu dài cho thị trường dầu. Dịch bệnh khiến ngành dầu mỏ mất khoảng 30 tháng tăng trưởng sản lượng thông thường – phải hạn chế sản xuất nhưng cũng phải giữ giá dầu ở mức vừa phải để kích thích tiêu dùng. Điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng tới ngành dầu OPEC+ cũng như các công ty dầu đá phiến của Mỹ.
Tham khảo: Oilprice, Reuters