Nguy cơ gia tăng hàng hóa kém chất lượng

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk, để quản lý tốt thị trường, song song với việc kiểm tra, xử lý, đơn vị luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp...

Nhiều sai phạm bị phát hiện

Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk liên lục phát hiện các vụ mua bán hàng hóa trái pháp luật. Theo nhận định của cơ quan chức năng địa phương, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng chọn hình thức mua bán qua mạng, nhiều cơ sở kinh doanh bất chấp quy định của pháp luật bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng.

Trước diễn biến phức tạp về kinh doanh, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng và để giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng, lập lại trật tự thị trường, từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức kiểm tra 368 cơ sở, phát hiện 423 hành vi vi phạm. Qua đó, xử phạt hành chính gần 2,1 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá hơn 87 triệu đồng…

Nhờ nắm chắc địa bàn, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm

Ngày 3/6/2021, Tổ công tác Thương mại điện tử 1169 phối hợp với Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk) tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh có địa chỉ tại 81 Đỗ Nhuận, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) do ông Nguyễn Viết Lãm, trú tại phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) làm chủ cơ sở.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại địa chỉ nêu trên chứa hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng như thuốc giảm cân; siro hỗ trợ ăn ngon, ngủ ngon cho trẻ em; viên tinh nghệ sữa ong chúa; collagen; bột cần tây…; mỹ phẩm kem dưỡng da, sữa tắm, tinh dầu, thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu, son môi, bánh kẹo, ca cao…

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, hồ sơ tài liệu chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Thậm chí, chưa xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh. Qua khai thác, chủ cơ sở cho biết, nhập toàn bộ số hàng hóa này trôi nổi trên thị trường về kinh doanh chủ yếu trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Shopee và Facebook (với tên tài khoản là Thanh Trương – Chuyên mỹ phẩm giá cạnh tranh). Doanh thu mỗi tháng của cơ sở này lên tới hàng trăm triệu đồng.

Trước những hành vi trên, Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản, đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ toàn bộ số lượng hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh, làm rõ…

Hay như, trước đó, vào thời điểm 4/2021, qua công tác theo dõi, nắm tình hình hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các trang mạng xã hội, Tổ công tác Thương mại điện tử 1169 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk phát hiện tài khoản facebook có tên “Dung Ơi” đang livestream rao bán một số sản phẩm quần áo có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Sau khi xác minh làm rõ chủ sở hữu tài khoản facebook nói trên, Tổ công tác 1169 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk tổ chức kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại phường Thành Công (Buôn Ma Thuột) do ông Nguyễn Thành Minh làm chủ.

Qua công tác kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang bày bán hơn 720 bộ quần áo các loại không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Ngoài ra, kết quả kiểm tra cho thấy ông Nguyễn Thành Minh chưa thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk, là địa phương có địa bàn rộng và phức tạp, có tuyến đường Quốc lộ 14 huyết mạch chạy qua, vừa là cửa ngõ giao lưu hàng hóa của cả vùng Tây Nguyên. Vậy nên lượng luân chuyển hàng hóa trên địa bàn diễn ra sôi động. Do đó, địa phương có sự gia tăng mạnh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo cơ quan này, hiện Đăk Lăk có trên 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động, kinh doanh ở các ngành nghề, trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Hoạt động buôn lậu, mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh hàng hóa không bảo đảm các quy định của pháp luật cũng như việc vận chuyển các mặt hàng này qua địa bàn diễn ra khá phức tạp…

Theo cơ quan chức năng địa phương này, các loại hàng hóa vi phạm về nhãn mác khá phổ biến, hành vi bán hàng hóa không niêm yết, bán sai giá niêm yết vẫn còn tồn tại, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được xử lý triệt để. Đặc biệt, gần đây hình thức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, mua bán thông qua các mạng xã hội có xu hướng gia tăng. Việc kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, qua mạng xã hội càng tạo thêm thách thức cho ngành chức năng trong công tác quản lý thị trường. Bởi rất khó kiểm soát chất lượng hàng hóa kinh doanh qua mạng…

Nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 6/5/2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk ban hành Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 – 2025.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng năm, từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm trước năm 2022 về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không tái phạm; 95% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn không sản xuất, bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, đơn vị này cũng đặt mục tiêu đạt 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% Ban Quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk, để quản lý tốt thị trường, song song với việc kiểm tra, xử lý, đơn vị luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Do đó, đơn vị tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch, chiến dịch tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, khuyến cáo người dân “hãy là người tiêu dùng thông thái” chỉ nên chọn mua hàng những nơi có uy tín, đảm bảo chất lượng; tránh mua hàng hóa trôi nổi, không niêm yết giá… Khi phát hiện các cơ sở kinh doanh có hành vi bán hàng không đúng chất lượng, giá cả, mẫu mã… nhanh chóng trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn…

NguồnChí Thiện/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục