Hàng Việt “vượt bão” COVID-19 chiếm niềm tin người tiêu dùng

Đây là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm “Dịch COVID-19 kéo dài - Hướng đi nào cho hàng Việt" diễn ra ngày 6/7, tại Hà Nội. Tọa đàm do Báo điện tử VTC News phối hợp với Kênh truyền hình VTC1 – Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức.

Hàng Việt “vượt bão” COVID-19 chiếm niềm tin người tiêu dùng

Thị trường khó khăn, doanh số giảm sâu

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động thương mại trong nước và được phản ánh qua chỉ số về tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm nay đã có sự phục hồi so với 2020 nhờ vào việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tới các nhóm du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú ăn uống và các dịch vụ khác nên mức tăng trưởng chưa thể phục hồi như giai đoạn trước dịch.

Cùng chung nhận định này, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) phân tích, hiện hầu hết doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn. Doanh số sụt giảm từ 15-20%, trong đó ngành hàng điện máy giảm khoảng 30-40%, nhóm thương mại dịch vụ, hệ thống cửa hàng ăn uống, giải khát giảm 70-80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019.

“Ngoài những khó khăn về thị trường, việc mỗi tỉnh áp dụng quy định về cách ly xã hội khác nhau cũng gây nhiều khó khăn cho hệ thống siêu thị trong việc vận chuyển hàng hóa về các điểm bán. Ngoài ra, chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ cũng khiến các trung tâm thương mại, hay siêu thị gặp áp lực lớn về tài chính”, bà Vũ Thị Hậu thông tin.

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có tới gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, cùng với đó là hàng triệu lao động bị ảnh hưởng công việc dẫn đến tổng doanh thu bán lẻ chỉ tăng 4,89% so với cùng kỳ – thấp hơn nhiều so với mức 2 con số của thời điểm trước dịch bệnh.

Các khách tham gia buổi tọa đàm (Nguồn: VTCnews)

Nhiều giải pháp ứng phó mang lại hiệu quả

Trước tình hình trên, với vai trò là cơ quan đầu ngành, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, đề nghị các địa phương sớm xây dựng kế hoạch, kịch bản tiêu thụ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng, kịp thời ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh, nhằm đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ hàng hóa để hạn chế tối đa hiện tượng ùn ứ hàng hóa, đứt gãy nguồn cung phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

“Các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang xây dựng nhiều kịch bản chống chọi với dịch bệnh, các nhà bán lẻ đều phải rà soát lại hệ thống bán lẻ. Cơ sở nào phát triển tốt mới cho tồn tại phát triển tiếp. Còn cơ sở nào thua lỗ phải đóng cửa. Các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều chương trình cùng nhiều nhà sản xuất, nhất là nhà sản xuất nông sản, để không xảy ra tình trạng “được mùa rớt giá”, bà Vũ Thị Hậu cho biết.

Thị trường bán lẻ cũng ghi nhận xu hướng bán hàng online đạt mức tăng trưởng tốt. Ngày càng có nhiều nhà bán lẻ nhanh chóng nắm bắt xu hướng online hóa qua việc thúc đẩy mô hình app bán hàng trên điện thoại thì nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng lấn sân qua hình thức này.

“Thậm chí, bà con nông dân đã biết dùng công nghệ để đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử và việc bán trên các trang mạng ngày càng thân quen với người tiêu dùng. Bán hàng online có ảnh hưởng lớn đến hệ thống bán hàng offline, các doanh nghiệp cũng đã có kịch bản để ứng phó với tình hình thực tế này”, bà Vũ Thị Hậu còn khẳng định.

Bên cạnh đó, có thể nhìn thấy “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” như là một “Siêu thị hàng Việt Nam” trên các sàn thương mại điện tử được bảo trợ bởi Bộ Công Thương, sự hỗ trợ đồng hành của các Sở ban ngành địa phương đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt, nông sản Việt, tổ chức phân phối trên khắp mọi miền đất nước thông qua thương mại điện tử. Thông qua các chương trình này, hàng nghìn tấn nông sản (chủ yếu là vải thiều Bắc Giang đợt vừa rồi) đã được hỗ trợ tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử mà Bộ Công Thương đang triển khai, bà Lê Việt Nga chia sẻ.

Với hàng loạt các giải pháp được đưa ra nên gần 2 năm qua trong bối cảnh dịch bệnh COVID các sản phẩm nông sản, sản phẩm thiết yếu đều phát triển mạnh và giải quyết được đầu ra.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Hậu cho rằng, phải có chế tài cho việc thực hiện quy định và bán hàng trên tất cả các trang mạng. Vì chỉ kiểm soát chặt mới có thể đảm bảo người tiêu dùng được dùng sản phẩm tốt. Cạnh tranh phải lành mạnh, quảng cáo cũng phải đúng sự thật. Tất cả hàng hoá trên siêu thị đều kiểm tra chặt chẽ, từ giấy tờ xuất xứ đến hàng hoá bày trên kệ. Chỉ kiểm soát chặt thì mới có được những loại hàng hoá tươi, ngon. Có như vậy, hàng Việt mới tạo được niềm tin trọn vẹn với người tiêu dùng.

NguồnHương Giang/ Thời báo Ngân hàng
Bài cùng chuyên mục