TPHCM đã chuẩn bị những gì để đảm bảo hàng hóa và điều trị Covid-19?

Sở Công Thương TP HCM giải thích lý do nhiều mặt hàng tăng giá nóng. Trong khi đó các sở ngành khác tập trung chuẩn bị vật tư để sẵn sàng ứng phó.

Sở Công thương đảm bảo hàng hóa cung ứng

Theo báo cáo nhanh của ban quản lý các chợ truyền thống còn đang hoạt động tại TP HCM, giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng cao trong 2-3 ngày nay.

Ngày 9-7, giá thịt heo trung bình tại các chợ đã tăng 3.000 – 10.000 đồng/kg. Cụ thể: thịt heo đùi 168.000 đồng/kg (tăng 8.000 đồng/kg), thịt heo vai 153.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), chân giò 147.000 đồng/kg (tăng 7.000 đồng/kg), thịt ba rọi 220.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg). Giá các mặt hàng rau ăn lá, củ quả cũng tăng 10%-20%, nhất là nhóm rau ăn lá.

Giá thịt vịt, gà ta, trứng gà vịt cũng dao động ở mức cao. Cụ thể: thịt vịt 90.000 – 91.000 đồng/kg, trứng vịt loại 1 từ 32.000 – 35.000 đồng/chục, trứng gà loại 1 từ 27.000 – 30.000 đồng/chục. Trứng gà ta đặc biệt khan hiếm, hầu như không có hàng.

Lý giải nguyên nhân hàng lương thực, thực phẩm tăng giá, Sở Công Thương TP HCM cho rằng hiện nay, 2/3 số chợ trên địa bàn TP, bao gồm 3 chợ đầu mối, tạm ngưng hoạt động vì liên quan ca nhiễm Covid-19.

Những chợ còn đang mở cửa bán hàng thì tiểu thương không nhập hàng về nhiều trong khi sức mua tăng vọt trong vài ngày qua. Trong một số thời điểm khách đông, lượng hàng còn ít, tiểu thương không có kế hoạch bổ sung nguồn nên đã tự động nâng giá lên cao.

Một lý do nữa là hầu hết các thương nhân chợ đầu mối đang bán hàng qua điện thoại, phải điều chỉnh phương thức giao hàng từ xe lớn chuyển sang xe nhỏ trong khi giá xăng tăng, việc vận chuyển rau củ, thịt cá từ các tỉnh, thành về TP HCM tiêu thụ gặp khó khăn do các địa phương tăng cường kiểm soát dịch làm gia tăng chí phí xét nghiệm, chi phí thời gian… Tất cả đều tính vào chi phí giá thành nên giá bán đến tay người tiêu dùng biến động theo.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương thừa nhận những ngày qua việc mua sắm hàng hóa trở lên khó khăn hơn do 148/234 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối ở TP phải tạm đóng cửa.

“Nếu người dân đồng cảm, chia sẻ, bình tĩnh mua sắm thì chắc chắn không bao giờ thiếu hàng”, ông Phương nói.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, lượng hàng hóa dự trữ tăng gấp 2-3 lần, đảm bảo nguồn cung đầy đủ nhưng hệ thống phân phối đang bị giảm sút rất nhiều nên có sự ảnh hưởng.

Ông Phương cũng cho hay, thời gian qua giá xăng tăng, thêm chi phí về xét nghiệm khiến giá hàng hóa tăng cao. “Cầu tăng đột biến, vượt quá năng lực cung ứng thì giá hàng hóa tăng là đương nhiên”, ông Phương nói.

Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết hệ thống phân phối tuy khó khăn nhưng đã nỗ lực rất lớn. Như Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh đã nâng công suất tối đa để cung ứng cho người dân. Hôm nay, doanh thu 2 đơn vị này tăng gấp 5 lần bình thường.

Đảm bảo giường bệnh điều trị

Tại cuộc họp báo chiều 10-7, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết TP đã chuẩn bị 36.500 giường điều trị Covid-19, trong đó 6.500 giường tại các bệnh viện điều trị Covid-19 và 30.000 giường tại các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Hiện nay 4 bệnh viện dã chiến đã đi vào hoạt động, sắp tới sẽ có thêm 5 bệnh viện dã chiến đặt tại các khu chung cư do Sở Xây dựng TP cung cấp.

Về cách ly F1 tại nhà, Sở Y tế TP HCM đang triển khai đến các quận huyện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. “Sở đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để tạo công cụ giám sát các F1 cách ly tại nhà. Hiện nay đã có một số quận thực hiện thí điểm vài trường hợp như quận 3, quận Phú Nhuận” – ông Tăng Chí Thượng nói.

Trước câu hỏi TP HCM có áp dụng cách ly, điều trị tại nhà với các F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng hay không, ông Tăng Chí Thượng cho biết đó là giải pháp của các nước, còn ở Việt Nam vẫn quyết tâm phát hiện sớm F0 để điều trị tránh lây lan. TP HCM vẫn chưa có chủ trương và không kỳ vọng áp dụng biện pháp cách ly điều trị F0 tại nhà.

Ông Tăng Chí Thượng thông tin thêm biến chủng Delta có diễn biến hết sức phức tạp, có thể trong vòng 1 ngày, người không có triệu chứng đã chuyển sang diễn biến khác, vì thế ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để kịp thời ứng biến.

Cũng tại cuộc họp báo, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân cho biết sở đã chuẩn bị nguồn căn hộ dự phòng để hỗ trợ Sở Y tế.

“Hiện Sở Xây dựng TP đã chuẩn bị 32.900 giường. Trong sáng mai, TP sẽ đưa vào sử dụng 16.000 giường. Sắp tới, sở chuẩn bị thêm 6.000 giường để đáp ứng nhu cầu của ngành y tế. Như vậy, nguồn dự phòng lên đến 40.000 giường” – ông Trần Hoàng Quân cho hay.

Nguồn Đan Trường/Báo doanh nhân
Bài cùng chuyên mục