TP HCM: Tiền điện sẽ tăng cao trong đợt giãn cách xã hội
Dữ liệu của ngành điện TP HCM cho biết, lượng điện tiêu thụ của TP HCM trong những ngày đầu tháng 7 vẫn đang ở mức cao, bình quân trên 70 triệu kwh/ngày, trong đó lượng điện của khách hàng sinh hoạt chiếm khoảng 40%.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) lưu ý, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, người dân chủ yếu làm việc, sinh hoạt ở nhà nên cần chú ý sử dụng điện tiết kiệm để tiền điện không tăng cao.
Tiền điện có thể tăng vì thực hiện giãn cách xã hội
“Như đã đề cập nhiều lần, nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao là do khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị để làm mát, trong đó máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 – 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình” – Ông Kiên khẳng định.
Hóa đơn tiền điện kỳ tháng 7 (tiêu dùng điện trong tháng 6) vẫn còn ở mức cao, một phần vì thời tiết tháng 6 vẫn còn nắng nóng. Mặt khác, từ tháng 6, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và hiện nay đang áp dụng Chỉ thị 16, người dân ở nhà nhiều, đông người trong một gia đình nên sử dụng các thiết bị điện để phục vụ làm việc, giải trí, sinh hoạt, làm mát nhiều hơn.
Đặc biệt là các thiết bị làm mát sẽ được sử dụng nhiều và bản thân các thiết bị làm mát như máy lạnh cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ làm mát trong phòng. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng từ 2-3%, nhiệt độ tăng khoảng 5 độ thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Do đó, dù thời gian sử dụng máy lạnh không thay đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh vẫn tăng lên rất nhiều làm cho tiền điện hàng tháng sẽ tăng cao.
Mới đây, để giải đáp câu hỏi vì sao máy lạnh lại tốn điện hơn vào mùa nóng, Khoa Điện – Điện tử Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã xây dựng mô hình thí nghiệm về hoạt động của máy điều hòa trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Cụ thể, mô hình gồm 2 phòng có kích thước giống như nhau, lắp đặt 2 máy điều hòa inverter có cùng công suất là 1 HP, chạy thử nghiệm đồng thời trong cùng điều kiện nhiệt độ phòng như nhau (theo giá trị cài đặt từ 20 đến 28 độ C), nhưng nhiệt độ môi trường (nơi lắp đặt dàn nóng) của hai phòng lại có các điều kiện khác nhau. Phòng 1 có môi trường làm việc tự nhiên (tại thời điểm khảo sát có nhiệt độ môi trường là 280C – nhiệt độ trung bình trong các ngày mát). Phòng 2 làm việc với môi trường (nơi lắp đặt dàn nóng) có thể điều khiển được – mô phỏng cho mùa nắng nóng với các mức nhiệt độ môi trường lần lượt là 30 độ C, 35 độ C, và 40 độ C. Thời gian khảo sát gồm: 8h-11h, 12h-15h và 15h – 18h.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, hệ thống điều hòa không khí cho phòng số 2 (nơi có nhiệt độ môi trường cao) tốn nhiều điện năng hơn hẳn so với phòng 1. Thực tế, trong các ngày nóng thời gian sử dụng điều hòa không khí trung bình khoảng 12h/ngày, nên số tiêu thụ điện năng cao nhất của phòng 2 lên đến 10.720 Wh (được qui đổi theo 12h/ngày) vào thời điểm nhiệt độ môi trường 40 độ C với mức nhiệt độ phòng được cài đặt ở 20 độ C. Trong khi đó, mức tiêu thụ điện năng của phòng 1 ở khoảng 6.624 Wh (được qui đổi theo 12h/ngày) vào các ngày mát (nhiệt độ môi trường tầm 29 độ C) với mức nhiệt độ phòng được cài đặt cùng ở 20 độ C. Ngoài ra, thử nghiệm cũng cho thấy với cùng mức nhiệt độ môi trường là 40 độ C, nếu nhiệt độ phòng được cài đặt tăng lên ở 28 độ C thì mức điện năng tiêu thụ giảm chỉ còn 3.264 Wh (so với 10.720 Wh khi nhiệt độ phòng ở 20 độ C). Từ đó, có thể kết luận rằng điện năng tiêu thụ của hệ thống điều hòa không khí sẽ càng tăng khi nhiệt độ cài đặt càng thấp và ngược lại. Vào các ngày có nhiệt độ môi trường cao hơn (trời nóng hơn) thì mức tiêu thụ điện năng cũng cao hơn. Trong cùng một ngày, điện năng tiêu thụ của điều hòa vào buổi trưa sẽ cao hơn sáng và chiều, do thời điểm này trời nóng hơn.
“Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, người dân sử dụng máy điều hòa với tần suất nhiều hơn và có xu hướng cài đặt nhiệt độ làm việc cho máy thấp để làm phòng mát nhanh hơn, tránh cái nóng của môi trường. Cộng với điều kiện nhiệt độ môi trường cao, tác động trực tiếp đến dàn nóng, khiến máy lạnh hoạt động nặng nề hơn nên lượng điện năng tiêu thụ gia tăng rất lớn.”, Tiến sĩ Đinh Hoàng Bách, Khoa Điện – Điện tử Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết.
Sử dụng điện hợp lý để tiết kiệm tiền
Để hạn chế hóa đơn tiền điện trong đợt giãn cách xã hội tăng cao đột biến, Tổng công ty Điện lực TP HCM khuyến nghị khách hàng, người dân cần thật sự quan tâm thực hành tiết kiệm điện vừa giảm nguy cơ sự cố điện, vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao. Cần sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”. Hãy “Tắt khi không sử dụng”. Nên cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5 độ C) và hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà. Có thể sử dụng máy lạnh cùng với quạt để làm mát không khí trong phòng. Vệ sinh máy lạnh theo định kỳ để giúp máy lạnh hoạt động ổn định tăng khả năng làm lạnh và ít tiêu hao điện năng. Nên dùng quạt thay cho máy lạnh khi thời tiết không quá nóng. Tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao. Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên để không chỉ tiết kiệm điện mà còn rất có ý nghĩa phòng dịch Covid-19 hiện nay. Song song đó, khách hàng sử dụng điện tại TP HCM có thể tải ứng dụng “EVNHCMC CSKH” trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android) về thiết bị di động để trực tiếp theo dõi và tra cứu thông tin về điện năng tiêu thụ hàng ngày để biết rõ lượng điện tiêu thụ và có sự điều chỉnh hợp lý trong sử dụng điện.