Cần nhiều giải pháp để giữ giá

Cục Quản lý thị trường TP.HCM lập đường dây nóng để xử lý các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tăng giá

Trong những ngày qua, nhất là sau khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, hàng loạt mặt hàng rau củ quả đã tăng giá cao khiến người dân rất bức xúc.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá rau củ ở các siêu thị cũng như hệ thống Bách Hoá Xanh trên địa bàn quận 12 hiện khá cao, như bắp cải trắng giá 40.000 đồng/kg, cà chua 40.000 đồng/kg, dưa leo 40.000 đồng/kg, khổ qua 45.000/kg, hành lá 50.000 đồng/kg… Nhiều người cho biết, mức giá này cao rất nhiều so với ngày thường.

Để trả lời những thắc mắc của người tiêu dùng, phía Bách Hóa Xanh khẳng định họ không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng mình không thể giữ giá bán như trước đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân. Theo đó, hiện thời gian vận chuyển rau củ từ vùng trồng về các cửa hàng Bách Hóa Xanh gia tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng), làm tăng tỷ lệ hư hao hàng tươi sống. Chi phí nhân công cũng tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly hoặc ở trong vùng phong tỏa, không thể tiếp tục công việc. Cùng đó, là chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng ngàn tài xế giao hàng và nhân viên kho, cho hàng trăm nhân viên đi làm. Lại nữa, giá cả cũng tăng từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông…

Cục Quản lý thị trường TP.HCM lập đường dây nóng để xử lý các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tăng giá

Đại diện Saigon Co.op cũng xác nhận, giá bán một vài loại thực phẩm tại đơn vị có tăng nhẹ so với thời điểm bình thường, nhưng đây là các chủng hàng nằm ngoài danh sách hàng bình ổn, việc này cũng đã thông qua cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, hiện hầu hết các mặt hàng thiết yếu giá bán vẫn ổn định. Thực vậy, giá trứng tại siêu thị này khoảng 26.000 – 27.000 đồng/chục trứng gà nhưng giá bên ngoài đã lên 40.000 – 45.000 đồng/chục, siêu thị phải gắn bảng giới hạn số lượng, đảm bảo nhiều người mua được.

Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM khẳng định nguồn cung về TP.HCM không thay đổi, đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ đứt gãy ở khâu logistics, phân phối. Đây là hệ quả của việc đóng các chợ đầu mối và truyền thống, do hệ thống phân phối của các thương nhân bị đứt gãy, cả hai bên cung cấp và tiêu thụ đều bị thiệt hại, chỉ trung gian là hưởng chênh lệch khủng.

Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cũng cho biết, đã triển khai tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, tận dụng cơ sở vật chất của chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động bố trí mặt bằng bảo đảm quy định về phòng chống dịch, chọn 2-10 tiểu thương có kinh nghiệm mở bán rau củ quả, thịt, cá trở lại nhằm gia tăng các địa chỉ cung ứng hàng hóa, lương thực – thực phẩm thiết yếu, giảm tải lượng khách đến siêu thị, cửa hàng và bảo đảm việc cung ứng hàng hóa cho người dân.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) TP. HCM cho biết, hiện Sở đang thực hiện việc cấp giấy nhận diện phương tiện khi tạo “luồng xanh” cho xe tải chở hàng hóa. Đơn vị đầu mối chỉ cần nộp hồ sơ qua mạng. Cán bộ sẽ xem xét, trả kết quả qua mạng ngay khi hoàn tất thủ tục. Nếu hồ sơ đúng định dạng và gửi đúng trình tự (doanh nghiệp gửi qua cơ quan đầu mối để kiểm soát mục đích, lộ trình lưu thông cũng như đúng đối tượng ưu tiên) thì sẽ hoàn tất trong vòng 2 tiếng và có thể cấp tối đa 10.000 giấy/ngày. “Hiện Sở chỉ tiếp nhận hồ sơ từ các đầu mối, không nhận trực tiếp từ các doanh nghiệp. Theo đó, các đơn vị đầu mối được phân định một cách rõ ràng. Cụ thể, xe vận chuyển hàng hóa như lương thực, thực phẩm, gạo, mì, thịt, cá, trứng, sữa… doanh nghiệp thông qua đầu mối là Sở Công thương. Xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân từ các tỉnh vào TP.HCM… đầu mối là Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp. Tất cả hồ sơ đều giải quyết trong ngày”, ông Lâm nói.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng lập đường dây nóng để xử lý các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tăng giá. Theo đó, khi phát hiện tình trạng nâng giá, người dân gọi điện thoại về đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường TP.HCM là 028.39321014, của Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP.HCM là 028.39322491.

Nguồn Ngọc Hậu/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục