Chợ online sôi động mùa giãn cách
Các ứng dụng giao đồ ăn, dịch vụ đi chợ hộ, app mua hàng online đã trở thành “cứu cánh” cho nhiều gia đình trong bối cảnh hạn chế đi lại, tụ tập nơi đông người, đặc biệt là ở những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Đơn hàng online tăng mạnh
Thay vì chen lấn ở siêu thị đông người làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, các chợ tự phát cũng đã phải đóng cửa để phòng chống dịch, nhiều người đã lựa chọn việc “đi chợ” bằng cách lướt điện thoại mỗi ngày.
Chị Hà Thị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết khá bất ngờ vì khi mở một ứng dụng giao đồ ăn, các tiệm tạp hóa nhỏ xung quanh khu vực nhà chị đều đã xuất hiện. Hiện giờ ngay cả một gói muối hay chai nước mắm cho đến thịt, hoa quả, hải sản… chị cũng dễ dàng mua qua ứng dụng này. Theo đó, sau khi đặt khoảng 30 phút là đã có đồ để sửa soạn cho bữa ăn gia đình.
Ở nhà trông cháu nội nghỉ học vì dịch, bà Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết đã từ vài tháng nay, bà không còn phải đi ra chợ hay siêu thị để mua đồ. Chỉ cần lên thực đơn mỗi ngày, con gái sẽ đặt đồ trên ứng dụng và thanh toán trực tuyến, bà chỉ cần xuống nhận. Trước kia nếu như cách 2-3 ngày phải đi siêu thị một lần sau đó cấp đông để nấu mỗi ngày thì hiện nay, chỉ cần đặt đồ trực tuyến là sẽ có thực phẩm tươi ngon để nấu ăn từng bữa.
Ngoài tính năng tiện lợi, nhanh chóng, mua hàng online cũng được coi là phương thức mua sắm an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Theo khảo sát, nhiều cửa hàng tại Hà Nội tuy không trong diện phải đóng cửa nhưng cũng đã chuyển 100% sang kênh bán hàng trực tuyến. Số lượng đơn hàng online tại nhiều cửa hàng, siêu thị cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Đơn cử như hệ thống AEON Việt Nam, từ cuối tháng 5 khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên cả nước, số lượng đơn hàng qua các kênh trực tuyến của siêu thị này đã tăng đột biến. Cụ thể chỉ tính riêng tháng 6, số lượng đơn hàng qua GrabMart tăng gần 4 lần, qua ứng dụng AEON tăng đến 7 lần so với tháng 5. MM Mega Market cũng ghi nhận đơn hàng online tăng 15 lần; các chuỗi VinMart, VinMart+ số đơn hàng online tăng hơn 50%; Lottemart cũng tăng 500%…
Chủ một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho biết, kể từ đầu tuần khi Hà Nội bắt đầu dừng các dịch vụ không thiết yếu, các ca nhiễm trong cộng đồng cũng xuất hiện trở lại, đơn hàng online tăng gấp đôi, có ngày gấp ba so với thời gian trước. Cửa hàng này phải bổ sung thực phẩm thường xuyên, đặc biệt là rau xanh, thịt, cá… để phục vụ khách hàng.
Một số tiệm tạp hóa nhỏ trước kia vốn không biết đến bán hàng online hay ứng dụng giao đồ nay cũng đã bắt đầu mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, app đặt hàng trực tuyến. “Sau khi được hướng dẫn khoảng 2-3 lần là tôi có thể dễ dàng sử dụng app để nhận các đơn hàng. Việc bán hàng trực tuyến không chỉ đảm bảo an toàn trong mùa dịch mà cũng giúp tôi có thêm một kênh để quảng cáo sản phẩm, doanh thu trong thời gian giãn cách không giảm mà còn có phần nhỉnh hơn thường ngày”, chủ một tiệm tạp hóa trên đường Vạn Phúc (Hà Đông) chia sẻ.
Thanh toán trực tuyến được ưa chuộng
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm, chị Hoàng Bích Ngọc (Long Biên, Hà Nội) cho biết luôn sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến khi đặt đồ. Khi shipper đến giao hàng, chị không cần tiếp xúc trực tiếp mà chỉ cần dặn shipper để đồ tại cổng. Việc này không chỉ bảo vệ an toàn cho cả người giao lẫn người nhận trong bối cảnh dịch bệnh mà còn giúp chị Ngọc được hưởng nhiều ưu đãi đến từ ứng dụng đặt đồ.
Theo khảo sát trên một số ứng dụng phổ biến được nhiều người sử dụng như: VinID, GrabMart, Now Fresh, Foody… tất cả các app này đều có vô vàn ưu đãi dành riêng cho phương thức thanh toán qua thẻ, ví điện tử. Cụ thể, khách hàng sẽ được chiết khấu từ vài chục cho tới cả trăm nghìn khi thanh toán trực tuyến tùy theo giá trị của đơn hàng. Một số người dùng cho biết có thể tiết kiệm cả triệu đồng nếu sử dụng ví điện tử hay tài khoản ngân hàng để thanh toán khi đặt đồ.
Không chỉ vậy, đối với các shipper, việc người mua thanh toán trực tuyến còn giúp họ an tâm hơn khi chắc chắn sẽ không gặp tình trạng “bom hàng” vì đã được thanh toán trước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc giao nhận đồ và trả tiền trực tiếp sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cũng khiến nhiều người giao hàng e ngại.
Để có thể giúp người dân vừa có thể thanh toán tiện lợi và chi tiêu tiết kiệm trong mùa dịch, các nhà băng cũng tích cực tung ra nhiều ưu đãi với kênh thanh toán online. Đơn cử như với thẻ tín dụng VIB đang có các ưu đãi như hoàn tiền 100.000 đồng cho hóa đơn Co.opmart/Co.opXtra/Cooponline.vn từ 1 triệu đồng; Giảm giá 50.000 đồng cho đơn hàng TIKINGON & G-Kitchen; Giảm giá 30.000 đồng cho đơn hàng Now Fresh, các ưu đãi mua sắm trực tuyến khác như: Giảm thêm 100.000 đồng cho đơn hàng Shopee, Lazada từ 800.000 đồng… Sacombank cũng đang triển khai chương trình khuyến mãi đến 200.000 đồng cho mỗi đơn hàng đặt trực tuyến thanh toán bằng thẻ của ngân hàng này trong tháng 7.
Để khuyến khích người dân đặt hàng và thanh toán online, ZaloPay cũng dành ưu đãi giảm 50.000 đồng khi đặt hàng Big C/GO hoặc Co.opmart trên Zalo, thanh toán với ZaloPay, cho đơn hàng từ 500.000 đồng trở lên.
Hiện nay, các ví điện tử cùng nhiều ngân hàng khác cũng đang tích cực tung nhiều ưu đãi để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch bệnh.
Các chuyên gia nhận định, thói quen mua sắm và tiêu dùng của người dân đã thay đổi mạnh mẽ dưới tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là sự bùng nổ của mua sắm và thanh toán online. Đây chính là thời điểm vàng để các đơn vị cung ứng có thể nhanh chóng hoàn thiện dịch vụ, bắt kịp thị hiếu của người dùng để tạo đà bứt phá mạnh mẽ.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)