TP.HCM:​​​​​​​ Hơn 400 trạm y tế lưu động để xét nghiệm COVID-19 cho shipper

Ngày 30/8, TP.HCM đã bố trí hơn 400 trạm y tế lưu động tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19 cho các shipper công nghệ để bắt đầu hoạt động trở lại tại 8 "vùng đỏ".

Theo đó, nhằm tạo điều kiện cho lực lượng vận chuyển, phân phối hàng hóa (shipper) được tham gia hoạt động, đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân TP.HCM trong giai đoạn thực hiện giãn cách, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, UBND TP.HCM đã cho nhóm đối tượng này được phép hoạt động (từ ngày 30/8 đến ngày 6/9/2021).

Các đơn vị sẽ bố trí trạm y tế lưu động trên địa bàn các phường, xã, thị trấn để xét nghiệm cho shipper. Thời gian xét nghiệm từ 5 giờ 00 đến 6 giờ 00 hàng ngày. Cho phép shipper được di chuyển từ 4 giờ 30 để đến điểm xét nghiệm.

Ảnh minh họa

Các đơn vị sẽ xét nghiệm theo phương thức xét nghiệm nhanh theo mẫu gộp 3 người. Tần suất đối với shipper tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn là 2 ngày/lần; Đối với shipper tại các quận, huyện còn lại định kỳ 3 ngày/lần.

Trạm y tế lưu động kiểm soát shipper bằng cách tra cứu thông tin shipper trên hệ thống tra cứu trực tuyến thông tin shipper theo đường dẫn.

Đối với nhân viên hệ thống phân phối, các đơn vị này chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm nhanh cho toàn bộ nhân viên tham gia làm việc trong thời gian giãn cách định kỳ 3 ngày/lần.

Sở Công Thương TP.HCM cũng đã công khai danh sách hơn 400 trạm y tế lưu động tại 312 phường, xã, thị trấn (phân theo từng quận, huyện, TP.Thủ Đức và có địa chỉ cụ thể) để shipper xét nghiệm được thuận tiện nhất.

Theo tính toán của Sở Công Thương TP.HCM, trong tổng số khoảng 17.449 shipper đã tiêm vắc-xin mũi 1 trên địa bàn 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức tính đến 0 giờ ngày 28/8, dự kiến TP.HCM có thể huy động được 25.000 shipper tham gia vận chuyển, giao nhận hàng trong thời gian TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội.

UBND TP.HCM cũng thống nhất ngày 30/8 giao Công an TP.HCM cấp bổ sung cho Sở Công Thương khoảng 20.000 giấy đi đường cho nhân viên hệ thống bán lẻ để bổ sung thêm lực lượng chuẩn bị đơn hàng và thực hiện các gói combo, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân (các nhân viên được cấp giấy đi đường phải đảm bảo điều kiện đã được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng, chống COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp.

Nguồn Ngọc Hậu/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục