Bánh ú tuổi thơ

Những năm tháng xa xưa nghèo khó, những chiếc bánh ú, bánh dừa của bà tôi nuôi sống mấy miệng ăn...

Ảnh minh họa

“Bánh ú đây! Ai ăn bánh ú nóng hổi không?”.

Đó là tiếng rao quen thương mà mỗi buổi sáng đi làm tôi đều nghe được. Tiếng rao phát ra từ một góc phố cũ, nơi đó có người già ngồi khúm núm bên đôi quang gánh đầy những bánh ú, bánh dừa… với nỗi buồn thoáng hiện lên trên nét mặt nhiều nếp gấp.

Tôi thấy lòng mình nhói lên mỗi khi đi ngang qua góc phố có cụ già bán bánh ú. Trừ những hôm sợ trễ, những lần còn lại tôi đều cố chạy xe thật chậm để nhìn ngắm những chiếc bánh ú xinh xinh, để xót xa cho phận đời của cụ già bán bánh trời mưa vẫn cố trùm tấm nilon lên người ngồi thu lu dưới mái hiên, đôi lần tôi cũng dừng xe lại mua giúp cụ vài chiếc bánh, nói vu vơ vài câu, cười với cụ mà lòng nhói… rồi tôi đi.

Ngày xưa nội tôi cũng từng lam lũ gói từng chiếc bánh ú như thế rồi chèo xuồng đi bán rong xóm. Nhà tôi ở miệt sông nước nên người mua kẻ bán đa phần bằng xuồng ghe, những chiếc xuồng con, nâu trầm rẽ nước xong len lỏi vào những xóm xa xôi heo hút. Bóng dáng của bà tôi đã gắn chặt với dòng sông ấy, mùa mưa, tháng năm, mái chèo của bà vẫn vỗ nhịp sóng sông xa, tiếng rao của bà cứ cất lên cùng thời gian mưa nắng. Những chiếc bánh ú, bánh dừa theo bà tôi trên hành trình sông nước…

Những năm tháng xa xưa nghèo khó, những chiếc bánh ú, bánh dừa của bà tôi nuôi sống mấy miệng ăn. Chiều bà lôi cây cù móc đi móc lá tre, đêm bà ngồi tỉ mẩn gói từng chiếc bánh ú, giấc ngủ của bà tôi cũng chập chờn bởi lẽ bà phải thức để canh cho nồi bánh chín đều, hễ lửa tắt hay nước cạn là bà tôi lại trở mình thức giấc để mồi lửa, châm nước. Dáng bà ngày một gầy gò, còng xuống. Bình minh chưa lên là bà tôi đã xếp bánh ú vào trong mẹt rồi bưng xuống xuồng, bắt đầy một chuyến hành trình xuôi ngược dòng sông cùng tiếng rao hàng chảy trôi vào lòng tôi tự thuở nào không biết. Tôi thương nhất là những ngày trời mưa, bà tôi phiêu dạt trên sông, người ta thường nói đò giang sông nước là chốn hiểm nguy, thế mà bà tôi phải lặn lội một mình, tay chèo, miệng rao, người ướt sũng bất chợt run lên vì lạnh.

Những ngày hè không phải đến lớp, tôi thường xin bà đi cùng. Tôi nhớ lắm những lúc ngồi trước mũi xuồng vọc nước, bà ở phía sau khua mái chèo vỗ nước, khi thì rao hàng, thoảng lại kể chuyện cổ tích hay hát Vân Tiên cho tôi nghe. Những ký ức đó tôi không bao giờ quên – những kỷ niệm vô giá của tuổi thơ, của những ngày nghèo khó nhưng tôi được sống ấm êm bên bà, được bà yêu thương, được bà che chở. Bên gánh bánh ú của bà, tôi đã lớn lên cả về thể xác lẫn tâm hồn, tôi nhìn thấy nỗi cơ cực của bà mình để rồi thương, rồi nhớ, rồi cất giữ những hình ảnh ấy vào tận sâu trong lòng mình, không thể nào quên.

Rồi một ngày tôi phải xa quê, con đường đời rẽ trăm nghìn lối khác. Tôi xa bà, xa gánh bánh ú thơm thơm, xa những ngày nắng tháng mưa, xa chiếc xuồng con có bóng hình người bà lưng còng chèo chống để kiếm từng miếng cơm manh áo. Thành phố xa hoa quá, cơ man những món bánh ngon lạ, bắt mắt, thế sao tôi cứ mãi nhớ về chiếc bánh ú thơm dẻo của bà tôi. Nhớ lắm! Tôi nhớ dáng bà hiền lành, nhớ con sông quê mình êm đềm chảy, nhớ chiếc xuồng của bà chèo đi bán bánh giờ chắc đã “nghỉ hưu” như bà tôi. Tôi đau lòng khi bà không còn đủ sức phiêu diêu trên sông cùng tiếng rao quen thuộc. Thời gian khiến lưng bà tôi ngày một thêm còng, mắt bà tôi ngày thêm yếu.

Bà ơi! Tháng năm có đổi thay, thành phố có xa hoa, nhiều niềm vui, nhiều tiếng nói cười. Nhưng con không bao giờ quên bà và quê hương của mình, chỉ khi con ở bên bà giữa chốn hiền lương an bình ấy con mới được là chính con, mới được vui vẻ, được thỏa sức nói cười mà không phải lo toan, mệt nhoài trong cuộc mưu sinh gian khó…

NguồnHoàng Khánh Duy/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục