Co.op Food mang hàng bình ổn giá đến từng khu chung cư

Các "Chuyến xe mua chung - Bình ổn giá" luôn ưu tiên cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm, các loại lương thực, thực phẩm tươi sống, gia vị với giá bình ổn thị trường để chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân

Đều đặn khoảng 1 tuần nay, mỗi ngày 2 chuyến xe buýt của Công ty TNHH MTV Thực phẩm Saigon Co.op (Co.op Food) chở thực phẩm, nhu yếu phẩm đến giao cho các đầu mối mua chung tại các khu chung cư ở TP HCM.

“Đi chợ hộ” kiểu mới

Chị Thanh Hải, cư dân của tòa nhà Parkson Hùng Vương (quận 5), rất hài lòng khi nhận đơn hàng của Co.op Food. “Thông qua group chung cư, tôi đặt thịt heo, trứng vịt, một số loại rau lá cùng gia vị, bột giặt… Từ lúc đặt đến lúc nhận hàng khoảng 2 ngày, hàng đem về mở ra thấy rau cải tươi xanh, bảo quản kỹ nên không gói nào bị dập. Thịt, trứng thì bảo quản riêng, hàng tẩy rửa, vệ sinh cũng để riêng. Nói chung là cửa hàng rất chăm chút” – chị Thanh Hải vui vẻ kể và cho biết trước đó, chị từng rất khó chịu vì đặt hàng “đi chợ hộ” tại 1 hệ thống cửa hàng khá lớn nhưng khi nhận hàng thì thất vọng tràn trề vì “họ giao cả đồ héo, úng cho khách”.

Bà Võ Thị Ngọc Hường, Chủ tịch Công ty Co.op Food, cho hay những chuyến xe buýt mang tên “Chuyến xe mua chung – Bình ổn giá” được chuỗi Co.op Food đưa vào vận hành từ ý tưởng làm sao đưa hàng hóa, thực phẩm đến với khách hàng nhanh hơn, hiệu quả hơn trong điều kiện TP HCM tăng cường giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó”, cũng nhằm giảm tải cho chính quyền địa phương, lực lượng quân đội trong công tác “đi chợ hộ”.

“Chuyến xe mua chung – Bình ổn giá” của chuỗi Co.op Food sẽ cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm với giá bình ổn để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân Ảnh: Hải Ly

Điểm mới của mô hình mua chung này là có bổ sung thêm khâu vận chuyển giao hàng tận nơi và sắp xếp hàng hóa một cách khoa học, để việc kiểm đếm, phân bổ hàng hóa đến tay người dân được nhanh chóng, chính xác hơn. Theo mô hình mới này, lực lượng địa chỉ cần cử đầu mối tổng hợp thông tin và chuyển đơn hàng cho Co.op Food, thay vì vừa phải tung lực lượng trực tiếp đi siêu thị mua từng đơn hàng cho người dân, vừa phải tổ chức vận chuyển và đưa hàng hóa đến từng hộ dân.

Sau khi nhận được đơn hàng, Co.op Food sẽ soạn và hẹn giao hàng tận nơi, đầu mối mua hàng chỉ cần phân phối đến các hộ dân trong khu vực. Với cách làm này, không những tiết giảm được lượng nhân sự, thời gian cần thiết cho các đầu mối mua chung, mà còn góp phần giảm mạnh nguy cơ lây nhiễm chéo khi tập trung đông người soạn hàng ở siêu thị, cũng như tổ chức vận chuyển cồng kềnh, thiếu shipper và giúp giải quyết tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mùa dịch, thông qua hình thức giao hàng số lượng lớn bằng xe buýt.

Sẽ duy trì, mở rộng các chuyến xe mua chung

“Mô hình “Chuyến xe mua chung – Bình ổn giá” của chuỗi Co.op Food sẽ ưu tiên cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm, các loại lương thực, thực phẩm tươi sống, gia vị với giá bình ổn thị trường để chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân” – bà Hường chia sẻ.

Cũng theo bà Hường, mô hình đang triển khai hiệu quả tại các khu chung cư và khu dân cư có quy mô vừa với tần suất giao hàng cho cả khu vực từ 1 đến 2 lần/tuần, tùy theo nhu cầu cụ thể. Thời gian xử lý đơn hàng mua chung tại hệ thống Co.op Food và các điểm bán hàng trực thuộc Saigon Co.op trung bình khoảng 2 ngày.

“Thực tế, cùng là TP HCM nhưng có khu vực tập trung dày đặc siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm… nhưng có khu vực chỉ có 1-2 cửa hàng, thậm chí không có cửa hàng nào nên việc đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa, thực phẩm của người dân trong bối cảnh “ai ở đâu ở yên đó” trở nên khó khăn hơn. Trong điều kiện không thể tổ chức bán hàng lưu động cho bà con, Co.op Food đã tính toán và triển khai liên kết với các ban quản lý chung cư hoặc phường, tổ dân phố để nhận đặt hàng. Chúng tôi tập hợp đơn hàng, khi đủ số lượng thì mang tới giao” – bà Hường cho biết.

Nhân viên Co.op Food đang soạn các đơn hàng mua chung

Hiện Co.op Food tập trung liên kết, bán hàng theo mô hình “Chuyến xe mua chung – Bình ổn giá” chủ yếu liên kết phục vụ khách hàng tại các khu vực đang phong tỏa. “Chúng tôi chọn xe buýt vì không gian rộng, thoáng, sau khi chất hàng hóa lên xe thì vẫn còn đủ chỗ cho nhân viên cửa hàng ngồi, vừa bảo đảm hàng hóa không bị nhồi nhét làm ảnh hưởng chất lượng, vừa bảo đảm an toàn cho nhân viên” – bà Hường nói về lý do chọn vận chuyển hàng bằng xe buýt.

Được biết, chuỗi cửa hàng Co.op Food sẽ duy trì hoạt động bán hàng theo hình thức mua chung, điều xe buýt đi giao tận nơi đến hết năm 2021. Hiện hệ thống này vẫn vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần công tác kết nối, tổ chức vận hành lẫn lưu thông hàng hóa để bảo đảm hiệu quả phục vụ tốt nhất có thể.

Theo đại diện Co.op Food, “Chuyến xe mua chung – Bình ổn giá” sẽ ưu tiên cho các khu vực có siêu thị, cửa hàng thực phẩm tạm đóng cửa do F0 hoặc chưa có hệ thống phân phối hàng thực phẩm. Chương trình này sẽ được chuỗi Co.op Food thực hiện khắp các địa phương TP HCM và trước mắt đã nhận được đơn đặt hàng của một số đầu mối tại các quận 5, 7, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Chánh, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức với số lượng mỗi điểm từ 200 – 400 đơn hàng.

Các đầu mối có thể liên hệ phối hợp đặt hàng “Chuyến xe mua chung – Bình ổn giá” qua số tổng đài của chuỗi Co.op Food 1900 5555 68 hoặc liên hệ trực tiếp số điện thoại 0909.662.806 (khoa-tn@coopfood.vn).

Rau, thịt là hàng tươi mới mỗi ngày

Một điểm ít khách hàng nào chú ý là các chuyến xe giao hàng buổi sáng của Co.op Food đều khởi hành từ giữa giờ sáng, khoảng 9 giờ 30 – 10 giờ chứ không thể sớm hơn.

Giải thích lý do các chuyến xe không thể xuất phát sớm hơn, đại diện Co.op Food cho biết các cửa hàng đang thực hiện đúng quy định của hệ thống là bảo đảm giao cho khách hàng sản phẩm tươi sống mỗi ngày. “Theo quy trình, khi tiếp nhận đơn hàng, cửa hàng sẽ lập file exel để thống kê và tiến hành soạn đơn. Cửa hàng cũng phân công nhân sự liên lạc với khách hàng trong trường hợp đơn hàng bị thiếu 1 vài món hoặc tư vấn khách chọn sản phẩm thay thế. Với mặt hàng tươi sống, nhân viên phải chờ đầu giờ sáng, hàng mới được nhập về để tiến hành chia đơn hàng. Chúng tôi còn bố trí quầy thanh toán riêng cho các đơn hàng mua chung này để phân bổ nguồn lực, không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ các đơn hàng “đi chợ hộ” khác” – đại diện Co.op Food cho hay.

NguồnMinh Nhi/ Người Lao động
Bài cùng chuyên mục