Rút ngắn thời gian tiêm mũi 1 và mũi 2 vaccine Covid-19 AstraZeneca

Theo khuyến cáo trước đây, khoảng cách tiêm mũi 1 và mũi 2 vaccine Covid-19 AstraZeneca là 8-12 tuần thì nay được rút ngắn còn 4 tuần.

TP.HCM vừa có kiến nghị Bộ Y tế xem xét để cho phép rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 AstraZeneca.

Về điều này, đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia vừa cho biết: khoảng cách giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca được khuyến cáo từ 8 – 12 tuần để tăng tỷ lệ đáp ứng miễn dịch, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể thực hiện tiêm mũi 2 với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.

Như vậy, khuyến cáo về khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 AstraZeneca có thay đổi. Tuy nhiên, với các vaccine khác chưa có khuyến cáo mới.

Theo Bộ Y tế, khoảng cách tiêm giữa hai mũi của các vaccine Covid-19 là không giống nhau. Cụ thể, vaccine Covid-19 AstraZeneca, mũi 1 cách mũi 2 tối ưu từ 8-12 tuần. Vaccine Covid-19 Sputnik V, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần. Vaccine Pfizer, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần. Vaccine Sinopharm, mũi 1 cách mũi 2 từ 3-4 tuần. Vaccine Moderna, 2 mũi cách nhau 28 ngày.

Tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC

Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết những khuyến cáo về mốc thời gian giữa 2 mũi tiêm mà các nhà sản xuất đưa ra là khoảng cách lý tưởng nhất, trong bối cảnh nguồn vaccine luôn sẵn và dồi dào.

Tuy nhiên, trong tình trạng thiếu vaccine trên toàn cầu như hiện nay, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo về khoảng cách 2 mũi tiêm của nhà sản xuất, cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực bảo vệ của mũi 2. Đặc biệt, người dân không cần phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine.

Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 12/9, cả nước đã tiêm được 29.280.307 liều vaccine Covid-19 trong đó tiêm 1 mũi là 23.954.248 liều, tiêm mũi 2 là 5.326.059 liều.

Đối tượng trì hoãn và thận trọng khi tiêm vaccine Covid-19

Cũng theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine Covid-19 mới nhất, được Bộ Y tế ban hành ngày 10/9, có 3 nhóm đối tượng trì hoãn tiêm vaccine Covid-19.

Đó là người có tiền sử rõ ràng bị Covid-19 trong vòng 6 tháng; Người đang mắc bệnh cấp tính và Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.

Còn những người chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19 là người có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine Covid-19 cùng loại ( trong lần tiêm trước) hoặc người có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng bao gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; Người có bệnh nền, bệnh mạn tính. Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu. Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên;

Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (Nhiệt độ dưới 35, 5 độ C và trên 37,5 độ C, mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút, huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg hoặc trên 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc trên 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế), nhịp thở > 25 lần/phút).

Trước đó, ngày 8/9, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2.

Theo đó, nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Khuyến cáo theo dõi sức khỏe sau tiêm vaccine Covid-19 của Bộ Y tế. Ảnh BYT
Bài cùng chuyên mục