Giá nhiều trái cây nhích dần sau khi TPHCM mở lại chợ đầu mối
Sau khi TPHCM mở lại các chợ đầu mối (Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn…), nhu cầu tiêu thụ trái cây đã tăng trở lại, giá nhiều loại bắt đầu khởi sắc sau chuỗi ngày ảm đạm.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh đến giá nhiều loại rau củ, quả tại các tỉnh phía Nam. Tại Lâm Đồng, giá bình quân một số loại rau trong tháng 8 giảm so với tháng 7 như: bắp cải 3.200 đồng/kg (giảm 1000 đồng/kg); ớt chuông 11.000 đồng/kg (giảm 1.000 đồng/kg); xà lách 3.100 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg).
Trong khi đó, giá một số loại trái cây tăng trở lại. Cụ thể, giá xoài cát chu tại An Giang ở mức 10.000 đồng/kg (tăng 2.000đ/kg so với tháng 7); tại Vĩnh Long là 18.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg); tại Tiền Giang là 21.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg).
Giá thanh long cũng tăng nhẹ. Tại Tiền Giang, mức giá bình quân của tháng 8 đạt 20.000đồng/kg/kg đối với thanh long đỏ và 15.000 đồng/kg đối với thanh long trắng (tăng 2000-3000 đồng/kg). Bên cạnh đó, giá chuối xanh ở mức 7.000 đồng/kg và 8.700 đồng/kg đối với chuối xiêm, tăng lần lượt là 1.700 – 2.700 đồng/kg/kg so với tháng trước đó.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An cho biết, việc các địa phương nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương lái đi thu mua, nông dân thu hoạch nông sản. Giá thanh long đã bắt đầu nhích lên, trên mức 10.000 đồng/kg.
Đặc biệt, sau khi TPHCM mở lại các chợ đầu mối (Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn…), nhu cầu tiêu thụ đã tăng trở lại, khiến giá nhiều loại trái cây khởi sắc. Hiện, đã có xe ở TPHCM xuống địa bàn thu mua. Nhiều địa phương cũng đã sẵn sàng chuẩn bị kế hoạch, phương án khôi phục sản xuất sau ngày giãn cách xã hội.
Theo Bộ NN&PTNT, trong quý III, do vẫn chịu tác động của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ trái cây ở trong nước vẫn ở mức thấp, đạt khoảng 257.618 tấn. Tuy nhiêu, nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ trái cây quý IV dự kiến tăng lên 347.785 tấn. Trong tháng 9, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có khoảng 400.000 tấn trái cân cần tiêu thụ, và từ giờ đến cuối năm có khoảng 1,7 triệu tấn.
Ngày 13/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép, gây khó khăn, cản trở lưu thông đồng thời yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp. Trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán.