Thơ ấu dưới trăng quê

Thế rồi đêm trung thu cũng đến, trăng tròn vành vạnh tựa như quả bóng khổng lồ và huyền ảo trên nền trời đầy những bí ẩn gọi mời...

“Tôi lại về thăm lại mảnh quê xưa

Dòng sông chảy có rặng dừa soi bóng

Năm tháng trôi, đời tôi bao biến động

Nay lại về “úp mặt sông quê” (*)

Dấu yêu nào chợt sống dậy trong tôi

Đêm trăng hiền từ, tiếng đồng dao con trẻ

Bánh ngọt, trà thơm, rước đèn, phá cỗ

Tôi cuộn tròn thơ ấu dưới trăng quê”.

Dòng sông nhỏ uốn khúc giữa những bãi bồi hoa cỏ. Con sông quê êm đềm chất chứa bao ký ức đẹp của tuổi thơ tôi bây giờ đang đắm say dưới ánh trăng. Ở quê, đêm nào tôi cũng được ngắm trăng. Rảnh rỗi, đám trẻ con chúng tôi lại tụm năm tụm bảy ra bờ sông ngồi xem mặt trăng đêm nay tròn hay khuyết, ngửa cổ lên tìm cái quầng màu xám xịt giữa mặt trăng mà chúng tôi hay bảo nhau rằng: đó là chú Cuội, đó là Hằng Nga. Tuổi thơ êm trôi với bao câu chuyện cổ tích thật đẹp. Những câu chuyện ấy tựa hồ như dòng suối mát lành tự dưng chảy vào trong tâm hồn thơ trẻ của chúng tôi.

Ảnh minh họa

Mẹ tôi thường không cho tôi ra bờ sông ngắm trăng vào ban đêm, mặc dù đi cùng tôi có nhiều cu cậu khác nữa. Học bài xong, tranh thủ lúc mẹ loay hoay dọn dẹp mấy thứ linh tinh trong bếp và ngâm đậu nấu chè chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai, tôi len lén xách cây đèn con bước ra khỏi nhà. “Điểm hẹn” là gốc cây còng bên bờ sông, chỗ cái bãi bồi với một doi đất thoi loi ra ngoài sông lý tưởng để chúng tôi tâm tình, chuyện trò ríu rít. Có hôm, cuộc “trốn nhà” trót lọt, nhưng cũng có hôm tôi bị mẹ bắt tại trận, mẹ cầm cây roi đứng trước hiên nhà nhìn tôi đăm đăm. Tôi vừa sợ, vừa tủm tỉm cười. Mẹ không bao giờ đánh tôi, chỉ mắng tôi một trận cho chừa cái tôi trốn nhà đi chơi đêm. Biết tôi lém lỉnh nên mẹ nghĩ ra câu chuyện về loài Ma Da ở dưới sông…

Thế rồi đêm trung thu cũng đến, trăng tròn vành vạnh tựa như quả bóng khổng lồ và huyền ảo trên nền trời đầy những bí ẩn gọi mời. Trung thu ở quê đơn giản lắm, không trống, không kèn, không Lân, không pháo. Chỉ một cái lồng đèn ông sao cha tỉ mẩn ngồi làm, dán giấy bóng kiếng xanh đỏ, vài ba viên kẹo hoặc năm nào khấm khá hơn thì mẹ cho thêm bánh pía, bánh in mà thành đêm trung thu ngọt ngào… Thế giới tâm hồn của chúng tôi chứa đầy ca dao, cổ tích, là ánh trăng vàng, là tiếng hát vút cao tận trời mây, là âm vang trẻ con nói cười rộn rã, cái xóm nhỏ êm đềm bên dòng sông bao nhiêu năm vẫn chẳng hề thay đổi, biến thiên.

Những mùa trung thu thanh bình như thế đi qua, chúng tôi ngày một lớn lên, mang trong lòng tình yêu quê nhà da diết. Từng vạt cỏ quê hương, bóng còng trổ bông rụng hồng cả một khoảng đất, cái doi đất gắn liền với câu chuyện huyễn hoặc về loài Ma Da, những vuông sân… tự lúc nào đã hóa tâm hồn tôi để rồi tôi nhớ, tôi thương mỗi lần đi đâu xa và hạnh phúc mỗi khi được trở về nằm trên cỏ xanh nhìn mây trời hiền lành trong trẻo.

Bao nhiêu năm xa quê, tôi sống trong cảm xúc nhớ thương và mãi hoài về một miền quê xa tít. Cuối cùng tôi cũng trở về được quê nhà của mình ngay ngày trung thu trăng sáng.

Tôi bước qua giàn khổ qua bà tôi trồng trước sân. Trong nhà đã lên đèn, mùi trà, mùi bánh thơm dịu nhẹ. Trăng đã vàng ửng góc trời quê. Tôi len lén bước vào trong nhà ôm mẹ tôi từ phía sau mà nước mắt chứa chan, chảy ướt cả vai áo mẹ tôi tự hồi nào không biết. Ngày xưa mẹ ôm tôi vào lòng, giờ đây tôi dang vòng tay ôm của mình ra ôm lấy mẹ để nhận ra mẹ tôi không còn trẻ nữa, mẹ tôi đã gầy còm và sương gió làm phai màu mái tóc mẹ dấu yêu…

(*) Lấy ý từ ca từ bài hát “Khúc hát sông quê” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

NguồnHoàng Khánh Duy/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục