Dè dặt mua bán trong vùng xanh

Phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, một số chợ dân sinh ở vùng xanh cũng đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ghi nhận trên thực tế thì việc mua bán tại các chợ, còn khá dè dặt cả về phía người bán lẫn người mua...

Sau nhiều nỗ lực, những ngày gần đây TP. Đà Nẵng đã dần kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Các biện pháp nới lỏng đang được chính quyền thực hiện sau một thời gian dài giãn cách xã hội. Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung một số biện pháp để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thành phố sẽ nới thêm một số hoạt động trong vùng vàng và vùng xanh. Sau khi, hơn một nửa xã, phường toàn thành phố đã qua hơn 14 ngày không có ca mắc trong cộng đồng.

Trong đó, đối với vùng xanh, chính quyền thành phố cho phép các siêu thị, chợ truyền thống được bán hàng trực tiếp cho người dân. Mỗi hộ gia đình được đi siêu thị hoặc đi chợ 3 ngày/lần. Ngoài ra, chính quyền cũng cho phép mở các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh; cơ sở phát hành xuất bản phẩm, văn phòng phẩm, cửa hàng máy vi tính, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng và vật tư nông nghiệp…

Người dân mua sắm tại một điểm bán hàng lưu động ở quận Sơn Trà

Phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, một số chợ dân sinh ở vùng xanh cũng đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ghi nhận trên thực tế thì việc mua bán tại các chợ, còn khá dè dặt cả về phía người bán lẫn người mua… Sau thời gian tạm dừng hoạt động, chợ Phước Mỹ, nằm trên địa bàn phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà thuộc vùng xanh đã tổ chức họp trở lại. Theo đó, chợ được hoạt động từ 6-11 giờ sáng hàng ngày. Tiểu thương được ban quản lý chợ cấp thẻ tiểu thương, có giấy đi đường do UBND quận cấp, xác nhận về tuyến đường và thời gian được phép đi từ nhà đến nơi buôn bán tại chợ và ngược lại. Người mua hàng là đại diện hộ gia đình, có thẻ QRcode đi chợ do chính quyền địa phương cấp.

Để bảo đảm an toàn hoạt động, đặc biệt công tác phòng chống đại dịch Covid-19 công tác kiểm soát phòng, chống dịch được đặt lên hàng đầu. Theo đó, tại chợ thiết lập 2 chốt kiểm soát việc ra, vào chợ gồm các lực lượng như, công an, dân quân, dân phòng, đoàn thanh niên và nhân viên quản lý chợ… Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ, để bảo đảm an toàn, tăng cường công tác phòng dịch, trước đó lực lượng chức năng đã tổ chức tổng dọn vệ sinh toàn chợ, phun nước sát khuẩn toàn bộ khu vực lối đi nội bộ và các khu vực kinh doanh… Tuy triển khai nhiều biện pháp, nhưng nhìn chung nhiều người tiêu dùng vẫn còn e dè khi đi chợ. Số lượng người đi chợ cũng còn rất ít. Hầu hết các quầy hàng chỉ đón vài chục lượt khách vào mua sắm.

Tương tự, như ở chợ Phước Mỹ tại các chợ thuộc vùng xanh trên địa bàn thành phố số lượng người đi chợ vẫn còn khá thưa thớt. Mặc dù, tại các chợ này công tác phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu. Đơn cử như tại chợ Hàn, sau khi được phép hoạt động trở lại các tiểu thương chủ yếu kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, cá, thịt… Các hộ kinh doanh đeo tấm chắn giọt bắn, quầy bán hàng giăng dây giữ khoảng cách và sử dụng màn chắn ni lông. Mặc dù, số lượng người tiêu dùng đi chợ còn ít, song ban quản lý các chợ vẫn tăng cường kiểm tra giám sát được lượng người. Khi vào cổng yêu cầu đảm bảo thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù còn khá dè dặt với việc đi chợ dân sinh, song nhiều người dân thuộc vùng xanh trên địa bàn thành phố lại lựa chọn đi mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động do doanh nghiệp tổ chức ngay tại các khu dân cư. Tại các điểm bán hàng lưu động này, hàng hóa khá phong phú. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ hàng ngày. Bà Cao Thị Dục, trú tại phường Phước Mỹ chia sẻ, nếu đi chợ phải có thẻ, phải đi đúng ngày, chưa kể ra đó tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm bệnh… Thay vào đó, gia đình tôi thời gian gần đây vẫn mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động. Ở đây hàng hóa đa dạng, mua gì cũng có, đặc biệt là gần nhà, ít người mua bán nên cũng yên tâm hơn trong thời điểm dịch giã như hiện nay.

Tương tự, như các chợ trong vùng xanh, các cửa hàng kinh doanh, đại lý dịch vụ ăn, uống được bán mang về, nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng… đã mở cửa hoạt động trở lại, song việc mua bán cũng đang rất thưa thớt. Dù được phép mở cửa phục vụ bán mang về nhưng nhiều nhà hàng, quán ăn vẫn không mặn mà với việc kinh doanh trở lại. Nguyên nhân chính là tâm lý dè chừng của người mua lẫn người bán. Theo quyết định của UBND TP. Đà Nẵng, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các phường, xã vùng xanh trên địa bàn có thể hoạt động trở lại và chỉ được phép bán mang về. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay tại nhiều cửa hàng vẫn trong cảnh “cửa đóng, then cài”.

Bà Nguyễn Bích Thủy, chủ một đại lý tạp hóa trên đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà cho biết, nếu mở cửa hàng ra, sẽ phải tiếp xúc với nhiều người, nếu không cẩn trọng sẽ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Bởi vậy, tôi quyết định tạm nghỉ thêm một thời gian nữa, chờ đến khi thực sự an toàn mở cửa hàng buôn bán trở lại. Trên thực tế, với tâm lý ngại dịch, sợ để xảy ra dịch bệnh gây ảnh hưởng, thiệt hại cho cộng đồng cũng như cho gia đình nên nhiều chủ cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh chấp nhận mất thu nhập, tiếp tục tạm nghỉ kinh doanh để cùng với cộng đồng phòng chống đại dịch.

Bên cạnh, tâm lý sợ dịch bệnh thêm một nguyên nhân khiến nhiều chủ kinh doanh trong vùng xanh ở Đà Nẵng chưa mặn mà với việc kinh doanh trở lại còn do nguồn hàng thiếu hụt. Nhiều chủ đại lý, sau khi bán hết số hàng dự trữ từ thời điểm trước dịch, đến nay đều rơi vào cảnh đứt gãy nguồn cung. Đặc biệt, là những mặt hàng thiết yếu, được mua nhiều trong thời gian giãn cách vừa qua như, mì ăn liền, sữa, nước mắm, cá hộp, thịt hộp… Trong khi đó, các đơn vị cung ứng cũng đang gặp khó khăn, khi không có hàng để cung cấp xuống các đại lý ở trong các khu dân cư. Nguyên nhân vẫn do việc vận chuyển lưu thông hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn giữa các địa phương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

NguồnNghi Lộc/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục