Bạn tôi, ngày ấy – bây giờ

Hắn xách xô nước đi ra vườn. Lẩm bẩm: “Bạn với chả bè, không có miếng mà cho vô miệng rồi ngồi đấy mà bạn với bè. Không đi đâu cả, mày đi chớ chết với ông.”

Ở trong nhà, Trang sụt sùi: “Anh nói thế mà nói được à? mấy năm nó mới về, em qua thăm xem nó ốm, mập ra sao. Học với nhau từ hồi cởi truồng, sao lại không sang thăm nó chứ?”

– Tao nói rồi đấy, mày đi thì đi luôn đi. Đi qua đó mà sướng à?

Ấm ức mà không biết làm sao, Trang chỉ còn biết khóc. Biết tính chồng, Trang không dám cãi lời. Qua nay, ngọt có, nhạt có nhưng chồng Trang vẫn không thay đổi. Tính hay hờn ghen và võ mồm nhiều khi làm Trang bị tổn thương, nhưng quen rồi. Chấp nhận.

…..Trang, Lài, Liên, Tuyết… bốn đứa bạn thân chơi với nhau từ hồi nối khố, đứa nào cũng cực, gia đình làm nông nên thuở niên sơ cho đến khi trưởng thành, bàn tay lao động chai sần ra. Cái xứ nghèo, quanh năm lam lũ ấy không làm những cô bé học trò, tóc khét nắng thôi theo đuổi ước mơ. Tuyết bị cấm học, vẫn sống chết để được đến trường, Trang bị bố đánh và đập hết xe nhưng cô cũng lao ra mà để nói với bố rằng: chỉ có học con mới có thể sống ở đất này. Ngăn cảm, cấm đoán không được, 2 gia đình đành chấp nhận. Còn Lài, mẹ mất từ năm lớp Bốn, nhà năm anh em, bố quyết định ở vậy để lo cho các con. Lài là con thứ ba trong gia đình, hai anh chị bỏ học từ rất sớm. Lài là người đầu tiên trong gia đình theo học hết cấp ba. Thời đi học, Lài cũng đắn đo không biết có nên học tiếp không?

Còn Liên, may mắn hơn cả vì được gia đình định hướng cho học hành.

Thế nhưng, sự đời không phải chỉ có ước mơ thì sẽ làm nên chuyện. Họ – Những con người ấy đều không thoát ra được cùng gánh nặng của mẹ cha: nỗi lo cơm áo, gạo tiền.

Nhìn chúng bạn có cả một khoảng thời gian để ôn luyện, đi học thêm và ít ra ngoài giờ học trên lớp cũng có một chút không gian để vui đùa… Đằng này, bốn cô gái đến từ xứ nghèo, quanh năm hết lúa, rồi đến hoa màu… mùa nào thức ấy, quần quật ngoài đồng như những “cố nông chi điền” thực thụ…

Thường thì một ngày của bốn đứa gần giống nhau. Sáng 6 giờ đi học, 12 giờ về đến nhà, cơm nước qua loa là lao ra cùng những cánh đồng màu. Mùa nắng cho đến mùa mưa, Xuân, Hạ, Thu, Đông… có đủ, đều chứng kiến cái cảnh làm đến tận 10 giờ đêm và 1 giờ sáng hôm sau dậy sớm để mang hàng lên chợ bán. Suôn sẻ thì có mặt ở nhà lúc 4 giờ sáng, còn ế thì… có hôm phải nghỉ học…

Cuộc sống là thế, nên ước mơ của các cô gái cũng rất đỗi tự nhiên. Học để lui đi cái bộn bề, học để được tiếp tục vui chơi như chúng bạn, và học để mong về một ngày mai… Lại nói thêm, bốn đứa chơi thân, thì Tuyết với Trang lúc nào cũng là những cái tên được xướng lên và đánh dấu cuối cùng, quá hạn trong những kỳ đóng tiền học phí. Thậm chí, có hôm còn trốn học vì sợ thầy nhắc tên, và những ánh mắt của các bạn. Vì thế những lúc có dịp gặp nhau bốn đứa kể về ngày xưa mà không khỏi trào nước mắt.

Bốn đứa cùng nuôi ước mơ vào đại học. Mùa thu năm ấy (2000) nhìn bạn bè cùng lứa nô nức kéo nhau lên giảng đường, bốn cô gái không khỏi chạnh lòng và có một chút hờn ghen. Trang bảo:

– Giá như mình có điều kiện. Tuyết thì thực tế hơn:

– Có công mài sắt, có ngày nên kim. Chúng mình có ôn luyện gì đâu mà mong có thành tích. Và kết quả đó là tất yếu: cuộc đời không phải chỉ có ước mơ, mà cần phải hành động để đạt được ước mơ đó.

Sau lần ấy, Lài khép lại ước mơ bước tiếp. Thương bố, thương hai em còn đang tuổi đến trường, anh trai thì đi xa, còn chị gái thì đã lấy chồng. Lài như một người mẹ, một người chị cả, đồng hành cùng các em, giúp bố dạy dỗ các em để mong đời nó sẽ khá hơn. Sự hy sinh của một người chị, những nghĩ suy, trằn trọc làm Lài như già đi trước tuổi nhưng không hề phai nhạt ánh mắt của niềm hy vọng: Rồi đây hai em sẽ thực hiện tiếp ước mơ của mình.

Còn Trang, chán nản cùng với áp lực từ gia đình, bố mẹ lại hay cãi nhau… Trang khăn gói vào miền Nam lập nghiệp, không một dòng tin cho bè bạn, không một lần về suốt 5 năm. Bạn bè cách xa từ đó. Tuyết, dường như tâm sự riêng không bao giờ cô để ba mẹ buồn, không một lời than vãn, cô lao vào công việc của gia đình, chợ búa, đồng áng. Và không lâu sau, cô theo chân người chú họ (20 năm gia đình chưa gặp lại) lên đường vào một nơi xa, nơi mà cô chỉ được biết đến đất đỏ bazan, đến các loại cây công nghiệp và cả giống đào lộn hạt qua môn Địa lý…

Nhào nặn ở miền rừng, nơi phố huyện lưa thưa vài căn nhà gỗ ẩm mốc, lác đác vài bóng đồng bào dân tộc Cơ Tu. Gia đình chú đã là quá xa lạ với cô, nhưng cuộc sống lại còn mang đến cho cô nhiều lẽ tủi hờn. Những ngày đi gỡ dây thép gai, san bằng những hố bom còn sót lại, lên đồi Đá, phát nương và khai thác lại những nương mà đồng bào làm cằn cỗi xong bỏ đi, nhặt củi, trồng điều…cỏ cả phê và cả đi nhặt phân bò, cô mới thấm thía một điều rằng: Cuộc sống luôn là những đối mặt.

Mỗi sáng, thức dậy từ 2 giờ sáng với những nồi rượu to, và chăm sóc gần 20 con lợn cũng như nấu cơm cho khoảng bảy người ăn. Mọi thứ phải xong trước 6 giờ sáng để còn kịp lên rẫy (vì trời Tây Nguyên khoảng giữa trưa rất nắng). Áo trắng học trò, qua những con đường đất đỏ, những bánh xe trâu và cái nắng Tây Nguyên rực lửa như trở thành cũ kỹ, trở thành câm lặng. Cô miệt mài với những vườn cà phê… những giọt nước mắt lăn dài, nỗi nhớ nhà luôn thôi thúc cô đi tìm một phương hướng mới…

Cô đón nhận mọi thứ xung quanh, không sợ vất vả, không sợ đối mặt nhưng cái âm u của núi rừng về đêm, loang loáng đâu đây vài căn nhà gỗ với những ngọn đèn dầu, tiếng muỗi kêu, tiếng tắc kè và cả một bầu trời huyền bí làm cô sợ.

Nỗi cô đơn làm cô không chịu đựng được và những suy nghĩ về ngày mai: cô có thể tồn tại ở vùng đất này chăng? Quyết định rời xa lũy tre làng vào nơi đây là một táo bạo đối với Tuyết, bố mẹ cản, nhưng cô vẫn quyết tâm đi tìm vùng đất mới. Có lẽ vì nguyên nhân, cái nghèo và cả sự mặc cảm với chúng bạn.

… Rồi Liên lên Hà Nội học trung cấp kế toán. Tuyết sau những ngày cô đơn, những ngày với chốn rừng thiêng, cô vào Sài Gòn như một cuộc chạy trốn. Trang vẫn ở Bình Dương, và tuyệt nhiên Sài Gòn với Bình Dương không là quá xa đối với hai người bạn thân, nhưng có một khoảng cách vô hình làm hai người chần chừ chẳng muốn tìm nhau.

Tháng năm như một khúc ca, đủ cung bậc. Và cuộc đời của bốn cô gái dường như không thoát ra khỏi những cung bậc đó. Bặt tin nhau, cái xa xôi làm con người ta nhớ nhà, nhưng để trở về là một điều không hề đơn giản. Khi có ý thức tự lập, cả Tuyết và Trang đều không muốn gia đình phải lo lắng. Hàng tháng cố gắng chắt bóp để có thể giúp cha mẹ, nghĩ đến mỗi chuyến xe về tốn kém, và cả những ngày nghỉ không lương… làm tăng thêm sức chịu đựng.

… Những khoảng lặng… Tuyết là người lấy chồng sớm nhất trong bốn đứa, không một lời mời những cô bạn thân. Cuộc sống khép lại tháng ngày mong muốn trở lại quê hương, Tuyết ở lại Sài Gòn. Và cũng không lâu sau, lần lượt Lài, Trang và cuối cùng là Liên… đò cũng đã sang sông.

Mỗi đứa một cuộc đời, mỗi con người là một số phận. Không ai giống ai nhưng khi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, cuộc sống là bài toán thì họ lại nhớ về nhau, lại đi tìm những khoảng lặng của tâm hồn. Lài ở lại quê hương, như một sợi dây liên lạc và cập nhật những thông tin về bạn bè, làng xóm. Khi điện thoại trở thành phổ biến, bốn cô gái liên lạc với nhau và trong lòng không khỏi những trách móc, những sụt sùi.

Cuộc sống như một quy luật. Trang lấy chồng cùng quê nhưng khác huyện. Thương yêu ngày đầu không đủ làm hai người có thể chia sẻ với nhau những lo toan, khó khăn của cuộc sống. Những bất đồng, những hờn ghen, và cả cái nóng vội vươn lên làm cho gia đình ngột ngạt… Trang khóc, những giọt nước mắt hối tiếc về những điều không làm được, những tiếng thở dài…

Mang con gửi về ngoại, Trang quay lại làng quê của những năm tuổi thơ và làm công nhân cho một xí nghiệp giày da. Mỗi khi có dịp tụ họp bạn bè, Trang mặc cảm và không dám đến. Nếu có ai đó gọi điện động viên, Trang chỉ cười, nụ cười của người phụ nữ bước sang tuổi băm đầy đắng cay và đầy chịu đựng.

Một lần nữa Trang thấm thía: “Hạnh phúc phải chăng chỉ là một nỗi đau và cả sự hối tiếc?”

Liên lấy chồng muộn hơn cả, nhưng cuộc sống kinh tế cũng rất khó khăn. Học xong trung cấp kế toán Liên xin về xã làm, thu nhập năm trăm ngàn đồng một tháng không thể bù đắp được cuộc sống, Liên quyết định xin vào làm giày da cùng với Trang. Tuy nhiên, chồng Liên là người tâm lý và Liên vẫn là đứa vô tư nhất trong nhóm nên những tiếng cười hồn nhiên vẫn đâu đó rạng ngời mỗi lần bạn bè xum họp.

Lài thì cười nụ cười của sự thỏa mãn, chúng bạn cùng làng không đi học mấy người bằng Lài. Chồng Lài thương vợ, tâm lý và hay động viên Lài tham gia sinh hoạt với cộng đồng cho vui, những buổi gặp bạn bè vì thế cũng thoải mái hơn và quan trọng Lài biết hài lòng với những gì mình có.

Tuyết ở lại đất Sài Gòn, thành phố năng động làm cô phải vươn lên. Cô bé nhút nhát, cậy răng không nói nửa lời ngày xưa bỗng trở nên mạnh mẽ vô cùng. Bên ngoài như một tảng băng khi quyết định điều gì đó nhưng bên trong là cả một cơn sóng với chữ hiếu và nghĩa nặng tình quê: chỉ có những ai đi xa mới biết quê hương quan trọng và ý nghĩa thế nào.

Thương trường như một món ăn đam mê và đầy khô khan, cô lao vào đôi khi thấy mình gậm phải đá. Và cô tìm đến ngày xưa qua những trang viết, những điệu vần gần giống như thơ. Cảm xúc như một liều thuốc giúp cô có thêm nghị lực. Và như ai đó nói, trong bốn đứa chơi thân, ngày xưa, hôm qua và hôm nay, Tuyết dường như vẫn là người may mắn và quyết đoán hơn cả. Không biết có phải vì may mắn hơn các bạn không mà cô lúc nào cũng cảm thấy xót xa cho bạn mình, cái nhớ ngày xưa như dồn lên và mỗi lần về cô đều muốn gặp gỡ hết những người bạn đấy. Được đi chơi chung với nhau, được ôn lại ngày xưa và được nhìn thấy những nét hồn nhiên còn xót lại đâu đây trong những bộn bề.

Tuyết lại về… những chuyến về quê nhiều hơn… bạn bè có dịp gần nhau nhiều hơn… và Trang cũng muốn đến chơi với Tuyết và các bạn. Nhưng ngày mai là Tuyết đi rồi, Trang vẫn không thể gặp. (Tuyết muốn đến nhà thăm Trang, nhưng Trang bảo chồng không muốn bạn bè của cô đến nhà…). Lực bất tòng tâm, Trang gọi điện nói có lý do nên không đến được…

Tuyết vào Nam, lòng đầy băn khoăn với cuộc đời bạn. Nhiều câu hỏi được đặt ra, có câu Tuyết tự trả lời được, có câu không. Và Tuyết nhận ra rằng, cuộc đời mỗi con người đôi khi là những khúc sông. Trang là khúc sông với nhiều ghềnh thác hiểm trở… và mỗi người là một số phận. Tuyết bật máy gọi điện cho Trang, cũng chỉ mong chia sẻ với bạn nhiều hơn nhưng những lời của Trang làm Tuyết không khỏi xót lòng: “Trang chắc sẽ ly dị.”…

Hạnh phúc ngắn ngủi vậy sao? Trang bảo không còn tình thương với nhau nữa, và những khổ đau mà anh ấy gây ra cho Trang đã vượt khỏi sức chịu đựng. Giải thoát cho nhau là cách tốt nhất để cả hai có những ngày vui đúng nghĩa. Buồn mà không biết phải khuyên bạn thế nào.

Bảy năm qua với bạn qua lời kể của hàng xóm là những lần ôm con trốn chồng về với mẹ vì những trận đòn thừa sống thiếu chết, là những câu chửi bới lông tìm vết, xúc phạm nguồn cội… Bảy năm, người chồng ấy với những nghiện ngập sạt cửa, sạt nhà. Tuyết khóc giọt nước mắt của cô mằn mặn, nhưng cô biết ở nơi quê hương, máu tim bạn đang rỉ từng hồi.

Bốn cô bạn thân, bốn ước mơ và bốn cuộc đời khác nhau. Ai giờ đây cũng đang vất vả với cuộc mưu sinh của mình. Tuyết cũng không ngoại lệ. Nhưng hàng ngày cô vẫn được ngồi trên máy tính, được xả stress bằng những câu thơ, được giao lưu và được khẳng định mình. Còn các bạn của cô, một khoảng lặng cho riêng mình dường như là khó khăn, dường như là cái gì xa xôi lắm.

Tuyết gọi điện cho bạn: Lài, Liên cũng muốn lên diễn đàn, nhưng mỗi lần lên diễn đàn là phải vào quán net, mà mỗi lần vào quán net thì những ánh mắt của những người lao động… quê hương vẫn còn đó những “nếp lề, quê thói” và những lời bàn tán không khỏi xao lòng. Cả cái cảm giác tự ti như tràn ngập trong đầu bạn…

Thế đấy! Tuổi học trò đẹp biết bao nhiêu, có những vất vả mang theo nhưng khi bước vào cuộc sống riêng ta mới biết được xung quanh ta, có bao người, có bạn bè ta – có những người vẫn đi tìm một ước mơ, nhiều khi là giản đơn thôi nhưng không phải ai cũng may mắn có được.

Và tôi, ước mơ lớn nhất là mong cho bạn tôi ngày ấy – bây giờ, mỗi cuộc đời đều gặp được những may mắn, được hưởng hạnh phúc thật sự và cuộc sống luôn là những niềm vui!

Theo chaugiang82 (diễn đàn k9295hoanghoa2.net)

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục