Ông Bảy phi công trong lòng người dân Đồng Tháp

Ngày 23/9, người dân Đồng Tháp không khỏi bàng hoàng khi hay tin, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy, phi công từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ, đã qua đời vào lúc 21 giờ ngày 22/9, thọ 83 tuổi.

Vẫn biết không ai có thể vượt qua quy luật sinh – lão – bệnh – tử của đời người, thế nhưng, sự ra đi của ông Bảy phi công là một sự đau xót, bàng hoàng tột độ với những ai đã gắn bó với ông. Bởi những ân tình của ông dành cho mọi người tại quê nhà (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) vô cùng sâu đậm, nghĩa tình. Mọi người ở đây kể cho chúng tôi rất nhiều chuyện về ông, nhưng cái cốt lõi là sự mộc mạc, chân tình của một Đại tá về hưu mà hiếm người nào có được một phong thái như vậy!

Nói đến đây, thím Bảy Bút, nước mắt giàn giụa kể rằng: ‘‘Khi hay tin dữ từ đêm qua, tôi với ông nhà thức trắng một đêm, trằn trọc có ngủ được đâu. Nhà tôi cứ như thiếu vắng một thành viên. Có lẽ là một thói quen sinh học, đúng 4 giờ sáng là tôi đã nghe tiếng bước chân của ông Bảy lẹp xẹp từ bên cầu bước qua rồi lớn tiếng nói: Bảy Bút ơi, thức đi chợ! Hôm nay, vợ chồng tôi cứ mong ngóng nhưng vô vọng rồi…!’’.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy nắm tay dẫn cựu phi công Mỹ Marshall L.Michel III vào nhà mình. Ảnh: NHƯỠNG HOÀNG

Còn chú Bảy Bút thì thẫn thờ ngồi tại cái bàn quen thuộc, mà sáng nào chú cũng ngồi với ông Bảy để uống cà phê, hàn huyên tâm sự mọi thứ trên đời, từ chuyện làm ăn đến lối sống sao cho thấu tình đạt lý với bà con chòm xóm. Chú nhớ như in sở thích của ông Bảy là uống cà phê sữa đá mỗi sáng, rồi mới uống trà. Chú nhìn về cái ghế ông Bảy hay ngồi mà ứa lệ!

Chú Bảy nói tiếp: ‘‘Ngày đưa linh cữu ông Bảy về Hội trường UBND huyện Lai Vung, gia đình chúng tôi sẽ xin cho cháu ngoại của tôi nghỉ học một ngày để đi viếng ông Bảy. Mấy ngày trước, ổng còn cho cháu ngoại tôi 1 triệu đồng để mua 2 cái bảo hiểm, bởi ổng thương và xem cháu ngoại tôi như cháu của ổng vậy đó!’’.

Xóm giềng ai cũng biết linh cữu của ông Bảy đang được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM), nhưng từ ngày hôm qua đến nay, nhiều người vẫn cứ ngóng trông, chạy vô ra chờ ông Bảy trở về để được nhìn mặt ông lần cuối trước khi ông về với đất mẹ.

Anh Nguyễn Nhứt Linh, ngụ tại khóm 4, thị trấn Lai Vung, xúc động nói: ‘‘Mới hôm trước ông Bảy còn cho tôi mấy chục con cá lau kiếng, kêu tôi luộc sả để chiều nay nhậu! Nay tin dữ đến bất ngờ quá, tôi không thể tin được, lời nói của ông Bảy cứ văng vẳng, vang vọng đâu đó trong tâm thức tôi!’’.

Theo người dân địa phương, cái nghĩa, cái tình của ông Bảy đối với xóm này quá lớn. Nay ông Bảy ra đi đột ngột làm nhiều người từng gắn bó với ông không khỏi bàng hoàng. Trước đây, hễ ai gặp khó khăn cần sự giúp đỡ của ông thì ông Bảy rất nhiệt tình. Chỉ tay về con đường bê tông mới toanh, bà Sáu nói: ‘‘Con đường này trước đây thấp lắm, sình lầy khi mưa, đi bộ còn không được huống chi chạy xe. Nhờ ông Bảy vận động xã hội hóa nên mới có đường đẹp để đi, điện để xài, nước sạch để uống đó. Tấm chân tình của ông thật sự quá lớn, nói mãi cũng biết khi nào mới hết mấy chú ơi!’’.

Thật vậy, khi những người con của Đồng Tháp nói chung, người dân Lai Vung nói riêng đã vô cùng xúc động, biết ơn sâu sắc sự đóng góp của ông cho đất nước, cho tỉnh nhà. Dù rằng, do những nguyên nhân khách quan không thể có mặt ở quê hương, nhưng nhiều người ở xa không về kịp đã “mượn” mạng xã hội để bày tỏ sự tiếc thương, sự ngưỡng mộ về ông Bảy phi công, cũng như tin rằng ông Bảy vẫn sống mãi trong lòng người dân Đồng Tháp. Nhiều dòng trạng thái được chia sẻ: “Thế là quê hương Đồng Tháp mất đi một người con ưu tú, một vị anh hùng của dân tộc Việt Nam. Cầu mong bác an nghỉ ở cõi vĩnh hằng”.

Một nickname khác: “Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt cụ, một người con Việt Nam vĩ đại, một con người Việt Nam tiêu biểu cho truyền thống yêu nước anh hùng, tinh thần đấu tranh bất khuất – trung kiên, sắt son với Tổ quốc, với nhân dân”.

Còn một bạn trẻ đã thốt lên rằng: “Niềm tự hào của lớp trẻ chúng con khi được là người đồng hương của ông! Kính chúc ông an yên!”.

Đầu tháng 9/1969, trong những ngày đau thương của cả dân tộc khi Bác Hồ qua đời, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy có một vinh dự lớn là được Quân chủng Phòng Không – Không quân chọn tham gia đứng canh bên linh cữu Bác Hồ. Trong 2 ngày đêm cùng đồng đội thay phiên nhau canh trực bên linh cữu Người, ông phải tự động viên thật bản lĩnh để đứng nghiêm, không biểu lộ cảm xúc, trong khi trong lòng nước mắt trào dâng trước mất mát đau thương tột cùng. Ngày 9/9/1969, cũng chính ông là người lái chiếc MIG 17, dẫn đầu biên đội bay thấp trên Quảng trường Ba Đình để chào vĩnh biệt Người.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy được mệnh danh là người có cuộc đời gắn liền với con số 7: “Tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay MIG 17, được phong Anh hùng năm 1967…”.

Theo Tín Huy/ SGGPO

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục