Từ cậu bé chăn bò tới “máy dội bom” V-League

Hà Minh Tuấn không phải tên tuổi nổi bật của bóng đá Việt Nam nhưng lại được nhắc tới nhiều khi dẫn đầu danh sách Vua phá lưới V-League 2019.

Thích đi chăn bò vì được đá bóng

“Tôi cầm quân 6 trận thì 5 trận Tuấn ghi bàn. Nếu cứ chơi với phong độ như hiện tại, cậu ấy chắc chắn có suất lên tuyển”, HLV Vũ Hồng Việt của Quảng Nam nói như đinh đóng cột khi nhận xét về cậu học trò ở đội bóng mới.

Quả đúng như vậy, 5 trận liền ở V-League 2019, tiền đạo của Quảng Nam đều nổ súng, giúp anh vươn lên dẫn đầu danh sách Vua phá lưới với 7 lần lập công. Với các CĐV xứ Quảng, Hà Minh Tuấn chẳng hề xa lạ khi anh gắn bó cùng đội bóng áo xanh từ năm 2015. Nhưng trên bình diện bóng đá Việt Nam, anh không phải tên tuổi lớn và ít được chú ý, cho tới khi liên tục ghi bàn trong thời gian qua.

Hà Minh Tuấn trong màu áo Quảng Nam

Sinh ra, lớn lên ở vùng núi Đại Lộc, Quảng Nam, gia đình Tuấn cũng như hầu hết gia đình địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cuộc sống rất chật vật. Nhưng cái nghèo không thể giết chết tình yêu bóng đá của tiền đạo sinh năm 1991 cùng đám bạn trong làng.

Chiều nào lũ trẻ cũng rủ nhau ra quần thảo cùng quả bóng nhựa trên bãi đất trống đầu làng. Miễn cưỡng có thể gọi đây là sân bóng bởi theo mô tả của cầu thủ đang chơi ở V-League, hai đầu được cắm mấy cọc tre để làm gôn.

Để mỗi chiều được đá bóng, Tuấn đã xung phong nhận nhiệm vụ chăn bò thay anh trai. “Nhà tôi nuôi lúc nhiều nhất 5-6 con bò. Tôi thích chăn bò bởi như vậy có thể đi đá bóng hàng ngày mà không phải xin phép. Chiều xuống, lúc những con bò no cỏ là lúc tôi được thỏa thích lăn lộn trên sân. Tôi còn nhớ, có lần sơ ý không buộc dây dắt nên có 2 con bò đi theo đàn nhà người khác. Nhá nhem tối đá xong giật mình thấy mất bò, lúc đó sợ lắm nhưng chẳng biết làm thế nào, đành dắt những con còn lại về nhà. May sao, khi tôi vừa về tới cổng thì người ta cũng mang bò đến trả, cứu tôi một bàn thua trông thấy. Thế nhưng vẫn bị bố mẹ mắng một trận ra trò”.

Những buổi chăn bò, đá bóng kéo tuổi thơ cậu bé vùng sơn cước lầm lũi trôi đi. Tưởng chừng tương lai cậu cũng sẽ giống những thế hệ đi trước, sớm rời quê hương để mưu sinh. Nhưng bước ngoặt cuộc đời đã đến năm anh 15 tuổi.

Một người bác họ ở Đà Nẵng gọi điện nói CLB SHB Đà Nẵng đang tuyển sinh. Cần phải nói thêm rằng, thời điểm đó bóng đá Quảng Nam còn rất hoang sơ nên cơ hội cho những cậu bé đam mê như Tuấn theo con đường chuyên nghiệp là cực nhỏ.

Được sự ủng hộ của gia đình, chàng trai trẻ một mình bắt xe đò vào Đà Nẵng. Ban đầu CLB không nhận bởi độ tuổi tuyển sinh là 10-11 tuổi trong khi Tuấn đã 15. Sau đó, tiền đạo quê Đại Lộc xin được vào thử chân. Thấy ánh mắt đầy khao khát của cậu, các thầy không nỡ từ chối và họ đã bị cậu thuyết phục. “Được nhận vào tập nhưng giai đoạn đầu với tôi vô cùng khó khăn bởi các đồng đội đều ăn tập cách đó mấy năm. Ngoài thể lực tốt cùng sự quyết tâm trên sân, kỹ thuật tôi bị hổng rất nhiều. Thế là sau các buổi tập chung, tôi vẫn nán lại tập thêm để tự hoàn thiện mình. Vào cùng tôi cũng có thêm hai người bạn quá lứa nhưng cả hai đều ‘rụng’ sau một thời gian ngắn, chỉ tôi trụ lại được”.

Nước mắt chảy xuôi

Nỗ lực không ngừng nghỉ của chàng trai xứ Quảng giúp anh tiến bộ không ngừng. Chỉ 4 năm sau ngày gia nhập lò đào tạo SHB Đà Nẵng, Tuấn đã được đôn lên đội 1 dự V-League. Nhưng đội bóng sông Hàn luôn ưu tiên sử dụng hai tiền đạo ngoại binh nên chân sút trẻ quê Đại Lộc gần như chỉ ngồi dự bị, rồi có vào sân cũng phải chơi tiền vệ trái với sở trường.

Năm 2015, khi kết thúc hợp đồng tại SHB Đà Nẵng, tiền đạo sinh năm 1991 quyết định trở về quê hương đầu quân cho CLB QNK Quảng Nam (sau này đổi tên thành Quảng Nam). “Các bác lãnh đạo chào đón, tạo điều kiện lắm, đúng là quê hương là chùm khế ngọt, chẳng ở đâu bằng quê mình”, Tuấn chia sẻ.

Nhưng đằng sau ân tình đó, Tuấn vẫn phải đối diện với thử thách trên sân. Quảng Nam cũng sử dụng tiền đạo ngoại nên anh ít khi được chơi ở vị trí sở trường, thường đá dạt cánh hoặc hộ công. Mùa giải 2017, Quảng Nam lên ngôi, chân sút Đại Lộc có 8 bàn thắng nhưng hoàn toàn lép vế trước đồng nghiệp Claudecir, người ghi tới 12 bàn. Phải tới mùa giải năm nay, cầu thủ sinh ra ở Đại Lộc mới thực sự lĩnh ấn tiên phong nơi hàng công đội bóng đất Quảng.

Trớ trêu, Quảng Nam khủng hoảng phong độ, chơi cực tệ từ đầu mùa và có lúc tụt xuống đáy bảng xếp hạng. Thấy đội bóng quê hương chật vật, Tuấn cùng anh em hô hào nhau cố gắng từng trận: “Chúng tôi xác định mỗi trận đều là chung kết, đá với tinh thần không còn gì để mất, không chỉ vì mình mà còn vì danh dự, vì mảnh đất mình sinh ra, lớn lên. Đương nhiên, không phải ai trong đội cũng sinh ra ở Quảng Nam nhưng đã khoác lên mình màu áo này thì phải cống hiến”.

Tiền đạo đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới V-League 2019 cho biết thêm, đúng giai đoạn đội khó khăn nhất, vợ anh lại sinh con thứ hai tại Đà Nẵng nên anh không có nhiều thời gian chăm sóc vợ.

“Trước thì tuần nào cũng cũng vào thăm vợ con một, hai lần nhưng tình hình đội như vậy, tôi muốn tập trung tập luyện, thi đấu giúp đội vượt qua khủng hoảng nên ít vào hơn. Vợ tôi dù vất vả cũng gắng động viên chồng cố gắng thi đấu, nói ở nhà mẹ con cô ấy xoay xở được”, Tuấn trầm ngâm.

Vợ chồng anh quen nhau khi anh chơi bóng ở Đà Nẵng còn vợ làm kế toán cho một công ty tư nhân và sau đó kết hôn. Cả hai cùng quê Đại Lộc nhưng định cư tại thành phố bên bờ sông Hàn. Ngày cầu thủ 28 tuổi về đầu quân cho Quảng Nam, cả hai đã lường trước cuộc sống “ông ngâu, bà ngâu” nên có lẽ người “nâng khăn sửa áo” cho anh cũng chẳng lấy làm buồn. Nhưng là đàn ông, anh cảm thấy chưa làm tròn trách nhiệm với gia đình, với những người mình yêu thương. “Hình như số tôi phải xa gia đình hay sao ấy. Ngày xưa thì xa cha mẹ vào Đà Nẵng lập nghiệp, giờ lại xa vợ con”, Tuấn tếu táo.

Kể tiếp về gia đình, cậu bé chăn bò ngày nào cho hay, bố mẹ anh hiện vẫn làm nông nghiệp nhưng do sức khỏe yếu cũng không làm được nhiều. Nhưng điều anh lo nhất là hiện nhà chỉ có bố mẹ, anh trai và em gái đều ra ở riêng, khi trái gió trở trời con cái không săn sóc được.

“Nhiều lần tôi ngỏ ý muốn đón bố mẹ vào Đà Nẵng sống nhưng ông bà không chịu bởi đã quen cuộc sống thôn dã, có làng có xóm. Khổ nhất là kể cả lúc ốm đau bố mẹ cũng giấu anh em chúng tôi, sợ các con lo lắng. Bằng này tuổi đầu, đã lập gia đình, chẳng báo hiếu được bố mẹ mà còn để bậc sinh thành phải bận lòng, đúng là nước mắt lúc nào cũng chảy xuôi”, Tuấn nói.

Theo Thanh Hà (Báo Giao thông)

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục