Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo từ 24/3
Tổng cục Hải quan thông báo tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức từ 0h ngày 24/3. Quyết định đưa ra nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0h ngày 24/3. Cục quản lý rủi ro được yêu cầu thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc nhóm HS: 1006.20 (gạo lứt); 1006.30 (gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ, đã hoặc chưa được đánh bóng hoặc hồ) và 1006.40 (gạo tấm). Đối với những lô hàng xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm này, các cơ quan vẫn giải quyết theo quy định. Việc vận chuyển trái phép mặt hàng gạo qua biên giới sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định.
Trao đổi với Người Đồng Hành, một số doanh nghiệp cho biết cũng đã nhận được văn bản về chủ trương ngừng xuất khẩu trong sáng nay.
Ngay sau khi chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo được thực hiện, cuối ngày 24/3, Bộ Công Thương lại có văn bản hỏa tốc đề nghị Thủ tướng cho hoãn thực hiện nội dung này, qua đó có thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, cũng như hàng tồn kho thực tế. Đề nghị này dựa trên cơ sở tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp.
Trả lời VnExpress sau đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cơ quan này chưa nhận được đề nghị của Bộ Công Thương. “Khi nhận được văn bản chúng tôi sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định”, ông Dũng cho biết.
Quyết định này được đưa ra nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trên thế giới.
Tại cuộc họp diễn ra ngày 23/3, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Công Thương tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 nhằm đảm bảo các mục tiêu và nguyên tắc điều hành, góp phần ổn định giá gạo trong nước. Bộ Công Thương được giao khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể việc tạm dừng xuất khẩu gạo theo trình tự thủ tục rút gọn (có hiệu lực từ ngày ký).
Trong khi đó, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch, Tổng cục Hải quan dừng việc mở tờ khai từ ngày 24/3. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi chặt diễn biến thời tiết, thiên tai… để tập trung chỉ đạo sản xuất.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 929.000 tấn trong 2 tháng đầu năm nay, mang về hơn 430 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu mặt hàng này tăng 30,5% về lượng và 38,2% về giá trị.
Philippines hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với khối lượng nhập khẩu đạt trên 357.000 tấn gạo, chiếm 38% tổng xuất khẩu cả nước.
Nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu 3 con số, riêng Trung Quốc tăng 594,5% về lượng và giá trị tăng 723,6%. Một số thị trường cũng đẩy mạnh nhập khẩu gạo của Việt Nam như Pháp (tăng 554,1% về lượng và 723,6% về giá trị), Đài Loan (Trung Quốc) (tăng 214% về lượng và 257,5% về giá trị), Nga (tăng 218,2% về lượng và 156,4% về giá trị)…
Tháng 2, giá xuất khẩu gạo Việt Nam lên cao nhất hơn một năm do nhu cầu mạnh mẽ từ Philippines và Malaysia, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Trong đó, giá gạo 5% tấm là 380 USD/tấn, tăng từ mức 355 – 360 USD/tấn đầu tháng. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng do hiện tại vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước sản xuất gạo khác.
Theo Ngọc Hà-Thanh Long/ Người Đồng Hành
Link bài gốc: https://ndh.vn/nong-san/viet-nam-tam-dung-xuat-khau-gao-tu-24-3-1265516.html