Những khó khăn cần vượt qua khi dạy học trực tuyến

Từ thực tiễn, ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Hà Nội, chia sẻ những khó khăn mà các trường, giáo viên cần phải vượt qua khi dạy học qua internet, trên truyền hình.

Ảnh minh họa/internet

Việc dạy học trên truyền hình đã được thực hiện nhiều năm qua, đặc biệt phục vụ ôn luyện cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp và thi ĐH, CĐ. Trong giai đoạn này, việc dạy học trên truyền hình được thực hiện đồng bộ với các khối lớp, nhằm giúp tất cả các đối tượng học sinh tham gia học tập, khắc phục khó khăn trong giai đoạn phòng dịch.

Theo ông Nguyễn Quý Xuân, ưu điểm là cơ sở vật chất phục vụ việc học qua truyền hình đơn giản, chỉ cần tối thiếu là một chiếc tivi đã có thể học được. Nếu có thêm máy tính nối mạng, học sinh có thể tìm lại bài đã dạy trên các video lưu của nhà dài khi muốn xem lại, hoặc do lý khách quan chưa kịp theo dõi bài học. Tuy nhiên, phương thức này hạn chế vì luôn đòi hỏi cao về tính tự giác học tập của học sinh; khó có thể kiểm soát được học sinh có theo dõi bài học hay không tại thời điểm truyền hình phát.

Với học qua internet, ông Nguyễn Quý Xuân cho rằng, việc dạy và học trực tuyến qua các ứng dụng hỗ trợ tiện ích trước đây (khi học sinh chưa phải nghỉ phòng dịch) tuy có nhưng chỉ được sử dụng khá ít trong một số trường hợp. Trong đợt dịch này, dạy học trực tuyến được sử dụng nhiều và cho thấy phù hợp, giúp học sinh được tiếp tục học tập an toàn trong giai đoạn phòng dịch hiện nay.

Tuy nhiên, để triển khai tốt dạy trực tuyến cũng có một số khó khăn cần vượt qua. Thứ nhất, việc lựa chọn ứng dụng tiện ích để thuận lợi cho việc dạy học trực tuyến cũng là một khó khăn. Mỗi ứng dụng đều có các ưu điểm và hạn chế nhất định, nên mong cơ quan quản lý giáo dục có hướng dẫn lựa chọn hoặc cung cấp phần mềm tốt nhất, đồng thời hướng dẫn sử dụng cho các nhà trường.

Đội ngũ giáo viên các trường chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng, nên việc chọn các ứng dụng tiện ích chủ yếu dựa vào một số thầy cô đã sử dụng rồi hướng dẫn cho các thầy cô khác trong trường; do đó không đồng nhất. Việc học tập lẫn nhau giữa các nhà trường khó hơn rất nhiều. “Ở trường THPT Phúc Lợi, chúng tôi yêu cầu nhóm Tin học thường trực hỗ trợ trực tiếp các thầy cô khi dạy cho đến khi thành thạo” – ông Nguyễn Quý Xuân chia sẻ.

Thứ 2, dạy theo hình thức mới, giáo viên cũng gặp khó khăn, từ làm quen đến sử dụng thành thạo các ứng dụng; chuẩn bị giáo án phù hợp với phương thức dạy học mới…; do đó, rất cần sự quan tâm động viên của Ban giám hiệu mỗi nhà trường.

Thứ 3, khi dạy tại trường, nhà trường phải nâng cấp đường truyền mạng vì mạng cũ thường chỉ đủ cho các công việc thường nhật, khi hoạt động với dung lượng lớn sẽ không đủ tải, rất chậm. Trong khi đó, nếu dạy tại nhà, việc hỗ trợ khi giáo viên gặp sự cố về công nghệ sẽ khó khăn vì không có người trực tiếp hỗ trợ. Việc tự khắc phục xong cũng mất nhiều thời gian, đôi khi gần hết cả tiết học.

Thứ 4, việc học trực tuyến không dễ thực hiện với tất cả đối tượng học sinh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vì gia đình các em không có đủ trang thiết bị giúp các em học tập. Việc học này cũng đòi hỏi học sinh phải rất tự giác vì nếu học sinh chỉ truy cậ mà không theo dõi thì giáo viên cũng ko biết để nhắc nhở. Việc đôn đốc các học sinh đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, sự vào cuộc quyết liệt của cha mẹ học sinh.

Theo ông Nguyễn Quý Xuân, học trực tuyến phải được hiểu là một biện pháp cấp thời, tạo điều kiện để học sinh được học tập, được tăng cường kiến thức trong giai đoạn đặc biệt phòng chống dịch bệnh hiện nay. Nó không thể thay thế cho việc dạy học trực tiếp trong các nhà trường, vẫn đang được toàn thế giới thực hiện. Ngay cả các nước có đủ cơ sở vật chất, trình độ CNTT rất cao, học sinh vẫn được giáo dục chính trong các giờ học do các thầy cô giảng dạy tại trường.

“Ngay từ tuần nghỉ đầu tiên, được sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, cùng với thực hiện tốt công tác phòng dịch, Hội đồng giáo dục Trường THPT Phúc Lợi đã họp bàn, lên kế hoạch và quyết định thực hiện việc ôn luyện trực tuyến qua các ứng dụng internet như: zalo, messenger, viber, zoom…. cho học sinh toàn trường, trong đó đặc biệt quan tâm tới HS lớp 12, vì xác định nghỉ phòng dịch không thể chỉ nghỉ 1 hay 2 tuần đã hết dịch. Vì thế khi có công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thì nhà trường rất chủ động trong việc triển khai thực hiện” – ông Nguyễn Quý Xuân chia sẻ.

Khi hết dịch, học sinh đi học trở lại, các nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục theo sự hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Ngoài phần tinh giản (theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT), các phần khác phải thực hiện để bảo đảm học sinh nắm đủ kiến thức. Nếu tách lớp thành lớp các em đã học trên truyền hình hoặc trực tuyến với các em chưa học để dạy riêng thì lại càng phức tạp, chưa nói đến nguồn lực để thực hiện.

Bên cạnh đó, chắc chắn phải thực hiện hoàn thành chương trình trong hè (mà lẽ ra các thầy cô được nghỉ theo quy định của pháp luật). Nếu coi đợt nghỉ này như là kì nghỉ hè thì việc các thầy cô thực hiện dạy trực tuyến hiện nay có thể hiểu là đang đi làm trong thời gian mà mình được nghỉ hè.

Tất nhiên chống dịch như chống giặc, cả nước, trong đó có các cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục đều quyết tâm chung tay chống dịch. Nhưng nếu có những hướng dẫn về tài chính để các nhà trường thực hiện ủng hộ thầy cô trực tiếp giảng dạy trực tuyến trong dịp này, như là một sự động viên kịp thời để các thầy cô hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, thì việc dạy trực tuyến chắc chắn sẽ thu được kết quả ngày càng tốt hơn.

Ông Nguyễn Quý Xuân

Theo Hải Bình/ Báo Giáo dục & Thời đại

Link bài gốc: //giaoducthoidai.vn/nhung-kho-khan-can-vuot-qua-khi-day-hoc-truc-tuyen-20200330191745404.html

 

Bài cùng chuyên mục