Bộ GD&ĐT: Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học

Ngành Giáo dục bằng nỗ lực cao nhất luôn cố gắng để học sinh được tiếp tục học tập, như chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” trong thời điểm dịch Covid-19 kéo dài.

Đội ngũ giáo viên trên toàn quốc hàng ngày chủ động tiếp cận các ứng dụng mới trên Internet để chuyển tải kiến thức đến học sinh qua các chương trình dạy trực tuyến. Ảnh minh họa: IT

Cùng nỗ lực giải bài toán khó

Hiện nay các nhà trường đều đã tăng cường hình thức dạy học qua Internet và trên truyền hình. Tuy vậy, quá trình dạy và học này cũng bộc lộ một số khó khăn, rào cản do thiếu cơ sở vật, thiết bị công nghệ… Chia sẻ về điều này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, hạ tầng công nghệ thông tin của hầu hết các nhà trường, kể cả vùng khó khăn đã được các tập đoàn viễn thông lớn hợp tác trang bị.

Đặc biệt, mới đây, 2 Bộ: GD&ĐT, Thông tin và Truyền thông đã cùng làm việc và Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết có những hỗ trợ liên quan đến nội dung này, như: Phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD&ĐT thẩm định lên truyền hình; các doanh nghiệp viễn thông di động miễn phí toàn bộ cước phí dữ liệu truy cập các bài học cho học sinh, sinh viên và thầy cô liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD-ĐT; Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho khoảng 37.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học…

Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Thành, hiện rất nhiều tỉnh thành đã triển khai dạy học trên truyền hình. Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các sở GD&ĐT gửi bài đã tổ chức dạy trên đài truyền hình địa phương về Bộ để Bộ tổ chức tuyển chọn và phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam phát lại trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam có độ phủ sóng rộng trên toàn quốc, công bố lịch cụ thể từng ngày giờ phát sóng, từng bài cụ thể để nhà trường hướng dẫn học sinh theo học.

Trước băn khoăn điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất giữa các vùng miền không đồng đều, vùng sâu vùng xa điều kiện không thể bằng các thành phố, khiến cho chất lượng dạy học qua Internet và truyền hình có thể sẽ chênh lệch giữa các địa phương, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành khẳng định: Chúng ta luôn có mục tiêu làm điều hòa chất lượng giữa các địa phương để giảm thấp nhất sự chênh lệch giữa các vùng miền. Hiện nay, vẫn cố gắng bảo đảm, cho dù học sinh ở vùng khó khăn cũng vẫn được học, như chỉ đạo Bộ trưởng là “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.

“Chúng ta sẽ bằng mọi cách để học sinh có thể tiếp tục được học tập. Việc dạy học trên truyền hình cơ bản có thể phủ khắp toàn quốc; một số vùng khó khăn chưa được tiếp cận thì rất cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, các sở/ phòng GD&ĐT, làm sao có phương thức phù hợp cho học sinh được tiếp cận các bài học” – PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Giáo viên Trường THCS Tân Thành, TP Thái Nguyên, tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh. Ảnh: IT

Làm sao để triển khai đồng bộ, hiệu quả?

Để tránh hiện tượng xuê xoa, hình thức trong cả việc dạy học và kiểm tra đánh giá khi thực hiện dạy học từ xa, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là ở các nhà trường, thầy cô dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường phải xây dựng được kế hoạch dạy học cụ thể cho từng bài học.

Cho dù phương tiện thực hiện là qua Internet hay trên truyền hình thì hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các tổ chuyên môn phải xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể theo từng bài. Với kế hoạch đó, thầy cô vẫn phải soạn giáo án, thiết kế bài học đưa lên trên mạng (nếu là dạy trên Internet), có điều ở đây cần sự tự giác của học sinh cao hơn, do không được quản lý trong cùng một không gian lớp học. Bởi vậy nên cần sự hỗ trợ tích cực của cha mẹ học sinh ở các gia đình.

“Sử dụng phương tiện là Internet hoặc truyền hình, không quản lý trực tiếp học sinh trong môi trường lớp học truyền thống nên yêu cầu bảo đảm chất lượng được đặt ra rất rõ, cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, thầy cô và cha mẹ học sinh. Vì vậy. Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1061, trong đó quy định rõ quy trình tổ chức một bài học cho học sinh. Dù phương tiện là Internet hay trên truyền hình, giáo viên đều phải giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bài học; học sinh học bài đó và phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có câu hỏi, bài tập, bài trình bày, bài báo cáo, yêu cầu học sinh biết vận dụng kiến thức để giải quyết nhiệm vụ, như vậy kiến thức sẽ vững chắc” – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nói rõ.

Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT cần làm gì để triển khai cụ thể, đặc biệt thực hiện đồng bộ việc tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học qua Internet, trên truyền hình theo chương trình giáo dục đã được tinh giản? Trả lời câu hỏi này, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Với phần chương trình thực hiện qua Internet, trên truyền hình, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quy định rõ điều kiện hạ tầng kĩ thuật phải bảo đảm để thầy trò tổ chức được hoạt động học hiệu quả; có yêu cầu về bài giảng, học liệu; quá trình tổ chức hoạt động học thì thầy cô giao bài như thế nào, học sinh phải hoàn thành những nhiệm vụ học tập như thế nào?

Với việc thực hiện nhiệm vụ học tập đó, học sinh phải có báo cáo, trình bày, làm bài kiểm tra, để lấy điểm miệng, điểm 15 phút (bài kiểm tra thường xuyên). Có điều, khi thực hiện dạy học trên truyền hình, qua Internet, các bài kiểm tra càng phải theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Tức là không phải kiểm tra tái hiện kiến thức mà hướng học sinh đến việc vận dụng kiến thức đó để giải quyết các nhiệm vụ học tập thầy cô giao.

“Hơn nữa, trong thời điểm này, các nhà trường cũng sử dụng các hình thức dạy học qua mạng theo hình thức trực tuyến, thầy cô có thể tương tác trực tiếp với học trò, cũng có thể yêu cầu học trò trình bày tương tự như trên lớp, phát biểu, qua đó có thể cho điểm như điểm kiểm tra miệng”, PGS Nguyễn Xuân Thành chỉ rõ.

“Khi học sinh quay trở lại trường, nhà trường phải bố trí thời gian ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình. Sau đó, sẽ thực hiện các bài kiểm tra định kỳ, tức là bài kiểm tra 1 tiết, hoặc 2 tiết (trong quy chế của Bộ gọi là bài kiểm tra định kỳ) và bài kiểm tra cuối kỳ; bảo đảm không chỉ đánh giá công bằng minh bạch mà quan trọng nhất là bảo đảm học sinh có kiến thức vững chắc để tiếp tục học ở các lớp, bậc học tiếp theo” – PGS Nguyễn Xuân Thành lưu ý.

Theo Hiếu Nguyễn/ Báo Giáo dục & Thời đại

Link bài gốc: https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-tam-dung-den-truong-nhung-khong-dung-hoc-20200408092844016.html

 

Bài cùng chuyên mục