Học phí đại học: Mức nào phù hợp?

Năm học 2020 - 2021, nhiều trường ĐH công lập lẫn tư thục tăng học phí ở mức cao. Bên cạnh việc chọn ngành, chọn trường để học, vấn đề học phí cũng khiến không ít thí sinh, gia đình đau đầu. Tranh cãi xung quanh vấn đề trường này đắt, trường kia rẻ đã xảy ra.

SV khóa 2020 Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nộp học phí. Ảnh: CTV

Tranh cãi khi học phí tăng

Sau khi Trường ĐH Y Dược TP.HCM (UMP) công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2020, nhiều thí sinh và gia đình không khỏi bất ngờ vì mức học phí tăng gấp 3 – 4 lần mức cũ. Trong đó mức học phí cao nhất là ngành Răng – Hàm – Mặt với 70 triệu đồng/năm, kế đến là ngành Y khoa (68 triệu đồng/năm), ngành Dược học (50 triệu đồng/năm)…

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – Trưởng phòng Đào tạo UMP, mức học phí này áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2020. Còn những khóa tuyển sinh trước vẫn áp dụng theo mức cũ. “Những năm trước, SV đóng trung bình khoảng 13 – 15 triệu đồng/năm chỉ đáp ứng được một phần kinh phí đào tạo. Còn lại, Nhà nước phải rót kinh phí thêm. Tuy nhiên, từ năm 2020, nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ nên sẽ không được nhận kinh phí từ Nhà nước, vì vậy, nhà trường sẽ tính toán để đầu tư cho SV, trường hoạt động tốt hơn…” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi chia sẻ.

Thực tế, nếu so với một số trường ĐH công lập hay tư thục khác có đào tạo ngành Y, mức học phí tăng theo đề án của UMP vẫn thấp hơn nhiều. Chẳng hạn như ngành Răng – Hàm – Mặt, UMP thu 70 triệu đồng/năm, trong khi ngành học này tại nhiều trường khác có mức học phí trên 100 triệu đồng/năm.

Mới đây, một số thí sinh trúng tuyển khóa 26 (2020) vào Trường ĐH Văn Lang (VLU) tranh cãi gay gắt về việc tăng học phí từ 15 – 35% trên fanpage của trường. Thông tin về vấn đề trên, ThS Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực VLU cho rằng: Học phí là sự đầu tư tự nguyện của người học cho tương lai.

Mức học phí nhà trường đưa ra được cân nhắc, tổng hòa các yếu tố đầu tư tương xứng dành cho người học trong suốt 4 – 6 năm ĐH. Các yếu tố quan trọng nhất gồm: Cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, phương tiện dạy học, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ đào tạo, tiện ích dịch vụ trong trường.

“Giữa bối cảnh thị trường vật giá liên tục biến động, nhà trường đang nỗ lực đầu tư cho đội ngũ giảng viên và quản lý, triển khai các chương trình sinh hoạt và học tập cho SV, tiếp tục phát triển cơ sở vật chất. Mức học phí khóa 26 tăng so với các khóa trước, nhằm nâng tầm chất lượng đào tạo của trường theo định hướng quốc tế hóa, nâng cao năng lực và giá trị cho người học” – ThS Võ Văn Tuấn chia sẻ.

Mức nào là phù hợp?

Khối ngành sức khỏe có mức học phí cao. Ảnh: Duytan.edu.vn

Để có góc nhìn đúng và sự thông hiểu lẫn nhau về học phí giữa người học và cơ sở GDĐH là điều không dễ dàng, khi một bên vẫn giữ quan điểm “đồng tiền đi liền khúc ruột”, trong khi một bên lại cho rằng “tiền nào của đó”.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (UIH), cùng trong một hệ thống trường ĐH công lập nhưng có sự khác nhau rất lớn về học phí giữa trường hoạt động theo mô hình tự chủ với trường chưa thực hiện tự chủ. Bởi trường ĐH tự chủ không nhận ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước nên học phí phải thu cao hơn để bảo đảm các tiêu chí chất lượng của đào tạo.

“Học phí là một thách thức đối với các trường ĐH tự chủ. Điều này cũng cho thấy sự cạnh tranh chưa thật sự công bằng giữa trường ĐH hiện nay” – TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.

Thông thường, người học và gia đình hay đưa ra so sánh mức học phí giữa trường này với trường kia rồi nhận định học phí trường này cao, trường kia thấp. ThS Võ Văn Tuấn (VLU) cho rằng, việc so sánh để phân tích học phí giữa các trường là cách tiếp cận đơn giản, thiếu sự đánh giá toàn diện, khách quan.

“Mức học phí của một trường ĐH đưa ra là sự cân nhắc từ rất nhiều yếu tố. Có những yếu tố hữu hình người học cảm nhận được dễ dàng và SV VLU vài năm trở lại đây rất hài lòng, như: Cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi, tiện ích dịch vụ đầy đủ. Nhưng quan trọng hơn là những giá trị vô hình trong văn hóa học đường như: Môi trường sinh hoạt, đời sống trải nghiệm ĐH giúp bồi dưỡng tính cách, tác phong, kỹ năng, thái độ… của SV; Tiền đề thành công của các em trong sự nghiệp sau này. Thay vì so sánh mức học phí giữa các trường, chúng ta nên đưa học phí của một trường ĐH ra cân nhắc, đối chiếu với các giá trị đào tạo mang lại cho người học của chính ngôi trường đó có tương xứng không” – ThS Võ Văn Tuấn chia sẻ.

Tương tự, PGS.TS Thái Bá Cần – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng: “Xu thế phát triển ĐH, học phí chính là phân khúc, chất lượng. Khi đưa ra một mức học phí có nghĩa là chúng tôi phải cam đoan với người học mức độ chất lượng nhất định, chứ không phải muốn đặt ra mức nào thì đặt. Do đó cần phải hiểu học phí là chất lượng dịch vụ mà nhà trường cung cấp”.

ThS Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI) bày tỏ: Mỗi trường có một lý do để đưa ra mức học phí phù hợp với điều kiện của họ. Vấn đề là người học cần cân nhắc với điều kiện của gia đình mình để có lựa chọn phù hợp. Các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn vẫn có thể học được vì sẽ có chính sách hỗ trợ từ phía nhà trường, miễn sao các em chuyên tâm học hành” – ThS Phạm Thái Sơn chia sẻ.

“Rất khó đánh giá thế nào là mức học phí phù hợp với các nhóm đối tượng. Cách tốt nhất là đối chiếu học phí với các giá trị mà trường ĐH đem lại cho người học. Nếu bạn thấy xứng đáng để đầu tư cho tương lai, đó là sự phù hợp. Ngoài ra, mỗi người học lại có điều kiện gia đình, kinh tế, quan điểm đầu tư cho giáo dục khác nhau, nên sẽ biết đâu là mức học phí phù hợp cho mình…”.ThS Võ Văn Tuấn (VLU)

NguồnNhư Ý/ Báo Giáo dục & Thời đại
Bài cùng chuyên mục