TP.HCM dự báo nhu cầu tiêu thụ bia tháng tết khoảng 48,5 triệu lít
Theo kế hoạch của Sở Công Thương TP.HCM về việc cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Tân Sửu 2021, nguồn hàng bình ổn thị trường dự kiến hơn 7.100 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm Tết, tổng giá trị hàng hóa doanh nghiệp chuẩn bị là hơn 10.400 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường chiếm hơn 40%.
Nhiều nhóm hàng được chuẩn bị với sản lượng lớn, chi phối từ 22-54,5% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm gần 7.500 tấn, trứng gia cầm 67,9 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn, thịt gia súc 5.594,4 tấn, dầu ăn 1.671,8 tấn, gạo 3.943,2 tấn…
Về các mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ tại TP.HCM ước khoảng 48,5 triệu lít/tháng Tết (khoảng 6 triệu thùng), tăng 20% so với tháng thường.
Đối với mặt hàng hoa, dự kiến thị trường thành phố tiêu thụ khoảng 600.000-700.000 chậu mai, 250.000-300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng… Trong đó, 4 chợ chuyên doanh hoa lớn như chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành.
Hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng TP.HCM dịp Tết chủ yếu từ 3 nguồn chính gồm các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, chiếm từ 30-40% thị phần; chợ đầu mối chiếm 60-70% thị phần và các doanh nghiệp khác chiếm 10-20% thị phần.
Về cung ứng hàng hóa tại 3 chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày.
Ở kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đang xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 2-3 lần so với tháng thường.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Các đơn vị này cũng sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…
Nguồn hàng dự trữ tại TP.HCM chủ yếu do các doanh nghiệp lớn cung cấp. Cụ thể kênh phân phối bán lẻ có Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, BigC, Aeon Citimart… Doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm có: Vissan, Sagrifood (thịt gia súc), Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm); Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương (gạo); Thành Thành Công (đường); Colusa – Miliket, Bình Tây (mì, bún, phở khô); San Hà, Long Bình, Feddy (thịt gia cầm); Phong Thúy, Thảo Nguyên, Phước An (rau củ quả); Liên Thành (nước mắm)…
Từ phía các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dự báo thị trường Tết năm nay sẽ ít sôi động hơn những năm trước. Sức mua có thể giảm nhiều do tác động Covid-19 và các đợt thiên tai ở Miền Trung.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, nhiều doanh nghiệp TP.HCM đã chủ động bổ sung nguồn hàng là nông sản, đặc sản các địa phương vào danh mục sản phẩm Tết.