Tuyển sinh ĐH 2021: Đa dạng phương thức xét tuyển

Nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2021. Đáng chú ý ngoài việc đa dạng phương thức xét tuyển, các trường còn mở nhiều ngành học mới hấp dẫn.

Tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Ảnh: IT

Tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp

Là trường đại học đầu tiên công bố đề án tuyển sinh 2021, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh như năm 2020. Theo đó, nhà trường sẽ dành 10% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng, 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức 2 – sử dụng kết quả học tập bậc phổ thông. Phương thức 3, nhà trường dành 10% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM. Phương thức cuối cùng xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 trường dành 50% chỉ tiêu.

Trường ĐH Mở TP.HCM năm 2021 dự kiến có 7 phương thức xét tuyển. Một số phương thức được duy trì từ năm 2020 như: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi, xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT có chứng chỉ ngoại ngữ, xét điểm kỳ thi tú tài quốc tế.

Phương thức xét tuyển trường bổ sung thêm trong năm 2021 là xét dựa vào kết quả học tập 3 năm THPT. Điểm đáng chú ý, phương thức xét thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-level của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge theo điểm 3 môn trở lên (điểm mỗi môn đạt từ C trở lên) và kết quả kỳ thi SAT đạt từ 1.100/1.600 trở lên.

Tại các trường đào tạo đa ngành nghề khác như: ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), phương thức xét tuyển ổn định như năm 2020 với 4 phương thức. Trong đó, hai phương thức xét học bạ 3 năm THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỉ trọng lớn tổng chỉ tiêu tuyển sinh. ThS Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết: Trường dự kiến có 4 phương thức xét tuyển, trong đó 2 phương thức chủ đạo gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT (50% tổng chỉ tiêu) và xét học bạ THPT tối đa 40% chỉ tiêu.

Tương tự, HUTECH xét tuyển 6.600 chỉ tiêu cho 50 ngành đào tạo theo 4 phương thức xét tuyển độc lập, gồm xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2021 của ĐHQG TP.HCM, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).

Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) cũng thực hiện xét tuyển đồng thời 4 phương thức tuyển sinh với 3.495 chỉ tiêu cho 30 ngành đào tạo. Trong 4 phương thức xét tuyển dự kiến cả HUTECH và UEF đều dành tới 65% tổng chỉ tiêu xét phương thức kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ THPT.

Học sinh tìm hiểu về phương thức xét tuyển học bạ THPT tại UEF.

Nhiều ngành học mới

Điểm đáng chú ý trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021 của các trường vừa công bố là việc xuất hiện nhiều ngành học mới, hấp dẫn. Những ngành này tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghệ, kinh tế.

TS Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho hay: Năm học tới, trường dự kiến mở thêm 6 ngành học mới, nâng tổng số ngành/nhóm ngành lên đến 43. Cụ thể là các ngành robot và hệ thống điều khiển thông minh, kinh tế tài nguyên thiên nhiên, kỹ thuật hóa phân tích, quản trị nguồn nhân lực, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý đô thị thông minh và bền vững.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm học 2021 – 2022 cũng mở thêm 7 ngành gồm: Kỹ thuật – công nghệ (robot và trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu), kinh tế – quản trị (quản trị nhân sự) và khoa học xã hội (quan hệ công chúng, quan hệ quốc tế); kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng (nhóm ngành khoa học).

ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương – Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Tuyền thông (HUTECH) thông tin: Đây là những ngành có nhu cầu rất lớn ở hiện tại và tương lai nhưng nguồn nhân lực lại khan hiếm. Với hai ngành robot và trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, nhà trường muốn đào tạo để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực thế mạnh của trường nên người học sẽ có cơ hội nghiên cứu chuyên sâu ở  lĩnh vực yêu thích.

Nhìn nhận về xu hướng mở ngành mới của các trường, TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ: Có 2 xu hướng mở ngành mới từ các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng gồm: Mở ngành mới để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động trong thời đại mới (một số vị trí việc làm mới xuất hiện do sự phát triển của khoa học – công nghệ), trong đó phải kể đến một số ngành liên quan đến công nghệ thông tin như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, hệ thống điều khiển thông minh, dữ liệu lớn.

Xu hướng thứ 2 là mở bổ sung một số ngành, chuyên ngành hẹp dù không phải là ngành mới, nhưng có nhu cầu lao động vẫn rất cao, có sức hút lớn thí sinh đăng ký xét tuyển trong những năm gần đây. Nhóm này phải kể đến các ngành như logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản trị nhân lực, kinh doanh quốc tế…

Theo ThS Phạm Doãn Nguyên – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh UEF, những ngành nghề mà trường dự kiến mở và tuyển sinh năm 2021 nằm trong xu thế ấy. Theo đó, nhóm ngành nghề mà trường đánh giá sẽ hút người học trong tương lai là bất động sản, tài chính quốc tế, báo chí, tâm lý học, thiết kế đồ họa.

“Đây cũng là 5 ngành UEF mở và tuyển sinh năm 2021 nhằm mang đến cơ hội lựa chọn đa dạng ngành học cho thí sinh cả nước, đồng thời đáp ứng nhân lực cho xã hội” – ThS Nguyên nói.

Xu hướng ngành nghề trong tương lai sẽ có nhiều dịch chuyển, vì thế buộc các trường phải điều chỉnh phương án tuyển sinh, cũng như mở thêm các ngành nghề mới để đáp ứng nhu cầu người học; quan trọng hơn là góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho nhóm ngành nghề đang thiếu hụt nhân sự.

Nguồn Anh Tú/ Báo Giáo dục & Thời đại
Bài cùng chuyên mục