Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia: Dự án đoạt giải nhất trùng lặp với dự án đoạt giải trước đó

Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 vừa diễn ra tại Thừa Thiên - Huế. Dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" của nhóm học sinh Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đoạt giải nhất.

Tuy nhiên, ngay sau đó, dự án này bị phản ánh giống với một dự án từng đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình năm 2019 là “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân (học sinh lớp 12A và 12G Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình).

Dự án này sau đó đã giành giải nhì trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2019. Việc 2 dự án có chung ý tưởng, cùng do học sinh Trường THPT Hoa Lư A thực hiện khiến dư luận xôn xao.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết ban chỉ đạo cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đã yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình báo cáo. Nếu thấy thực sự có sự trùng lặp thì ban chỉ đạo kỳ thi sẽ ra quyết định hủy kết quả, thu hồi giải thưởng. Có thể ban giám khảo chưa phát hiện được sự trùng lặp (nếu có) trong quá trình chấm thi.

Trả lời về vụ việc này, ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình ngày 29-3 thừa nhận đúng là 2 dự án tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia các năm 2019 và 2021 của học sinh tỉnh Ninh Bình đều có tên liên quan đến “giường bệnh thông minh”. Cả 2 dự án đều do thầy Nguyễn Mạnh Tú, giáo viên của Trường THPT Hoa Lư A, hướng dẫn. Tuy nhiên, dù 2 dự án có tên gần giống nhau nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là khác nhau.

Dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” là hệ thống tích hợp được các chức năng để giúp bệnh nhân tự hồi phục như tập tay, tập chân, tập trí nhớ và giải trí do chính bệnh nhân tự điều khiển thông qua giọng nói. Hệ thống này để tập phục hồi tay và chân, cử chỉ của khuôn mặt như há miệng để bật chức năng giải trí như nghe nhạc, nghe truyện. Bệnh nhân có thể điều khiển theo mong muốn của mình, giải phóng sự vất vả và áp lực cho người chăm sóc. Trong khi đó, dự án “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” là hệ thống dành cho người chăm sóc bệnh nhân có thể điều khiển vận hành thuận lợi từ xa thông qua mạng internet.

Lý giải việc tại sao Sở GD-ĐT và nhà trường không chọn một tên khác để tránh những nghi vấn của dư luận, ông Khâm cho rằng tên dự án do thầy giáo và học trò đặt và cơ bản mọi người không để ý nhiều đến cái tên. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình cho rằng có thể do tên dự án gần giống nhau nên dư luận cho rằng 2 dự án tương tự nhau.

NguồnYến Anh/ Người lao động
Bài cùng chuyên mục